Năm 2014, cây đa trên bán đảo Sơn Trà được Hội đồng Cây di sản Việt Nam vinh danh là cây di sản Việt Nam. Ngoài tên gọi cây di sản Việt Nam, cây đa còn có nhiều tên khác nhau như: cây đa nghìn năm, cây đa đại thụ…
Mỗi ngày có nhiều du khách đến tham quan cây đa di sản nên việc giữ môi trường sạch, đẹp là rất cần thiết. |
Mất hơn một giờ đồng hồ chạy xe lên tới cây đa ngàn năm, anh Nguyễn Anh Đức (trú phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) và nhóm bạn khá ngạc nhiên vì sự kỳ vĩ và rộng lớn của tán cây, nhất là những chiếc rễ dài, vươn ra cắm sâu xuống lòng đất tạo sự vững chãi cho cây. “Tuy nhiên, tôi và nhóm bạn khá hụt hẫng vì chạy xe một quãng đường khá xa, ngoài tấm bảng bằng đá ghi các thông tin cơ bản thì chỉ có một quầy nước di động với vài chiếc ghế đặt ngay trước cây đa di sản, ngoài ra không có tiện ích gì khác. Nếu có thêm một nhà vệ sinh công cộng, thêm vài chiếc ghế đá thì sẽ tiện lợi hơn cho du khách”, anh Đức đề xuất.
Theo các thông tin trên tấm đá phía trước cây đa di sản, cây đa Sơn Trà đã hơn 800 năm tuổi, cao khoảng 22m, chu vi thân chính khoảng 10m, có 26 rễ phụ và chiều cao rễ đến 25m. Hiện nay, đã có các bậc tam cấp để đi lên tới chỗ gốc của cây đa; nhưng để chiêm ngưỡng cây, du khách vẫn phải dẫm lên những chiếc rễ cây nổi lên mặt đất. Dù quanh gốc cây đã được Ban quản lý (BQL) Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đặt một vài thùng rác nhưng thỉnh thoảng vẫn có những nhóm bạn trẻ mang thức ăn lên rồi để rác lại, hoặc một vài bạn trẻ viết, khắc lên thân cây, tạo những vết tích xấu xí.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Phó trưởng BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, cùng với chùa Linh Ứng, những năm gần đây, cây đa di sản đã trở thành điểm đến của rất nhiều du khách trong nước và quốc tế, nhất là các bạn trẻ yêu thích khám phá, muốn tìm về với thiên nhiên. Từ đầu năm 2017 đến nay, có khoảng gần 2 triệu lượt khách đến với Sơn Trà, trong đó có khoảng 90.425 lượt khách tham quan, chiêm ngưỡng cây đa ngàn năm tuổi.
Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, BQL cũng đã bố trí khu vực đậu đỗ xe cho khách khi lên tham quan cây đa di sản, tùy vào mùa cao điểm khách hay thấp điểm cũng bố trí một, hai người trực theo giờ hành chính. Ngoài việc sắp xếp việc đậu đỗ xe, các nhân viên nhắc nhở du khách có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác. “BQL cũng đang nghiên cứu các phương án bảo vệ cây đa di sản, thay vì để người dân và du khách đi trực tiếp trên nền đất, nơi có các bộ rễ như hiện nay thì có thể làm một sàn gỗ bên trên các bộ rễ. Theo đó, du khách có thể tham quan vòng quanh cây đa rồi xuống, không ảnh hướng đến bộ rễ cũng như sự phát triển của cây. Đồng thời, năm tới sẽ củng cố một số tiện ích phù hợp để cây đa di sản thực sự là điểm đến dành cho người dân và du khách khi tham quan bán đảo Sơn Trà.”, ông Nguyễn Đức Vũ cho hay.
Bài và ảnh: NHẬT HẠ