Gắn giá trị văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội vùng Trung Bộ

.

Sáng 6-11, tại Đà Nẵng, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) và Học viện Chính trị khu vực 3 (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp tổ chức hội thảo khoa học văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng Trung Bộ.

Báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS,TS Hồ Việt Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho biết, Trung Bộ là vùng có sự đa dạng cao về văn hóa với sự cộng cư của 41 dân tộc thuộc các nhóm ngôn ngữ khác nhau như: Việt-Mường, Môn-Khơ me, Tày-Thái, H’mông-Dao.

Nơi đây cũng là mảnh đất của nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo: 6 quần thể di tích lịch sử văn hóa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, hệ thống các làng nghề, lễ hội văn hóa dân gian của các dân tộc…

Đây là những cơ sở quan trọng để đưa văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển KT-XH vùng, song nó cũng là thách thức đối với sự phát triển bền vững vùng trong bối cảnh hội nhập.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, phân tích, đánh giá làm rõ một số vấn đề lý luận về văn hóa trong phát triển KT-XH vùng; nhận diện thực trạng văn hóa trong phát triển KT-XH vùng; đề xuất định hướng và một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy nguồn lực văn hóa trong phát triển KT-XH vùng Trung Bộ như: tri thức của cộng đồng địa phương về quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng cư dân ven biển để phát triển KT-XH vùng Trung Bộ; giải pháp phát triển KT-XH các dân tộc thiểu số miền núi Trung Bộ theo hướng bền vững; văn hóa doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ doanh nhân vùng Trung Bộ…

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.