Chờ sự "lột xác" của Đoàn ca múa nhạc thành phố

.

Một năm qua, Nhà hát Trưng Vương sôi động hơn khi được chọn tổ chức các sự kiện nghệ thuật lớn của cả nước. Tuy nhiên, điều người dân Đà Nẵng vẫn chờ đợi hơn cả đó là những đêm nghệ thuật chất lượng cao của Đoàn ca múa nhạc thành phố...

Người dân thành phố chờ đợi nhiều hơn những đêm diễn tại nhà hát của Đoàn ca múa nhạc. TRONG ẢNH: Một tiết mục trong chương trình “60 năm đồng hành cùng dân tộc” do Đoàn ca múa nhạc thành phố biểu diễn.
Người dân thành phố chờ đợi nhiều hơn những đêm diễn tại nhà hát của Đoàn ca múa nhạc. TRONG ẢNH: Một tiết mục trong chương trình “60 năm đồng hành cùng dân tộc” do Đoàn ca múa nhạc thành phố biểu diễn.

Theo ông Quang Hào, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương, nhằm từng bước triển khai kế hoạch tinh giản biên chế trên cơ sở sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tự chủ từng phần, tiến đến tự chủ hoàn toàn vào năm 2020, năm 2017 có nhiều sự đổi thay nhân sự trong Đoàn ca múa nhạc. Với những người tuổi đã cao thì chuyển sang vị trí phù hợp như phục trang, văn phòng...; song song đó, nhà hát mời về những nhân tố mới như Thanh Trang (Khánh Hòa), tốt nghiệp loại xuất sắc Học viện Âm nhạc Huế; ca sĩ Vũ Bảo, Nam Sơn từ TP. Hồ Chí Minh. Nhà hát cũng đặc biệt chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ diễn viên của đoàn như: mời huấn luyện viên nước ngoài đào tạo và huấn luyện giải phóng hình thể, cử 3 diễn viên ca của đoàn tham gia học tập, nâng cao chuyên môn tại Học viện Âm nhạc Huế, 1 diễn viên múa tham gia khóa học 3 tháng tại Indonesia...

“Những người muốn gắn bó, vươn lên nơi mình đã từng gắn bó thì phải thay đổi thói quen cũ, xắn tay áo cùng nhau làm việc. Có thể nói một năm qua, nghệ sĩ, diễn viên của đoàn làm việc không ngừng nghỉ, số lượng công việc nhiều hơn và năng động hơn”, ca sĩ Quang Hào cho biết.

Theo báo cáo của Nhà hát Trưng Vương, tính đến tháng 10-2017, Đoàn ca múa nhạc biểu diễn 56 buổi. Trong đó, đoàn tham gia, phối hợp với các ca sĩ nổi tiếng biểu diễn phục vụ khán giả Đà Nẵng và khách du lịch trong các chương trình ca nhạc lớn do nhà hát tổ chức như đêm nhạc “Điều ước cho tình yêu”, “Tình ca xanh”, đêm nhạc từ thiện “Ấm áp tình người”, đêm nhạc “Đất nước - tình yêu”, “60 năm đồng hành cùng dân tộc”...; còn lại chủ yếu phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đối nội, đối ngoại theo sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao.

Số liệu so sánh 6 tháng đầu năm cũng cho thấy, số buổi biểu diễn tại nhà hát của Đoàn ca múa nhạc chỉ bằng 43% so với năm 2016 (năm 2016: 7 buổi, năm 2017 chỉ 3 buổi), trong khi số lượng buổi biểu diễn lưu động tăng 9% (năm 2016 là 33 buổi, năm 2017 là 36 buổi). Như vậy, dù đã nỗ lực thay đổi nhưng những đêm “sáng đèn” tại nhà hát vẫn chưa như kỳ vọng.

Nhạc sĩ N.D, hoạt động lâu năm trong ngành cho rằng, chủ trương xã hội hóa Nhà hát Trưng Vương của lãnh đạo thành phố không chỉ là vấn đề tự chủ, cắt giảm ngân sách mà là sự kỳ vọng được nhìn thấy đổi thay trong hoạt động chuyên môn, đó là nhà hát sáng đèn hằng đêm. Vì thế, nhiệm vụ của Đoàn ca múa nhạc đã ở vị thế khác. Nhà hát cần mang đến làn gió mới về nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp, nâng tầm thưởng thức nghệ thuật của người dân thành phố, xóa đi “vùng trũng” văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng của Đà Nẵng so với hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

“Một đoàn ca múa nhạc có sẵn cả một nhà hát to lớn, hiện đại thì quá nhiều lợi thế để tổ chức những chương trình nghệ thuật chất lượng, thu hút công chúng. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể nhận xét được gì nhưng theo tôi, cần phải tăng cường chuyên môn, nâng cao năng lực quản lý hơn nữa thì đoàn mới mong lột xác”, vị nhạc sĩ này nêu ý kiến.

Trong khi đó, về phía người dân, nhiều ý kiến cũng cho rằng, họ sẵn sàng đến rạp xem nếu chương trình xứng đáng với đồng tiền bỏ ra. “Với những đêm nhạc toàn “sao”, một bộ phận người dân Đà Nẵng không có điều kiện để đi xem với giá vé cao ngất ngưỡng. Vì thế, chúng tôi mong muốn bằng chính nội lực của mình, Đoàn ca múa nhạc thành phố mang lại những chương trình nghệ thuật có giá trị, giá vé vừa phải, đáp ứng yêu cầu đến rạp thưởng thức âm nhạc của người dân. Chứ nếu chỉ biểu diễn chương trình nghệ thuật trong các dịp lễ lớn của thành phố thì nói thật, đã có chương trình nghệ thuật quần chúng của Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức”, ông Lê Thành (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) nói.

Ông Quang Hào cũng thừa nhận còn nhiều khó khăn, thách thức khi phải tự đi trên đôi chân mình; đặc biệt, việc tổ chức chương trình nghệ thuật do chính Đoàn ca múa nhạc của nhà hát thực hiện không dễ dàng. Vì thế, việc kéo các buổi diễn chất lượng từ hai đầu đất nước về Đà Nẵng, trong đó hầu hết là các sự kiện của những công ty giải trí từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thuê địa điểm cũng chỉ đáp ứng phần nào nhiệm vụ sáng đèn thường xuyên hơn của nhà hát.

Bài và ảnh: LÊ PHẠM

;
.
.
.
.
.