Độc đáo không gian triển lãm phục vụ APEC

.

Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Tuần lễ Cấp cao APEC, từ ngày 1 đến 11-11, tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm diễn ra một số triển lãm nhằm chia sẻ với công chúng và bạn bè quốc tế về di sản văn hóa Việt Nam.

Hiện vật phù điêu mặt hổ và đầu tượng bằng đất nung, có niên đại thế kỷ VII và VIII được trưng bày tại triển lãm.
Hiện vật phù điêu mặt hổ và đầu tượng bằng đất nung, có niên đại thế kỷ VII và VIII được trưng bày tại triển lãm.

Tại phòng Trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Điêu khắc Chăm trưng bày hơn 150 hiện vật gốc và ảnh tư liệu các cuộc khai quật ở An Giang trong các đợt khảo cổ năm 1983-1985 và những năm đầu thế kỷ 20. Các hiện vật bao gồm đồ dùng trong sinh hoạt và sản xuất gốm trang trí - kiến trúc, đồ trang sức; gốm dùng trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng..., có niên đại từ thế kỷ I - X.

Bà Bùi Thị Thúy, Giám đốc Bảo tàng An Giang cho biết, bộ sưu tập cổ vật văn hóa Óc Eo được đưa ra triển lãm tại Đà Nẵng có giá trị đặc biệt quý hiếm, thể hiện những đặc trưng bản địa rõ nét cùng sự giao thoa của nghệ thuật Bà La Môn giáo, Phật giáo đến từ các trung tâm chính trị, văn hóa đương thời ở Nam Á và Đông Nam Á. Đồng thời, các hiện vật cho thấy Óc Eo từng là một trong những thương cảng sớm nhất tại phía Nam, có giao lưu kinh tế với các trung tâm lớn thời bấy giờ như Trung Quốc, Ấn Độ, La Mã, Ba Tư...

“Đưa ra triển lãm tại Đà Nẵng lần này, chúng tôi muốn giới thiệu đến công chúng và bạn bè quốc tế rằng các di tích thuộc văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa cổ từng tồn tại trên vùng đất phía Nam, là nguồn tư liệu lịch sử quý chứng minh cho sự phát triển và tồn tại một bộ phận đất nước trên con đường hòa nhập vào Tổ quốc Việt Nam. Di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê được xếp hạng là di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt và sắp tới sẽ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới”, bà Thúy cho biết.

Ngoài những hiện vật, cổ vật quý hiếm về các nền văn hóa trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, khách tham quan còn chiêm ngưỡng 20 bức tranh nhuộm (Katazome) được họa sĩ Toba Mika (Nhật Bản) vẽ về cảnh sắc Việt Nam, đặc biệt là những di sản thế giới nổi tiếng của Việt Nam như phố cổ Hội An, Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn.

Điều đáng nói, họa sĩ Toba Mika đã sử dụng kỹ thuật nhuộm (Katazom) có lịch sử hơn 1.000 năm tại Nhật Bản và những nguyên vật liệu thông thường trong cuộc sống của người Nhật như nhựa cây hồng, hồ gạo, đậu tương... để tạo nên những tác phẩm này. Nhuộm Katazome là kỹ thuật khá phức tạp với 18 công đoạn chặt chẽ khác nhau mà trước đây, mỗi công đoạn do một người thợ chuyên nghiệp thực hiện.

Với những bức tranh trong triển lãm mang chủ đề “Việt Nam trong thế giới thu nhỏ”, họa sĩ Toba Mika đã tự mình đảm nhiệm tất cả các công đoạn trên để tạo ra những tác phẩm tỉ mỉ, hoàn hảo và có sức hút tự nhiên. Chính điều đó đã tạo nên một sắc thái Việt Nam trong hơi thở nghệ thuật Nhật Bản.

Những tác phẩm này lay động lòng ngưởi bởi chính tình yêu của một người ngoại quốc dành cho đất nước Việt Nam. Họa sĩ Toba Mika chia sẻ, năm 1994, lần đầu tiên bà đến Việt Nam và có ấn tượng, xúc cảm rất mãnh liệt cho đến bây giờ, suốt 23 năm bà không thể nào quên, đó là cảm xúc về văn hóa và con người Việt Nam. “Ấn tượng, cảm xúc ấy trong suốt 23 năm tôi vẫn giữ mãi và đã đi sâu vào các sáng tác của tôi”, họa sĩ Toba Mika nói.

Chia sẻ về triển lãm tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng bày tỏ: “Chúng tôi muốn giới thiệu đến công chúng và du khách quốc tế sự đa dạng của các nền di sản văn hóa Việt Nam. Bởi cùng với văn hóa Chămpa ở miền Trung, các nền văn hóa tương đồng như Óc Eo ở miền Nam, Đông Sơn ở miền Bắc... hợp thành di sản văn hóa Việt Nam.

Ngoài ra, triển lãm tranh của họa sĩ người Nhật trong dịp này cũng bắt nguồn từ ý tưởng về sự tương tác giữa con người và di sản bởi hầu hết các bức tranh của họa sĩ Toba Mika lấy cảm hứng từ di sản văn hóa Việt Nam. Hy vọng, không gian triển lãm này sẽ mang đến cho du khách cảm xúc khó quên và cùng chia sẻ lòng quý trọng dành cho Việt Nam”.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.