Nhiều hoạt động nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11)

.

Nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, sáng 23-11, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình “Nghệ nhân trao truyền” với chủ đề “Mặt nạ thời gian”. Tại không gian trưng bày nghệ thuật tuồng của Bảo tàng Đà Nẵng, hơn 30 sinh viên khoa Kiến trúc (Trường Đại học Duy Tân) và khách tham quan được nghệ nhân Bùi Quý Phong (Hội An) giới thiệu về mặt nạ truyền thống Việt Nam nói chung, mặt nạ tuồng cổ Việt Nam nói riêng.

Qua các chi tiết màu sắc, hình vẽ âm - dương trên mặt nạ, nghệ nhân Bùi Quý Phong giúp khách tham quan thấy được sự khác biệt giữa mặt nạ truyền thống Việt Nam và mặt nạ các nước châu Á.
Hoạt động này nhằm tôn vinh, bảo tồn và quảng bá văn hóa truyền thống của xứ Quảng; giúp thế hệ trẻ có dịp tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm di sản dân tộc.

l Cùng ngày, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp với Bảo tàng Bình Định tổ chức trưng bày “Gốm Champa Bình Định”. Đây là những hiện vật gốm (có niên đại từ đầu thế kỷ XI đến thế kỷ XV) được Bảo tàng Bình Định sưu tầm, khai quật khảo cổ học tại các di tích, di chỉ đền tháp, thành lũy Champa và các khu lò gốm nằm dọc đôi bờ sông Côn như gò Sành (Nhơn Hòa, An Nhơn), Trường Cửu (Nhơn Lộc, An Nhơn), gò Cây Me (Nhơn Mỹ, An Nhơn), gò Hời, gò Ké, gò Giang (Tây Vinh, Tây Sơn) hình thành trong giai đoạn thịnh vượng nhất của vương quốc Champa thời kỳ Vijaya.

Bộ sưu tập gốm Champa này được đánh giá là loại hình độc đáo, có những tiêu bản đặc trưng riêng biệt lần đầu tiên phát hiện tại Bình Định.

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 30-12, tại phòng trưng bày chuyên đề, tòa nhà trước của Bảo tàng Điêu khắc Chăm để phục vụ người dân và du khách.                               

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.