ĐNO - Trong khuôn khổ những hoạt động chào mừng Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Bảo tàng Điêu khắc Chăm phối hợp Bảo tàng An Giang trưng bày bộ sưu tập cổ vật văn hóa Óc Eo từ ngày 1-11-2017 đến ngày 1-2-2018.
Hiện vật phù điêu mặt hổ và đầu tượng bằng đất nung niên đại thế kỷ VII-VIII, có ảnh hưởng của nghệ thuật Bà La Môn giáo và Phật giáo. Ảnh: NGỌC HÀ |
Triển lãm trưng bày hơn 150 hiện vật gốc và ảnh tư liệu các cuộc khai quật ở An Giang trong các đợt khảo cổ năm 1983-1985 và những năm đầu thế kỷ 20.
Các hiện vật bao gồm đồ dùng trong sinh hoạt và sản xuất, gốm làm vật liệu trang trí-kiến trúc, đồ trang sức; gốm dùng trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng…
Đây là bộ sưu tập thể hiện những đặc trưng bản địa rõ nét cùng sự giao thoa của nghệ thuật Bà La Môn giáo, Phật giáo đến từ các trung tâm chính trị, văn hóa đương thời ở Nam Á và Đông Nam Á; đồng thời các hiện vật cho thấy Óc Eo từng là một trong những thương cảng sơm nhất tại phía Nam, có giao lưu kinh tế với các trung tâm lớn thời bấy giờ như Trung Quốc, Ấn Độ, La Mã, Ba Tư…
Các rìu đá, bàn mài dùng trong sinh hoạt, sản xuất hằng ngày của nền văn hóa Óc Eo. Ảnh: NGỌC HÀ |
Nền văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa cổ, trên châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII sau công nguyên, được khám phá dựa vào những di vật đầu tiên mà Louis Malleret khai quật được tại gò Óc Eo (xã Vọng Khê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) năm 1944 và dựa vào những di vật sưu tập được ở nhiều nơi trong lưu vực sông Tiền, sông Hậu của các nhà khảo cổ.
NGỌC HÀ