Những đề xuất xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

.

Chiều 11-12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo đã chủ trì Hội thảo góp ý xây dựng "Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam".

Ông Đỗ Quý Vũ, phó viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông trình bày kết quả nghiên cứu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Đỗ Quý Vũ, phó viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông trình bày kết quả nghiên cứu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo Báo cáo năm 2018 của Tổ chức We are Social, số lượng người sử dụng dịch vụ toàn cầu đã đạt 3,2 tỷ người, chiếm 42% dân số thế giới, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 13%/năm.

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép hoạt động cho 436 mạng xã hội. Trong đó, Facebook đang là mạng xã hội có số lượng người Việt Nam sử dụng nhiều nhất với khoảng 55 triệu tài khoản, chiếm 57% dân số. Việt Nam đang xếp thứ 7 trong top 10 quốc gia có số lượng người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới. Về thời lượng sử dụng Internet và mạng xã hội trong một ngày của người Việt đạt tương ứng khoảng 7 giờ và 2,5 giờ.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nêu rõ: Bên cạnh các tác động tích cực, môi trường mạng đã trở thành một không gian truyền bá những thông tin xấu độc, xuyên tạc chính sách Đảng và Nhà nước, đả kích chế độ, gây chia rẽ, thù hằn dân tộc, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của cá nhân, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức. Ngoài ra, hiện tượng để lọt, lộ thông tin bí mật của Nhà nước ngày càng gia tăng nhanh chóng, ảnh hưởng tiêu cực đến quốc phòng, an ninh, gây mất trật tự xã hội và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhận định: "Mặt trái của mạng xã hội luôn tồn tại, không thể loại bỏ được mà chỉ có thể hạn chế nhờ vào thái độ ứng xử của những người sử dụng và các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội". 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ông Đỗ Quý Vũ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cũng bày tỏ quan điểm: "Các ứng xử trên mạng xã hội cần được điều tiết như ứng xử ở xã hội thực tại. Những mặt xấu của mạng xã hội không thể xoá bỏ được mà phải dùng những hình thức chế tài, áp dụng những chuẩn mực như ở ngoài xã hội thật".

"Quy tắc chung yêu cầu việc cung cấp dịch vụ, sử dụng mạng xã hội phải trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật Việt Nam. Nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm. Người sử dụng mạng xã hội phải tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng bản thân, đồng thời phải tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền tự do và riêng tư cá nhân.", ông Vũ nhấn mạnh

Chính vì vậy, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã và đang được xây dựng nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của mạng xã hội, nâng cao chuẩn mực đạo đức của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam.

Tại buổi hội thảo, rất nhiều đại biểu đã đưa ra những đề xuất và giải pháp tích cực để xây dựng nên một Bộ quy tắc ứng xử cho nhà cung cấp dịch vụ và người dùng mạng xã hội tại Việt Nam.

Các đại biểu đã có nhiều tham luận hữu ích như: "Giải pháp nâng cao tính hiệu quả, khả thi của Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội - Góc nhìn từ lĩnh vực truyền thông", "Giải pháp thúc đẩy những giá trị tốt đẹp trên mạng xã hội", "Hiện trạng và giải pháp sử dụng mạng xã hội tại các cơ quan nhà nước", "Kinh nghiệm xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội", "Hiện trạng và giải pháp cho những phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội"...

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.