Vinh danh bài chòi

.

Di sản nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là tin vui và cũng tăng phần trách nhiệm của những người nặng lòng với văn hóa dân gian…

Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: MINH TRÍ
Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: MINH TRÍ

Nghệ nhân ưu tú Đỗ Hữu Quế (CLB Bài chòi Sông Yên, huyện Hòa Vang) tâm sự, tối 7-12, nghe tin bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ông liền cầm điện thoại gọi anh em trong nghề, ai nấy đều vui mừng, phấn khởi như chính mình được vinh danh.

“Vậy là bao công sức gầy dựng, gìn giữ của nhiều thế hệ cha ông, của những nghệ nhân bài chòi đã đạt được thành quả. Bởi không ai sống bằng nghề hô hát bài chòi mà không phải mưu sinh đủ nghề từ dẫn chương trình, buôn bán, dịch vụ, nông dân, lao động phổ thông… để nuôi niềm đam mê. Mỗi khi có nơi mời diễn hay vào các mùa lễ hội, nhất là dịp Tết, chúng tôi sẵn sàng bỏ hết công việc để lo đi diễn”, ông Quế chia sẻ.

Chung tâm trạng, bà Hà Thị Minh Tuấn (CLB Bài chòi Trung tâm Văn hóa thành phố) cho biết, hồi nhỏ thường theo bà, theo mẹ đến những hội hô hát bài chòi và đem lòng yêu mến nghệ thuật trình diễn dân gian này, nhưng mãi đến khi về hưu, bà mới có điều kiện tham gia.

Mỗi đêm cuối tuần ở bờ đông cầu Rồng, CLB Bài chòi Trung tâm Văn hóa thành phố trình diễn phục vụ người dân và du khách, nhiều người lớn tuổi ở xa cũng cùng con, cháu đến nghe hô hát bài chòi. “Hình ảnh ấy khiến tôi vui lắm.

Vui vì bài chòi vẫn “bám rễ” sâu trong lòng người dân, vui vì được chia sẻ sở thích với cộng đồng. Bài chòi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm động viên lớn lao, tiếp sức cho nghệ nhân giữ gìn nghệ thuật dân gian của dân tộc”, bà Tuấn nói.

Tại Đà Nẵng, hiện có 30 nghệ nhân làm anh hiệu trong các hội chơi bài chòi, 5 nghệ nhân độc diễn bài chòi dân gian, 13 nghệ nhân chơi nhạc cụ bài chòi, 73 nghệ nhân biết đàn, hát nghệ thuật bài chòi, 49 nghệ nhân có khả năng truyền dạy. Đặc biệt, năm 2016, 5 nghệ nhân bài chòi được Chủ tịch nước phong tặng nghệ nhân ưu tú, năm 2017 thêm một nghệ nhân được đề nghị phong tặng nghệ nhân ưu tú. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có tổng cộng 9 nhóm, CLB bài chòi. Đây chính là những nhân tố góp phần bảo tồn, lưu giữ nghệ thuật trình diễn bài chòi tại Đà Nẵng.

Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: MINH TRÍ
Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: MINH TRÍ

Bên cạnh trình diễn, các nghệ nhân dân gian cũng truyền đạt kỹ năng ca hát, trình diễn và phương pháp làm thẻ bài cho các thế hệ trẻ. Đơn cử, CLB Bài chòi Sông Yên (gồm 14 thành viên), tổ chức tập huấn cho các hạt nhân phong trào của huyện Hòa Vang, phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện và Trung tâm Văn hóa huyện truyền dạy bài chòi trong trường học…

Tuy nhiên, có thể thấy, hoạt động hô hát bài chòi trên địa bàn thành phố theo hướng tự phát, không cố định; kinh phí chủ yếu dựa vào các khoản thu tại các buổi diễn và tự đóng góp của các thành viên nên khả năng phát triển rất khó khăn. Bà Hà Thị Minh Tuấn tâm sự, Trung tâm Văn hóa thành phố có hỗ trợ dàn âm thanh, ánh sáng nhưng không thường xuyên nên CLB phải đóng góp tiền đi thuê, vì vậy chất lượng trình diễn chưa bảo đảm.

Trong khi đó, ông Đỗ Hữu Quế cũng cho biết, những đêm diễn tại Công viên 29-3, Lễ hội Quán Thế Âm… bà con đến xem rất đông, nhưng có được bao nhiêu dịp để diễn như thế. Vừa qua, UBND thành phố đã thống nhất cho CLB Bài chòi Sông Yên vị trí biểu diễn tại bờ đông cầu Sông Hàn vào những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, vì lý do bảo đảm an ninh, trật tự trong Tuần lễ Cấp cao APEC nên kế hoạch tạm hoãn. “Tôi hy vọng dịp Tết sắp tới, thành phố tạo điều kiện để CLB Bài chòi Sông Yên mang nghệ thuật bài chòi trình diễn dưới phố, phục vụ đông đảo bà con và du khách”, ông Quế bày tỏ.

Theo ý kiến của nhiều nghệ nhân khác, bài chòi là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học, mang tính cộng đồng cao nhưng chưa được quan tâm đầu tư nhiều như một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Bài chòi đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì lãnh đạo thành phố, các cấp, ngành liên quan cần bảo tồn, phát huy giá trị bài chòi lên tầm cao mới; có kế hoạch bảo tồn dài hạn; hỗ trợ kinh phí, bố trí địa điểm hoạt động cố định để các CLB, đội bài chòi có cơ hội biểu diễn thường xuyên, phục vụ người dân, góp phần giữ gìn danh hiệu cao quý ấy.

Hát Xoan được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Sáng 8-12, tại kỳ họp diễn ra ở Trung tâm hội nghị quốc tế đảo Jeju, Hàn Quốc, Ủy ban liên chính phủ Công ước Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 đã nhất trí đưa di sản “Hát Xoan Phú Thọ” ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đây là kết quả của công tác chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cộng đồng, chính quyền tỉnh Phú Thọ, sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự hợp tác quốc tế chặt chẽ giữa Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam với UNESCO cùng các nước trong Ủy ban Công ước 2003. Hát Xoan Phú Thọ đã được các cơ quan chuyên môn của UNESCO đánh giá đáp ứng được 5 tiêu chí để được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

B.T

N.HÀ

;
.
.
.
.
.