Nghệ thuật truyền thống tiếp tục gặp khó

.

Nhiều năm qua, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nỗ lực xây dựng các chương trình tạp kỹ biểu diễn phục vụ khách du lịch nhằm quảng bá nghệ thuật truyền thống của địa phương, tuy nhiên, lượng khách đến nhà hát thời gian gần đây lại sụt giảm 30-40%.

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh “mang tuồng xuống phố” để giới thiệu nghệ thuật tuồng truyền thống đến công chúng. TRONG ẢNH: Giới thiệu mặt nạ tuồng đến công chúng.
Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh “mang tuồng xuống phố” để giới thiệu nghệ thuật tuồng truyền thống đến công chúng. TRONG ẢNH: Giới thiệu mặt nạ tuồng đến công chúng.

Thực hiện chủ trương của thành phố lấy văn hóa truyền thống làm nền tảng để phát triển du lịch, trong đó nghệ thuật tuồng là một trong những mũi nhọn, nhiều năm nay, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã sáng tạo hai chương trình nghệ thuật truyền thống phục vụ đều đặn vào thứ tư và thứ bảy hằng tuần mang tên Bức tranh quê và Giai điệu quê hương, có thời lượng 50 - 70 phút.

Chương trình biểu diễn của nhà hát có đến 60% là nghệ thuật tuồng với hòa tấu nhạc tuồng, hình thức múa tuồng, biểu diễn trích đoạn tuồng; đan xen là các tiết mục múa Chăm, múa dân gian, đàn Tây Nguyên...

Nhà hát cũng tổ chức biểu diễn các vở tuồng truyền thống và lịch sử đặc sắc tại rạp 155 Phan Châu Trinh (diễn tuồng trọn vở) vào 19 giờ 30 tối chủ nhật tuần thứ hai và tối chủ nhật cuối cùng của tháng.

NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho hay, trước đây, các công ty lữ hành thường xuyên đặt hàng những tiết mục nghệ thuật này, có thời điểm nhiều đoàn khách nước ngoài (đa phần là khách Trung Quốc, Hàn Quốc) lấp đầy khán đài.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, lượng khách giảm 30-40%, thậm chí nhiều đêm không diễn hoặc bán đủ 20 vé cũng phải sáng đèn. Riêng chương trình diễn tuồng trọn vở đã dừng hẳn hoặc chỉ biểu diễn vào những tháng mùa mưa (tháng 11 và 12) và đa phần là mời khán giả đến xem miễn phí.

Ông Tuấn cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến việc nhà hát không có chỗ đậu, đỗ xe khách và sự “bắt tay” của các đơn vị lữ hành trong việc đưa khách đến chương trình tạp kỹ tương tự.

“Với giá vé chỉ 50.000 đồng/vé, giả dụ chúng tôi chi hoa hồng 50% đi chăng nữa vẫn không bằng một phần các công ty lữ hành nhận được từ các chương trình khác”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, là đơn vị sự nghiệp có thu, đến năm 2020, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tự chủ kinh phí 20%, do đó buộc đơn vị phải tạo ra doanh thu vừa đáp ứng nhiệm vụ, vừa bảo đảm đời sống nghệ sĩ, diễn viên bằng những hợp đồng biểu diễn tại các sự kiện, điểm du lịch, trường học, lễ hội...

Việc làm không thiếu, nhưng điều ông Tuấn mong muốn là sân khấu nhà hát phải duy trì được những đêm sáng đèn. Ban Giám đốc Nhà hát cũng đã nghĩ đến việc lập hai đoàn, một đoàn chuyên biểu diễn tại nhà hát, một đoàn biểu diễn sự kiện nhằm “lấy ngắn nuôi dài”, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được bởi thiếu nhân lực.

Trao đổi thêm về điều này, NSND Trần Đình Sanh, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho rằng, nhà hát đang trong bối cảnh khó khăn chung của sân khấu truyền thống. Nhận thức được điều đó nên từ những năm 1980, anh chị em nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát đã thích nghi với việc phải làm nghề “tay trái” để nuôi nghề hát tuồng, trong đó có biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch.

Thời điểm này, với sự cạnh tranh của các đơn vị tư nhân, các nghệ sĩ, diễn viên phải nỗ lực nhiều nhưng nói gì thì nói, các nghệ sĩ vẫn chưa “gỡ” được nút thắt giữa bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng.

Theo NSND Trần Đình Sanh, lãnh đạo thành phố cũng như các nhà quản lý văn hóa nên nhìn nhận nghiêm túc về cách thức bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật tuồng, bởi dù theo cơ chế thị trường nhưng có những loại hình nghệ thuật cần Nhà nước bảo trợ.

“Cả dải đất miền Trung chỉ có Đà Nẵng và Bình Định là “cái nôi” của nghệ thuật tuồng, có nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng, tâm huyết với nghề và đang duy trì đội ngũ biểu diễn khá tốt là Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và Nhà hát Tuồng Đào Tấn.

Với tình thế hiện nay, không có cách nào khác ngoài việc phải đưa việc bảo tồn, phát triển nghệ thuật tuồng trở thành mục tiêu quốc gia, nhất thiết phải hình thành trung tâm bảo trợ nghệ thuật tuồng tại miền Trung; đồng thời tiếp tục bổ sung những “khoảng trống” còn thiếu như đạo diễn, kịch bản sân khấu... Song song với đó, cần tiếp tục đưa nghệ thuật tuồng vào các cơ sở đào tạo phổ thông, duy trì và gầy dựng lớp khán giả cho tuồng”, NSND Trần Đình Sanh nói.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.
.