Nỗ lực đưa sách Việt ra thị trường thế giới: Đường vẫn còn xa

.

Năm 2018, các nhà xuất bản trong nước đã thực hiện xuất bản và nộp lưu chiểu hơn 33.000 xuất bản phẩm với hơn 430 triệu bản, gồm sách in, các ấn bản điện tử và những xuất bản khác.

Người dân Thành phố Hồ Chí Minh tham quan Đường sách Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Người dân Thành phố Hồ Chí Minh tham quan Đường sách Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Đồng thời, các đơn vị xuất bản cũng đón nhận tin vui khi một số tác giả Việt đã được vinh danh trong các giải thưởng văn học quốc tế. Mặc dù vậy, con đường đưa sách Việt ra thế giới vẫn còn khá dài và xa, chờ đợi một sự bứt phá mạnh mẽ để ngày càng tiệm cận hơn với bạn đọc nước ngoài và có tiếng nói riêng trên thị trường xuất bản thế giới.

Tín hiệu lạc quan

Năm 2018 là năm thành công của ngành xuất bản, in ấn và phát hành trong nước khi xuất hiện nhiều xuất bản phẩm có giá trị, phục vụ công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Nhiều đầu sách hay được phát hành, thu hút sự quan tâm của bạn đọc trong nước. Đáng chú ý là các thể loại sách về lịch sử văn hóa truyền thống, nghiên cứu văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc, vùng miền; sách về kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ đáp ứng công tác nghiên cứu, phát triển các ngành mũi nhọn, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, nhiều cuốn sách văn học trong và ngoài nước có giá trị dành cho bạn đọc nhiều độ tuổi cũng được xuất bản, tái bản nhiều lần. Nhiều nhà xuất bản đã đầu tư xuất bản các tác phẩm văn học của tác giả trẻ Việt Nam, góp phần tạo hiệu ứng tích cực, thu hút được nhiều thanh thiếu niên quan tâm, đọc sách.

Đáng mừng là mảng sách dành cho thiếu nhi đã được nâng chất với nội dung thể hiện gần gũi, hấp dẫn lứa tuổi măng non. Một số tác phẩm truyện tranh Việt Nam được các nhà xuất bản chú trọng đầu tư hình vẽ, thiết kế đã đáp ứng nhu cầu của bạn đọc nhỏ tuổi và có giá trị giáo dục sâu sắc, giàu tính nhân văn.

Tổng kết hoạt động xuất bản năm 2018, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục In, Xuất bản và Phát hành nhận xét ngành xuất bản đã có sự bứt phá ngoạn mục về số lượng, chất lượng.

Mặc dù kết quả sản xuất kinh doanh của các nhà xuất bản năm 2018 đạt hơn 2.506 tỷ đồng (giảm 13,5% so với 2017) nhưng bù lại các nhà xuất bản đã nộp ngân sách nhà nước hơn 187 tỷ đồng (tăng đến 71% so với năm 2017).

Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế của các nhà xuất bản đạt khoảng 212,346 tỷ đồng (tăng 11,5% so với cùng kỳ). Nhiều nhà xuất bản kinh doanh hiệu quả, có lãi, điển hình như: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng; Nhà xuất bản Trẻ... góp phần tạo nên bức tranh tươi sáng cho ngành xuất bản Việt Nam.

Là đơn vị phát hành nhiều năm liền dẫn đầu về doanh thu và phát triển mạng lưới cửa hàng, bà Phạm Thị Hóa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phát hành sách FAHASA chia sẻ các đơn vị xuất bản Việt Nam rất nhanh nhạy trong việc khai thác các tựa sách "best seller" trên thế giới. Họ chủ động mua bản quyền và chuyển ngữ rất nhanh, xuất bản và tổ chức truyền thông rất tốt, nên các sách được tiêu thụ khá nhiều tại Việt Nam.

Các nhà cung cấp cũng rất chuyên nghiệp trong công tác truyền thông, marketing cho sách trước khi sách được phát hành nên nhiều tựa sách vừa được giới thiệu đã có hơn 10.000 đơn hàng được đặt trên các trang thương mại điện tử.

Riêng tại FAHASA, bà Hóa cho biết thêm, doanh thu mảng sách văn học trong năm 2018 của Công ty đã tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm 2017. Sách văn học dành cho "tuổi teen" tiêu thụ mạnh, nhiều tựa sách nổi tiếng liên tục nằm trong top 10 tựa sách bán chạy hàng tuần.

Cùng với đó, việc tổ chức thường xuyên các chương trình giao lưu ký tặng sách tại các hệ thống các nhà sách, Đường sách, Hội sách đã góp phần làm cho các ấn bản sách được tiếp cận độc giả tốt hơn.

Các tác phẩm văn học Việt Nam của các tác giả như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác giả Hamet Trương, Aris Kao, Anh Khang... ngày càng chiếm ưu thế.

Sớm tiếp cận với độc giả ở nước ngoài

Mặc dù ngành Xuất bản Phát hành trong năm 2018 cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra, song nhìn vào thực tế, ông Chu Văn Hòa cho rằng vẫn còn sự chênh lệnh quá cao giữa nhập khẩu ấn bản phẩm nước ngoài và xuất khẩu các ấn bản phẩm trong nước ra thị trường thế giới.

Cụ thể, năm 2018, xuất bản phẩm nhập khẩu ước đạt 35,3 triệu bản sách; 11,2 triệu đĩa CD, DVD; 7,2 triệu tờ báo, tạp chí (tăng 16% so với năm 2017). Trong đó, có đến 50% là sách nhập khẩu thuộc lĩnh vực giáo dục; còn lại là ở các lĩnh vực như kinh tế, khoa học kỹ thuật, y học...

Ngược lại, công tác xuất khẩu các ấn bản phẩm Việt Nam ra thị trường nước ngoài chỉ đạt 415.000 bản sách (tăng khoảng 3,7% so với năm 2017).

Ông Chu Văn Hòa cho rằng hoạt động nhập khẩu các xuất bản phẩm nước ngoài vẫn đang chiếm tỷ trọng rất lớn, trong khi các ấn bản phẩm Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế còn rất hạn chế. Đây là vấn đề đáng lưu tâm, thể hiện được mức độ, sự quan tâm cho việc quảng bá tư duy, ấn bản phẩm Việt Nam đến thị trường nước ngoài.

Nhìn lại các xuất bản phẩm Việt Nam những năm qua, mặc dù đã có những tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ, được độc giả nước ngoài biết đến như các cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Nhà văn Bảo Ninh; “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”; “Truyện Kiều” của Nguyễn Du... Tuy nhiên, chủ đề của các ấn bản phẩm vẫn còn hạn chế, hiếm tác phẩm văn học của những tác giả trẻ, phản ánh cuộc sống xã hội, con người Việt Nam đương thời đến với độc giả nước ngoài.

Gần đây, Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu đến độc giả tác phẩm mới nhất của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có tựa đề “Cảm ơn người lớn” đến với độc giả trong nước và quốc tế. Đặc biệt, đây là ấn bản đầu tiên được Nhà xuất bản Trẻ phát hành cùng thời điểm ở Việt Nam đến với các thị trường nước ngoài như bang California (Hoa Kỳ); Tokyo (Nhật Bản); Berlin (Đức); Đài Loan (Trung Quốc)...

Dù chỉ là những ấn bản bằng tiếng Việt, phục vụ cho cộng đồng người Việt tại nước ngoài, đại diện Nhà xuất bản Trẻ mong muốn sẽ sớm có những tác phẩm được chuyển ngữ tốt, được giới thiệu, quảng bá cho bạn đọc người nước ngoài.

Các nhà xuất bản ở Việt Nam đều cho rằng để có thể tiếp cận với thị trường xuất bản nước ngoài, cần chủ động hơn trong việc tham gia triển lãm, hội chợ sách lớn trên thế giới, nhằm thu hút bạn bè quốc tế, tham quan, tìm hiểu về xuất bản phẩm và ngành xuất bản Việt Nam. Việc tham gia các hoạt động này sẽ tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho các nhà xuất bản, đơn vị phát hành trong nước giao dịch bản quyền và kinh doanh hiệu quả hơn trong tương lai.

Quan tâm đến hoạt động xuất bản, phát hành tại Việt Nam, theo bà Claudia Kaiser, Phó Chủ tịch Hội sách Frankfrut (Đức), mặc dù một số nhà xuất bản Việt Nam đã chủ động tham gia vào các Hội chợ sách quốc tế để giới thiệu sách Việt đến các đối tác thế giới và giao dịch bản quyền sách nhưng thực tế Việt Nam phần lớn chỉ tập trung tìm sách "best-seller" của thế giới để mua bản quyền, ít thấy các Nhà xuất bản Việt Nam bán bản quyền sách cho đối tác nước ngoài. Các tác phẩm Việt Nam giới thiệu đến đối tác hầu hết đều bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Đây là hạn chế rất lớn trong việc tiếp cận đối tác nước ngoài chứ chưa nói đến tiếp cận được độc giả các nước khác.

Trong bối cảnh phát triển của khoa học và công nghệ, đại diện Cục Xuất bản, In ấn và Phát hành cho biết năm 2019, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành là Xây dựng Chiến lược sách Quốc gia theo tinh thần của Luật Xuất bản và Chỉ thị 42-CT/TW, Thông báo kết luận 19-TB/TW của Ban Bí thư; xem xét cơ chế thực hiện Đề án “Xây dựng và khôi phục mạng lưới phát hành sách cấp huyện tại vùng có điều kiện kinh tế- ã hội đặc biệt khó khăn."

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xuất bản nhằm nâng cao hiệu quả công tác biên tập, nghiệp vụ xuất bản theo hướng hiện đại hóa.

Đại diện Cục Xuất bản, In ấn và phát hành cũng cho rằng các nhà xuất bản trong nước cần tiếp tục tham gia tích cực các hội sách trong nước, nước ngoài và các hoạt động quảng bá về sách nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam đến với bạn đọc, thúc đẩy phát triển ngành xuất bản, in ấn, phát hành.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.