Nét duyên hài của Thái Văn Nga

.

Xem các vở tuồng của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, khán giả đều bật những tràng cười thích thú trước lối diễn xuất hóm hỉnh và chất giọng Quảng duyên dáng của diễn viên Thái Văn Nga.

Tốt nghiệp THPT năm 1994, vì yêu thích nghệ thuật tuồng, Thái Văn Nga đăng ký học khóa diễn viên tại Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật thành phố, sau đó học tiếp hệ cao đẳng của Trường Cao đẳng Điện ảnh Hà Nội. Năm 1997, anh đầu quân về Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Cũng như những diễn viên mới vào nghề khác, Thái Văn Nga được giao vai lính, vai phụ và chủ yếu quan sát, học hỏi lớp nghệ sĩ, diễn viên đi trước.

Diễn viên Thái Văn Nga (phải) trong vai công tử bột vở Hoạn lộ được nhà hát  báo cáo mới đây.
Diễn viên Thái Văn Nga (phải) trong vai công tử bột vở Hoạn lộ được nhà hát báo cáo mới đây.

Theo nghề khoảng được 5 năm, nhờ khiếu hài hước, anh được Hội đồng nghệ thuật nhà hát bồi dưỡng và những nghệ sĩ “chuyên trị” vai hài như: NSƯT Nguyễn Thảo, NSƯT Trần Văn Thanh (đã mất) chỉ dạy thêm...

Dần dần, anh được giao hẳn các vai dạng này. “Diễn hài cần có bạn diễn hiểu ý để người tung, người hứng mới tạo tiếng cười cho khán giả; đồng thời, ngoài yếu tố kịch bản, nghệ sĩ phải thăng hoa, nhạy bén để thêm thắt lời thoại, mang đến cao trào”, diễn viên Thái Văn Nga chia sẻ.

Hơn 20 năm theo nghề, Thái Văn Nga đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả với dạng vai hề đồng (người ở, gia đinh, lính), hay công tử bột (cậu ấm con nhà giàu có, quần áo bảnh bao, mê ăn chơi) trong các vở, trích đoạn tuồng nổi tiếng như: thầy Nghêu (trong Nghêu - Sò - Ốc - Hến), hề đồng (Lộ Địch dâng gươm), Lưu An (Lưu Kim Đính giải giá thành Thọ Châu), công tử bột (Ông già cõng vợ đi xem hội)...

Mới đây nhất, anh đảm nhận hai vai công tử bột và hề đồng trong vở Hoạn lộ. Sự xuất hiện của anh cùng chất giọng Quảng không lẫn vào đâu được đã khiến khán giả có những tràng cười sảng khoái.

Diễn viên Thái Văn Nga chia sẻ, chất bi và hùng đã tạo nên đặc trưng của tuồng, nhưng trong mỗi vở diễn, trích đoạn, chất hài cũng được lồng ghép khéo léo để dung hòa hai yếu tố đó. Ngoài sự đả kích, phê phán tầng lớp cai trị, bộ máy cai trị, cái hài ở đây còn có tác dụng kéo khán giả đến với sân khấu, níu họ lại với vở diễn. Khán giả xem và cùng cười, cùng tự cười ngay chính những thói hư tật xấu của mình, để hoàn thiện mình.

Trên sân khấu, Thái Văn Nga cháy hết mình với vai diễn tạo tiếng cười cho khán giả, song khi màn nhung khép, cũng như bao nghệ sĩ sân khấu khác, anh nặng trĩu ưu tư. Có thời điểm anh muốn bỏ nghề. “Đó là những lúc chán nản nhất, sân khấu hoạt động èo uột, đời sống nghệ thuật tuồng gặp nhiều khó khăn. Mỗi ngày cứ tập luyện liên tục nhưng để có đêm sáng đèn, để được diễn cho khán giả xem sao khó quá. Nói thế chứ muốn dứt cũng không được vì lòng còn nặng với sân khấu”, diễn viên Thái Văn Nga tâm sự.

Để sống được với nghề, Thái Văn Nga tranh thủ thời gian rảnh “diễn ngoài”. Có hôm anh cùng đồng nghiệp vào Hội An biểu diễn trống, có hôm cùng các nghệ sĩ Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố về huyện Hòa Vang diễn kịch tuyên truyền, múa rối nước, rối cạn..., dù thù lao ít ỏi. Thái Văn Nga cho rằng đó là sự dấn thân và hy sinh của nghệ sĩ làm nghệ thuật truyền thống.

“Đến độ tuổi này, tôi chấp nhận tất cả vì đó là sự lựa chọn của mình. Khó khăn mấy nhưng được diễn là chúng tôi vui lắm. Mỗi ngày, tôi và các đồng nghiệp động viên nhau cố gắng nỗ lực rèn nghề, làm nghề và cùng chung tay góp sức giữ nghề. Niềm vui lớn nhất của tôi là được khán giả đón nhận vai diễn của mình trên sân khấu tuồng cũng như sân khấu quần chúng”, diễn viên Thái Văn Nga trải lòng.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.
.