34 tập phim truyền hình “Thương nhớ ở ai” đang được phát sóng vào chiều thứ bảy, chủ nhật hằng tuần trên kênh VTV3. Đây là bộ phim được thực hiện dựa trên tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng, tái hiện cuộc sống ở một vùng quê Bắc Bộ nhiều năm trước với những người nông dân lam lũ của làng Đông, những người lính trở về sau bao nỗi đau, mất mát trong chiến tranh...
Cảnh trong phim “Thương nhớ ở ai”. Ảnh: ĐPCC |
Viết thử thành… viết thật
Tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng từng đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991. Đến năm 2000, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã dựng thành phim điện ảnh cùng tên, và một năm sau, phim đoạt giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam. Vậy vì sao đạo diễn Lưu Trọng Ninh lại quyết định trở lại với cuốn tiểu thuyết này, để chuyển sang phiên bản phim truyền hình?
Theo đạo diễn Lưu Trọng Ninh, ông muốn làm một bộ phim truyền hình về đề tài nông thôn ở Bắc Bộ hoặc Tây Nam Bộ. Trong thâm tâm ông không muốn làm lại “Bến không chồng”. Tuy nhiên, với sự thuyết phục của lãnh đạo Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC), Lưu Trọng Ninh đã thử viết kịch bản xem có “thoát” được cái bóng của phim điện ảnh “Bến không chồng” ra đời cách đây 17 năm hay không. Và ông đã viết thử 5 tập đầu tiên. Sau khi đọc 5 tập kịch bản này, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC bảo “đã thoát được”, vậy là ông tiếp tục viết đủ 34 tập phim.
Lý giải về tựa đề bộ phim, đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ, ban đầu ông đặt tên là “Bến tình”. Nhưng sau đó vẫn thấy cái “bóng” của “Bến không chồng”. Nghĩ mãi, cuối cùng quyết định chọn “Thương nhớ ở ai” - một câu hát dân ca. Nghe rất mông lung nhưng nội dung rất đúng, bởi cả hội thương nhau tới tận cùng nhưng tại sao vẫn đau khổ, bi đát.
Để có “đủ chuyện” cho 34 tập phim, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã đưa vào phim nhiều tuyến nhân vật và yếu tố mới, không có trong tiểu thuyết “Bến không chồng”. Ví như Đột, Quất, Nương, Thủy… là những nhân vật được sáng tạo thêm để khắc họa rõ nét hơn thân phận của người phụ nữ. Họ không chỉ chịu nỗi đau mất mát người thân mà còn bị giam cầm, trói buộc bởi những định kiến, phải đè nén, chôn giấu những khát khao hạnh phúc cá nhân…
2.000 cảnh quay kỹ xảo
Trong khi nhiều bộ phim truyền hình được thực hiện theo kiểu “đánh nhanh rút gọn” thì 34 tập phim “Thương nhớ ở ai” mất tới 3 năm. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh lý giải: Tôi muốn mang đến cho khán giả những cảnh đẹp nhất của một làng quê Bắc Bộ. Nhưng chính điều ấy đã tạo ra rất nhiều khó khăn cho đoàn làm phim.
Làm thế nào để tạo dựng hình ảnh một ngôi làng Bắc Bộ thuần khiết giữa cuộc sống hiện đại ngày nay? Chúng tôi đã phải quay ở rất nhiều không gian khác nhau, quay bối cảnh ở 6 tỉnh, từ 18 ngôi làng khác nhau, sau đó đưa các cảnh quay vào làm kỹ xảo để nối lại thành một ngôi làng. Chúng tôi phải tìm từng góc như giếng nước chỗ này, bờ ao chỗ kia và liên kết lại thành ngôi làng hoàn chỉnh. Khán giả vẫn có cảm giác đang ở trong một không gian. Tổng cộng bộ phim có khoảng 2.000 cảnh quay kỹ xảo, thực hiện với đội ngũ hơn 40 người trong suốt hơn 2 năm. Tôi muốn “dâng” cho khán giả một ngôi làng đẹp nhất có từ 30-40 năm trước ở các làng quê Bắc Bộ.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng cho biết, tính cách đa chiều của các vai diễn tạo nên những xung đột dữ dội trong phim. Với một dàn diễn viên gồm nhiều gương mặt mới, câu chuyện phim gợi về ký ức của một thời để nhớ. Để “tung hứng” với những gương mặt mới, ông cũng chọn dàn diễn viên có nghề như: NSND Thanh Ngoan, Lâm Vissay, Thiện Tùng, Thanh Hương, Hồng Kim Hạnh, Jimmii Khánh... Tuy nhiên, ông không chọn diễn viên theo tên tuổi. “Phim của tôi là diễn viên đúng với nhân vật, không có mới cũ gì cả, đúng nhân vật thì mới cũng dùng, không đúng nhân vật thì nổi tiếng đến bao nhiêu cũng không dùng”, vị đạo diễn khẳng định.
MAI HOÀNG