Bữa cơm ngày cuối năm

.

ĐNO - Như một thông lệ không thể thiếu, cứ đến những ngày cuối cùng của tháng Chạp, nhiều gia đình lại tổ chức bữa cơm tất niên tiễn năm cũ để chuẩn bị đón năm mới. Trong tâm khảm của nhiều người, bữa cơm chiều cuối năm luôn chứa đựng nhiều cảm xúc, không chỉ là dịp để gia đình đoàn viên mà còn là cơ hội để nhắc nhở các thế hệ con cháu về một nét đẹp của ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Bữa cơm cuối năm thường được nhiều gia đình chuẩn bị chu đáo, với đầy đủ những món ăn đậm nét truyền thống như bánh chưng, bánh tét, dưa món, gà cúng, chả bò, chả heo…

Trong thời khắc đất trời chuyển giao thiêng liêng này, nhiều gia đình còn giữ thói quen nấu một tô canh khổ qua với mong muốn xoa tan mọi vất vả, khổ nạn của năm cũ để bước vào một năm mới tươi vui và may mắn hơn.

Đã trải qua 14 cái Tết kể từ khi có gia đình riêng, cứ đến sáng 29 tháng Chạp hằng năm, chị Nguyễn Thị Lý (trú đường Núi Thành, quận Hải Châu) lại chạy chợ để chuẩn bị cho bữa cơm cúng tất niên, cũng là bữa cơm cuối cùng trong năm mà gia đình chị tề tựu đông đủ ông bà, cha mẹ và con cháu.

Như thường lệ, từ 6 giờ sáng, chị Lý đã có mặt tại chợ Đống Đa, sau khi đi hết một vòng tham khảo giá cả các mặt hàng, chị Lý dừng chân ở hàng tôm, cá. Chỉ vào con cá mú đang còn vẩy đuôi nằm trong chậu, chị Lý bảo: “Đi chợ Đống Đa thích nhất vì từ thịt, cá, tôm, cua… đến các loại rau củ quả luôn dồi dào, phong phú và tươi sống, giá cả lại không quá đắt đỏ”. Sau gần 1 tiếng tới lui, chị Lý đã mua xong các loại thực phẩm để làm bữa cơm tất niên. Tất cả đều được lựa chọn kỹ càng và tỷ mỉ.

Chị Lý chia sẻ: “Gia đình mình đã duy trì truyền thống làm cơm tất niên (cũng là bữa cơm cuối cùng trong năm) vào ngày 29 tháng Chạp nhiều năm nay. Ngoài một con gà cúng được đặt sẵn, bánh chưng đặt mua của người quen thì những món ăn còn lại đều do mình tự lên thực đơn, đi chợ và chế biến. Thông thường sẽ có 10 món với đầy đủ thịt, cá, tôm, dưa món, bánh chưng, bánh tét, đồ xào, ca ri, canh khổ qua, xôi, chè, ram chả, cá chiên…

Ngoài 4 thành viên trong gia đình, mình còn mời bố mẹ chồng, 2 em chồng đến cùng chung vui. Việc duy trì bữa cơm cuối năm không chỉ giúp gia đình mình thêm đoàn kết, gắn bó mà còn tạo nên truyền thống đón Tết cổ truyền trong gia đình, để các con mình cảm nhận được giá trị của ngày Tết dân tộc”.

Ở tuổi ngoài 60, đối với bà Lê Thị Hoàng Hà (quận Thanh Khê), việc duy trì bữa cơm gia đình vào dịp cuối năm luôn được chăm chút chu đáo với mong muốn cả gia đình cùng sum vầy, đoàn tụ trước khi đón năm mới. Bà Hà bảo rằng, do 3 người con trong gia đình đều ở riêng nên bữa cơm cuối cùng trong năm của gia đình phải đến chiều 30 tháng Chạp mới tổ chức để các con có thời gian chăm chút, vun vén và chuẩn bị xong cho gia đình nhỏ của mình.

Để chuẩn bị cho bữa cơm này, từ sáng 29 tháng Chạp, bà Hà đã lo đi chợ Cồn mua các loại thực phẩm cần thiết. Có một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm cuối năm của nhà bà Hà trong nhiều năm qua đó là món mì Quảng. Bà Hà bảo, hai vợ chồng bà đều gốc người Đà Nẵng nên mỗi khi “năm hết, Tết đến” trong mâm cơm đoàn viên của đại gia đình luôn phải có món ăn truyền thống này như một cách để gợi nhắc con cháu về nét văn hóa ẩm thực của quê hương.

Để làm được món mì Quảng ngon, ngay từ 25 tháng Chạp, khi về quê thắp hương ông bà, bà Hà tranh thủ ghé chợ Túy Loan, tìm mua vài con gà quê ở người quen. Đến chiều 30 Tết, anh con trai cả có nhiệm vụ nhổ lông, làm thịt ba con gà rồi lọc lấy thịt còn xương dùng để hầm lấy nước.

Mì cũng được bà Hà mua ở người quen, với loại bánh mỏng lá, mềm dẻo có phớt thêm chút dầu phụng thơm lừng. Đây là món ăn chủ đạo trong mâm cơm ngày cuối năm của gia đình bà Hà bên cạnh những ram chả, bánh chưng, bánh tét, dưa hành, thịt muối, gà xé, rau sống…

"Ngày Tết ai cũng tất bật lo chuyện sắm sửa trong gia đình, nhưng mỗi khi đến ngày 30 tháng Chạp, các con trai, con gái và dâu, rể của gia đình tôi luôn dành thời gian về nhà cùng ba mẹ chuẩn bị bữa cơm thật tươm tất, đủ đầy để cả gia đình đoàn viên. Với tôi, bữa cơm chiều 30 Tết chính là thời khắc tuyệt vời và giá trị nhất trong năm”, bà Hà xúc động bày tỏ.

Dẫu đủ đầy hay còn đơn sơ, mộc mạc thì điều trân quý nhất của bữa cơm cuối năm đó là gia đình được đoàn viên với đầy đủ ông bà, con cháu. (ảnh mang tính minh họa)
Dẫu đủ đầy hay còn đơn sơ, mộc mạc thì điều trân quý nhất của bữa cơm cuối năm đó là gia đình được đoàn viên với đầy đủ ông bà, con cháu. (Ảnh mang tính minh họa)

Chiều cuối năm, cả gia đình đoàn tụ và cùng nhau chuẩn bị mâm cơm tất niên, khi tất cả đã lên mâm lên dĩa, lúc nâng ly, chạm cốc vào nhau cũng chính là thời khắc để những thành viên trong gia đình hồi tưởng lại ký ức thủa còn hàn vi, cùng nhau sẻ chia những buồn, vui của cuộc sống hiện tại.

Tất cả như dòng sông kỷ niệm ào ạt ùa về, trộn lẫn vào nhau để tạo nên thứ xúc cảm nghẹn ngào mà hạnh phúc. Chuyện cũ, chuyện mới cứ đan xen cho đến khi hơi rượu ấm ran cả lồng ngực, có lúc nước mắt lẫn trong nụ cười của ngày các con về sum họp cùng mẹ cha.

Chiều 30 Tết dù không còn tiếng pháo nổ như ngày xưa nhưng trong lúc trong trẻo và thiêng liêng nhất của đất trời, bữa cơm cuối năm dù đủ đầy hay còn đơn sơ mộc mạc, thì không khí đoàn viên mới đáng trân quý hơn hết thảy.

Cứ thế, năm nào cũng vậy, cuộc sống cứ trôi qua theo ngày tháng và dù rất cũ nhưng bữa cơm vào ngày cuối năm với ý nghĩa “đoàn viên” vẫn làm lòng người xao xuyến với những nỗi niềm khó tả. Dẫu đi đâu, làm gì, mỗi người đều luôn khát khao được quay trở về để đoàn tụ và sum họp cùng gia đình trong bữa cơm ngày cuối năm, bởi lẽ, hai tiếng “gia đình” luôn thiêng liêng và quý giá.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.