Đà Nẵng "khát" sân khấu kịch

.

Đã từ rất lâu, công chúng Đà Nẵng ít được xem một vở kịch đúng nghĩa. Đó cũng là lý do vì sao khi vở kịch “Bão tố Trường Sơn” của Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn tại Nhà hát Trưng Vương hồi cuối tháng 7 vừa qua đã tạo tiếng vang trong công chúng thành phố.

Một cảnh trong vở “Bão tố Trường Sơn” kể về câu chuyện tình yêu, tình đồng chí giữa rốn bom Trường Sơn.
Một cảnh trong vở “Bão tố Trường Sơn” kể về câu chuyện tình yêu, tình đồng chí giữa rốn bom Trường Sơn.

Chỉ trong hai giờ đồng hồ, khán phòng Nhà hát Trưng Vương chứng kiến những cung bậc cảm xúc của hàng trăm con người có mặt hôm ấy với bao vui, buồn, xúc động, cảm phục và cuối cùng mọi người đồng loạt đứng lên vỗ tay tán thưởng khi sân khấu hạ màn.

Thời khắc ấy, người ta mới cảm nhận được sự thăng hoa của nghệ thuật đã chạm vào trái tim mỗi con người.

Chị Hồ Minh Hiệu, Xưởng phim Én Bạc của Trường Đại học Duy Tân chia sẻ, vở kịch khép lại, chị rời sân khấu nhưng những cảm xúc dành cho các nhân vật vẫn ẩn hiện trong tâm trí. Lúc cầm tấm vé trên tay, chị tin các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ mang đến một vở diễn chất lượng, nhưng không ngờ mọi thứ diễn ra hơn cả sự mong đợi.

“Tôi gọi “Bão tố Trường Sơn” là cung bậc cảm xúc tròn trĩnh, bởi trong từng lớp kịch, từng tình tiết nhân vật có nụ cười thật sảng khoái nhưng cũng có cả những giọt nước mắt khiến tim đau như thắt.

Chiến tranh đã qua đi từ rất lâu, nhưng thế hệ trẻ chúng tôi vẫn đang sống trong dư âm của nỗi đau, vẫn còn đó những em nhỏ nhiễm chất độc da cam, vẫn còn đó đôi chân bước khập khễnh hay đôi mắt không còn nguyên vẹn của bác thương binh. Không đọc, không ngấm lịch sử thì chắc chắn tác giả và các nghệ sĩ khó lòng truyền tải hết những nỗi đau, hy sinh, mất mát của ngày xưa ấy”, chị Minh Hiệu nói.

Có thể nói, “Bão tố Trường Sơn” đã giải cơn khát cho khán giả Đà thành sau nhiều năm kịch nói vắng bóng. Trong chia sẻ mới đây, NSND Lê Huân cũng cho biết, khi chưa tách tỉnh, Quảng Nam-Đà Nẵng có các đoàn kịch, cải lương nổi tiếng như: Đoàn kịch nói Quảng Nam-Đà Nẵng, Đoàn cải lương Sông Hàn, Đoàn Dân ca kịch.

Mỗi khi các đoàn biểu diễn, khán giả đến xem rất đông, nhất là với các vở kịch của Lưu Quang Vũ như: Hồn Trương Ba - da hàng thịt, Lời thề thứ chín, Tôi và chúng ta... Thế nhưng, bây giờ Đà Nẵng đâu còn đoàn kịch nào, thi thoảng mới có một vở kịch nói xuất hiện trên sân khấu Nhà hát Trưng Vương.

“Tôi cho rằng khán giả Đà Nẵng rất biết thưởng thức nghệ thuật nếu tác phẩm thật sự chất lượng. Hơn nữa, với một thành phố du lịch, Đà Nẵng nên có nhà hát đa năng, xây dựng nhiều loại hình nghệ thuật như kịch nói, hòa tấu dân tộc, giao hưởng...”, NSND Lê Huân nêu ý kiến.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình với việc khôi phục loại hình nghệ thuật kịch nói, đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của người dân.

Đương nhiên ở thời điểm này, Đà Nẵng khó lòng gầy dựng một đoàn kịch nói chuyên nghiệp với lực lượng sáng tác, đạo diễn, diễn viên kịch nói tại chỗ rất mỏng, nếu không muốn nói là “tay trắng”.

Tuy vậy, thành phố hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho tư nhân thực hiện thông qua hình thức xã hội hóa như trường hợp Công ty CP Bảo Nguyên Food & Event phối hợp Nhà hát kịch Việt Nam đưa “Bão tố Trường Sơn” về Đà Nẵng.

Trao đổi với chúng tôi, anh  Phùng Văn Thuận, Giám đốc Công ty CP Bảo Nguyên Food & Event chia sẻ, vì nghe nói “Bão tố Trường Sơn” rất hay nên anh tò mò, sau đó mong muốn mang đến làn gió mới cho nghệ thuật biểu diễn của Đà Nẵng, nhất là thể loại kịch nói lâu lắm rồi mọi người không được thưởng thức và không có cơ hội để tiếp cận.

“Dưới sự góp sức của một số doanh nghiệp, sự hỗ trợ của những nghệ sĩ tâm huyết Nhà hát Kịch Việt Nam, tôi quyết định đem vở kịch này về Đà Nẵng.

Đêm diễn đã thành công ngoài mong đợi. Chúng tôi mong muốn mang nhiều vở kịch chất lượng khác về phục vụ công chúng Đà Nẵng, nhưng nói thật là gánh nặng kinh phí khá lớn. Nếu chúng tôi tìm thêm được đơn vị đồng hành tài trợ thì sẽ tổ chức ngay. Còn theo định hướng của công ty, mỗi năm chúng tôi sẽ tổ chức một vở kịch như thế và mời mọi người đến xem”, anh Phùng Văn Thuận cho biết.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.