Mỹ Dũng và trăn trở về biển

.

Sau “căn hầm” chứa đầy ký ức làng biển với những vật dụng, ngư cụ nghề biển, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Mỹ Dũng tiếp tục ghi lại khoảnh khắc đời sống sinh hoạt văn hóa của ngư dân miền biển trên suốt chiều dài đất nước từ Móng Cái đến tận Cà Mau. Đằng sau những bức ảnh ấy là thông điệp giàu tính nhân văn: Hãy bảo vệ và gìn giữ môi trường biển - Đừng đánh mất biển đẹp quê hương.

Những mô hình về nghề biển, những bức tranh về đời sống người dân vùng biển thu hút khách tham quan.
Những mô hình về nghề biển, những bức tranh về đời sống người dân vùng biển thu hút khách tham quan.

Sinh ra và lớn lên từ làng biển Thọ Quang (quận Sơn Trà), tuổi thơ của Mỹ Dũng đầy ắp kỷ niệm về cuộc sống làng chài cùng những phong tục tập quán, văn hóa truyền thống lâu đời của mảnh đất và con người vùng biển. Có lẽ vì thế anh đặc biệt quan tâm đến biển.

Anh dành riêng tầng hầm ngôi nhà mình để lưu giữ lại ký ức đẹp đẽ về biển như nền cát trắng, những vật dụng quen thuộc của người dân làng chài (manh lưới cũ, chiếc thuyền thúng). Chung quanh vách tường hầm xù xì là những tác phẩm nhiếp ảnh lồng khung gỗ thô nhám được đóng từ những mảnh ván thuyền cũ.

Ngần ấy vẫn chưa đủ, nhiều năm qua, NSNA Mỹ Dũng vẫn ghi lại bằng hình ảnh những khoảnh khắc, nét đẹp, con người làng biển, văn hóa biển ngàn đời trên suốt chiều dài đất nước. Những năm gần đây, anh lặn lội tìm về những làng biển dọc dài đất nước từ Móng Cái (Quảng Ninh), Hậu Lộc, Hoằng Hóa (Thanh Hóa), xuyên qua Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), Ninh Thuận, Bình Thuận đến tận Tắc Cậu (Kiên Giang), Ngọc Hiển (Cà Mau). Anh ở đấy, từ mùa cá trích đầu xuân đến mùa cá đù tháng 3, mùa cá kình tháng 6, mùa cá cơm tháng 8.

Mỗi nơi anh đều “ăn dầm nằm dề” tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân vùng biển để tạo nên những bức ảnh chân thật nhất. Và trong hàng ngàn tấm hình chụp được, NSNA Mỹ Dũng chọn ra gần 100 tấm, thực hiện những điều ấp ủ lâu nay đó là cho ra đời cuốn sách ảnh và cuộc triển lãm ảnh với chủ đề “Biển trong chúng ta”.

Trong những sáng tác về biển, NSNA Mỹ Dũng phân thành nhiều lát cắt. Đó là hạnh phúc đơn giản của người dân miền biển phóng khoáng, ăn sóng nói gió; có khi là nụ cười lúc vá lưới, nụ cười mãn nguyện vì được mùa, nụ cười hồn hậu lúc chia tay vợ con mỗi chuyến xa bờ, nụ cười thân thiện khi chia sẻ việc nghề.

Đó còn là lát cắt về đời sống tâm linh của người dân miền biển, họ “thờ biển” và “giữ biển” với những hình ảnh lăng mộ cá Ông, tục cải táng cá Ông, hát bả trạo, lễ hội cầu ngư.

Đó là lát cắt về hành trình “bám biển” của cha ông bao đời qua hình ảnh những dãy nhà chồ cắm sâu vào cửa sông, những gương mặt người với đủ các tâm trạng, những con thuyền đi về mỗi ngày bấp bênh như phận người nhưng họ nỗ lực tồn tại, bám biển để sống, bảo vệ chủ quyền đất nước...

NSNA Mỹ Dũng cũng dành một phần để nói về thiên tai, biển động. Trong hoàn cảnh ấy, trước thiên nhiên, con người rất nhỏ bé, con thuyền cũng chòng chành. Xem ảnh Mỹ Dũng, cảm giác ấy càng rõ rệt và tuyệt đối khi các con thuyền được kéo lên bờ và phủ bạt, những ngư dân trở về trong căn nhà nhỏ; sau thiên tai là hình ảnh biển và bờ biển xơ xác.

Xem ảnh Mỹ Dũng ở lát cắt này, càng đau đáu hình ảnh “nhân tai” khi đô thị hóa, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống văn hóa biển.

Độc đáo trong cuốn sách ảnh “Biển trong chúng ta” là thay vì chú thích ảnh một cách thông thường, NSNA Mỹ Dũng minh họa bằng những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về nghề biển.

Chẳng hạn như: Đời ông cho chí đời cha/Mây phủ Sơn Chà không gió thì mưa hay Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên. Chiều chiều mây phủ Sơn Chà/ Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm. Đừng chê bạn rỗi tanh hôi/ Có nhờ bạn rỗi mới rồi bữa cơm...

Nghệ sĩ Đoàn Huy Giao, một người cũng nặng lòng với biển đã nhận xét về tác phẩm của NSNA Mỹ Dũng rằng: “Đọc ảnh đời biển của Mỹ Dũng, ta như gặp đâu đó những mảnh ghép đã thấm mặn trong trí tưởng của mình. Những ghi chú địa danh dọc dài đất nước cho mỗi bức ảnh này đã hiện lên một hành trình vừa nhọc nhằn vừa hứng khởi, giàu cảm xúc của tay máy vốn là người con của làng chài ở Đà Nẵng.

Ta không chỉ đọc nó bằng thị giác trong khuôn hình có hạn mà còn có thể đọc bằng trải nghiệm đã biết từ bên ngoài khuôn hình gợi mở, những sự cố thiên tai và những sự cố nhân tai dồn dập thách thức trong cuộc đời người làm biển”.

Chia sẻ thêm về việc cho ra đời tác phẩm nhiếp ảnh với chủ đề “Biển trong chúng ta”, NSNA Mỹ Dũng tâm sự: “Biển quê hương mình đẹp lắm nhưng nhiều khi không được để ý, cứ thế nhiều làng biển xóa sổ. Tôi trăn trở hoài, tôi lo sợ mãi những hình ảnh đẹp đẽ ấy sẽ chỉ còn trong hoài niệm. Vài chục năm nữa sẽ thế nào?

Tôi vội vã xách máy đi ghi lại khoảnh khắc ấy. Có những tấm ảnh tôi chụp, người dân mình kéo lưới lên, lẫn trong cá là rác, là bao ni-lông; biển ô nhiễm và nếu không giữ gìn tôi sợ biển quê mình trắng hết. Tôi tâm niệm, làm nghệ thuật đẹp chưa đủ, đằng sau vẻ đẹp ấy phải mang thông điệp. Thông điệp của tôi muốn nhắn gửi là chúng ta hãy bảo vệ và gìn giữ môi trường biển hôm nay và mãi mãi - Đừng đánh mất biển đẹp quê hương”.

Nguyễn Mỹ Dũng, sinh năm 1958, quê quán ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Anh tham gia nhiếp ảnh từ năm 1984, hiện là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Anh đã tổ chức một số triển lãm ảnh với các chủ đề như “Tự do” (năm 2003 tại Đà Nẵng); “Phụ nữ” (năm 2005, anh cùng một số nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức tại Mỹ); “Nhìn” (năm 2010 tại Hà Nội và Đà Nẵng); “Biển báo” (năm 2014 tại Đà Nẵng). NSNA Mỹ Dũng vừa tổ chức triển lãm và ra mắt cuốn sách ảnh “Biển trong chúng ta” tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng từ ngày 19-10 đến hết ngày 26-10. Sự kiện thu hút đông đảo khách tham quan và nhiều ảnh, sách được bán ra trong dịp này.

Bào và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.
.