Chào mừng Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phụ trợ do Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) thành phố chủ trì và phối hợp tổ chức chú trọng đến khai thác các giá trị văn hóa Đà Nẵng để giới thiệu rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước.
Không gian trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm với hệ thống ánh sáng hiện đại, thu hút khách tham quan. |
Theo kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại thành phố Đà Nẵng của Sở VHTT thành phố, một số hoạt động trong chuỗi sự kiện văn hóa, giải trí dọc hai bờ sông Hàn sẽ được nâng tầm về chất lượng.
Cụ thể, chương trình Vũ hội đường phố số đặc biệt (tại đường Trần Hưng Đạo, đoạn từ đường Lý Nam Đế đến đường Triệu Việt Vương), sẽ biểu diễn nhạc hơi kết hợp diễu hành khiêu vũ nghệ thuật trên đường phố, đặc biệt có sử dụng âm nhạc và trang phục đặc trưng của 21 nước thành viên APEC.
Chương trình Âm nhạc đường phố số đặc biệt (vỉa hè số 144 Bạch Đằng) được xây dựng đa dạng về thể loại và có sự góp mặt của các ban nhạc rock nổi tiếng. Ngoài những chương trình sôi động, du khách cũng có cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm nghệ thuật truyền thống Đà Nẵng. Theo Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Trần Ngọc Tuấn, bên cạnh những trích đoạn tuồng mẫu mực, nhà hát tập trung đầu tư các tiết mục múa, nhạc cụ dân tộc đặc sắc bởi đây là dịp để đông đảo khách quốc tế biết đến nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Trong khi đó, hoạt động của các bảo tàng cũng là điểm nhấn văn hóa tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Bảo tàng Đà Nẵng dự kiến tổ chức Liên hoan các làng nghề truyền thống 2017, khắc họa hình ảnh các làng nghề của Quảng Nam, Đà Nẵng như đá mỹ nghệ, chạm khắc gỗ, đúc đồng, dệt chiếu, làm trống... trong khuôn viên bảo tàng.
Ngoài ra, Bảo tàng Điêu khắc Chăm sau thời gian nâng cấp, cải tạo, trùng tu, sắp xếp lại các không gian chức năng với tổng mức đầu tư dự án gần 45 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của thành phố sẽ đi vào hoạt động, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn đối với khách tham quan.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VHTT cho biết, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một trong những công trình văn hóa độc đáo để giới thiệu đến bạn bè quốc tế tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC. Với tiêu chí giữ nguyên hiện trạng khối nhà cổ xây từ năm 1915, dự án sẽ cải tạo mái và tường bị thấm dột của cả 2 khối nhà; bố trí lại không gian trưng bày, các bục, bệ đặt hiện vật; nâng cấp, cải tạo không gian sân vườn, cây xanh, bố trí trưng bày hiện vật ngoài trời; xây dựng mới khu nhà vệ sinh thứ 2, nhà bán vé, sảnh đón tiếp khách; xây mới nhà kho, xưởng và nhà làm việc; lắp đặt hệ thống an ninh bảo đảm, bảo vệ các bảo vật quốc gia.
Hiện Bảo tàng Điêu khắc Chăm đang hoàn thiện những khâu cuối cùng. Trong tháng 7-2017, bảo tàng cũng đã mở cửa hai phòng trưng bày mới giới thiệu khách tham quan gồm: phòng gốm Sa Huỳnh- Chăm pa, văn hóa Chăm pa đương đại, cộng đồng người Chăm tại tỉnh Ninh Thuận. Sự đổi mới trong cách trưng bày bảo đảm các yêu cầu về hoạt động trưng bày, tổ chức các sự kiện, lưu giữ hiện vật, cũng như nâng cao chất lượng phục vụ du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập; nâng cao vị thế Bảo tàng Chăm.
Cũng theo ông Hùng, Sở VHTT cũng phối hợp Sở Xây dựng thực hiện hạng mục Công viên APEC. Hiện tại, nơi đây đã được trồng thêm cây xanh, hoàn thiện hạ tầng, hệ thống thảm cỏ và có một số tượng lắp đặt gồm tượng đá cẩm thạch đặt trên bệ gỗ (New Zealand), tác phẩm gồm 3 phần (Mỹ), tác phẩm của nền kinh tế Đài Bắc (Trung Quốc). Trong khi đó, tượng của Việt Nam đã giao cho làng đá mỹ nghệ Non Nước thực hiện.
“Ý thức được tầm quan trọng của sự kiện này, ngành văn hóa nỗ lực đốc thúc, chỉ đạo các đơn vị liên quan chú trọng đầu tư các hoạt động văn hóa, giải trí để góp phần tạo ấn tượng tốt đối với lãnh đạo, quan khách của các nước tham dự APEC”, ông Hùng nhấn mạnh.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ