Đến thư viện không chỉ để đọc sách

.

Theo số liệu điều tra về văn hóa đọc năm 2017-2018 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), 62% bạn đọc đến thư viện cấp tỉnh để học tập và làm việc. Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng không ngoại lệ. Vì thế, xây dựng mô hình thư viện hiện đại, thân thiện là mục tiêu các thư viện hướng đến để phát triển văn hóa đọc.

62% bạn đọc đến thư viện cấp tỉnh để học tập và làm việc. Trong ảnh: Học sinh, sinh viên Đà Nẵng thích đến Thư viện Khoa học tổng hợp học bài bởi không gian mát mẻ.
62% bạn đọc đến thư viện cấp tỉnh để học tập và làm việc. Trong ảnh: Học sinh, sinh viên Đà Nẵng thích đến Thư viện Khoa học tổng hợp học bài bởi không gian mát mẻ.

Những ngày này, lượng bạn đọc, nhất là sinh viên, học sinh đến Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng khá đông, nhiều em phải đến sớm mới tìm được chỗ. Theo em Nguyễn Minh Tiến, học sinh lớp 11, Trường THPT Phan Châu Trinh, bình thường em vẫn vào thư viện đọc sách, làm bài tập vì không gian nơi đây lý tưởng để tập trung học bài, mùa thi em còn đến thường xuyên hơn.

Để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, những ngày cao điểm của mùa thi, thư viện phải trưng dụng hội trường phục vụ các em.

Số liệu điều tra về văn hóa đọc năm 2017-2018 của Bộ VH-TT&DL cho thấy, 62% bạn đọc đến thư viện cấp tỉnh để học tập và làm việc. Trong các loại hình tài liệu người đọc thường sử dụng tại thư viện thì sách giáo khoa chiếm tỷ lệ cao nhất, với 49,2% tại thư viện cấp tỉnh; 71,6% tại thư viện trường học, cấp huyện và xã; 69,4% tại thư viện trường đại học, bộ, ngành, viện nghiên cứu.

Tại tọa đàm phát triển văn hóa đọc trong thư viện mới diễn ra ở Đà Nẵng, bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT&DL) cũng tỏ ra lo ngại về vấn đề này.

“Những con số trên phản ánh một thực tế rằng thư viện vẫn chưa thật sự hấp dẫn. Lượng bạn đọc đến thư viện chỉ học tập là chính, hạn chế đọc sách văn học, sách giải trí, kỹ năng sống... Trong khi đó, phát triển văn hóa đọc thì cần phải đọc một cách toàn diện”, bà Ngà nói.

Về điều này, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng chia sẻ, đã có nhiều phân tích về tình trạng này. Tuy nhiên, mấy mươi năm trong ngành, từ thực tế quan sát, ông Thái cho rằng nguyên nhân chính là người dân chưa thực sự quan tâm và có thói quen đọc sách.

Cụ thể, việc giáo dục thói quen đọc sách, kỹ năng đọc chưa được quan tâm trong gia đình và nhà trường; xu hướng, thị hiếu đọc hiện nay ít nhiều có biểu hiện lệch lạc bởi nhiều người, đặc biệt là học sinh, sinh viên chủ yếu dành thời gian rảnh để xem truyền hình, lướt mạng Internet, mạng xã hội; sự đầu tư, phát triển cho hệ thống thư viện công cộng, hệ thống thư viện trường học còn chậm so với sự phát triển chung của thành phố...

Từ thực trạng trên, thời gian qua, triển khai đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng 2030” của Bộ VH-TT&DL cũng như thực hiện Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2016 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII về nghiên cứu đổi mới phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các cơ sở văn hóa trên địa bàn thành phố, Thư viện Khoa học tổng hợp đã được đầu tư hiện đại và căn bản đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

Phòng đọc rộng, thoáng và được lắp đặt hệ thống điều hòa; số lượng tài liệu đa dạng với trên 264.000 bản sách và 235 tên báo. Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng cũng là thư viện đầu tiên trên cả nước dùng phần mềm ILIB 6.5 để xử lý và truy cập dữ liệu sách, liên thông bạn đọc...

“Chúng tôi đặt mục tiêu đến thư viện không chỉ đọc sách mà còn học tập, vui chơi... Đến phòng đọc sách thiếu nhi, có thể cảm nhận được điều đó, các cháu có cả góc nằm đọc sách thoải mái. Ngoài ra, thư viện còn thường xuyên tổ chức trưng bày triển lãm, giới thiệu sách, dạy học tiếng Anh, thi vẽ tranh tại chỗ, kể chuyện qua sách, tập tô màu, tô tượng, đố vui có thưởng...”, ông Thái nói.

Dựa trên các tiêu chí bắt buộc để phát triển văn hóa đọc trong thư viện theo đề xuất của Vụ Thư viện gồm: thư viện có vốn tài liệu phong phú, tổ chức được nhiều dịch vụ thiết thực, thân thiện, có nhiều tiện ích... thì Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng đã cơ bản đáp ứng được.

Vì thế, việc còn lại là làm thế nào phát triển văn hóa đọc cần có sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội, đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo địa phương đối với phát triển văn hóa đọc và nhận thức của người dân. Theo ý kiến của bà Vũ Dương Thúy Ngà: “Nếu không giải quyết được vấn đề này thì sự cố gắng của ngành thư viện vẫn không đạt kết quả như mong muốn”.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.