Phát huy giá trị văn hóa truyền thống từ lễ hội

.

Từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, nhiều lễ hội mang đậm dấu ấn truyền thống diễn ra trên toàn thành phố. Lễ hội là dịp để người dân bày tỏ sự tri ân với những người khai hoang lập làng, cầu mong một năm may mắn. Nhiều địa phương cũng bắt đầu lấy lễ hội làm nền tảng để phát triển du lịch bền vững.

Hát bả trạo - nét văn hóa độc đáo của lễ hội cầu ngư. Trong ảnh: Lễ hội cầu ngư tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà).Ảnh: NGỌC HÀ
Hát bả trạo - nét văn hóa độc đáo của lễ hội cầu ngư. Trong ảnh: Lễ hội cầu ngư tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà).

Giữ gìn bản sắc văn hóa

Được lưu truyền qua nhiều thế hệ, lễ hội đình làng ở Đà Nẵng vẫn lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần đặc trưng của từng địa phương. Ông Đặng Khôi (sinh năm 1927) - người khá rành rọt về đình làng Túy Loan cho biết, sau khi lập làng vào năm 1470, các dòng tộc Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê đã chọn làm đình ngay giữa làng, trước đình có dòng sông uốn lượn quanh co như con chim loan, chim thúy nên đặt tên là Thúy Loan (sau gọi là Túy Loan).

Trong đình còn một bia đá khắc rõ “nhơn sanh bất năng lập, bất hũ như công truyền, thị hư như chân giã”, nghĩa là “làm người hiểu biết mà không truyền dụ lại cho mọi người hiểu rõ ấy là kẻ sống thừa, còn ghi mấy lời lưu lại, không phân biệt tộc phái, đoàn kết cùng nhau chung tay góp sức thì việc gì cũng làm nên”. Kế tục truyền thống đó, lễ hội đình làng hằng năm, các chư phái tộc cùng nhau tổ chức, cố gắng gìn giữ nghi thức nhiều đời nay như: lễ rước sắc, văn tế…

“Thế hệ của tôi gắn bó với mái đình như hình với bóng. Bây giờ có tuổi lại càng thường xuyên lui tới trông coi đình, hướng dẫn thế hệ sau các nghi lễ, nghi thức cúng bái. Theo tôi, lễ hội đình làng không chỉ là dịp thể hiện tri ân tiền nhân mà còn giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho con cháu, giúp bà con trong chư phái tộc gặp gỡ, trao đổi, từ đó đem lại sự đoàn kết, gắn bó cùng nhau xây dựng làng quê giàu đẹp, yên bình như tiền nhân gửi gắm”, ông Khôi cho biết.

Bên cạnh lễ hội đình làng, lễ hội cầu ngư cũng được nhiều địa phương ven biển Đà Nẵng bảo tồn nguyên vẹn. Lễ hội cầu ngư gồm: lễ nghinh Ông, lễ cầu an, cầu ngư trên biển bày tỏ lòng thành kính cầu mưa thuận gió hòa, mùa đánh bắt thắng lợi, no đủ. Sau phần lễ, người dân vùng biển hòa trong không khí lễ hội với các trò chơi dân gian gắn liền với miền biển tạo khí thế cho một mùa ra khơi đánh bắt hải sản.

 Lễ hội đình làng là một trong những lễ hội bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tại Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Hô hát bài chòi tại đình làng Túy Loan thu hút đông người tham gia.
Lễ hội đình làng là một trong những lễ hội bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tại Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Hô hát bài chòi tại đình làng Túy Loan thu hút đông người tham gia.

Do biến thiên lịch sử và quá trình đô thị hóa, hiện Đà Nẵng chỉ còn 12 lăng, miếu thờ cá Ông phân bố chủ yếu tại các vùng ven biển Sơn Trà, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu. Hằng năm, các làng ven biển này đều tổ chức lễ hội cầu ngư chu đáo, bài bản.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Văn Hòe cho biết, xuyên suốt chiều dài lịch sử, trải qua nhiều biến thiên, lễ hội cầu ngư vẫn không bị gián đoạn, bằng cách này hay cách khác, người dân miền biển vẫn làm lễ tế Ông hằng năm. “Đối với người đi biển, yếu tố văn hóa tâm linh thể hiện đậm nét, ngay cả trong cách ăn uống (không được lật nửa phần bên con cá đã ăn, mà còn không bao giờ được nói tiếng “lật”, ngụ ý kiêng cữ sự lật thuyền). Bởi giữa muôn trùng sông nước, họ cần sự an toàn.

Tìm hiểu của tôi nhiều năm nay về lễ hội cầu ngư, thì điều quan trọng nhất trong cầu khấn của người đi biển là bảo toàn tính mạng để trở về từ mỗi chuyến ra khơi, kế đến mới là cầu bội thu tôm, cá. Do đó, ở đâu còn nghề đi biển thì còn có lễ hội cầu ngư”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Văn Hòe khẳng định.

Gắn với phát triển du lịch địa phương

Những năm gần đây, để phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch, thành phố đã đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích, chú trọng bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, tạo điều kiện cho các địa phương phát huy lễ hội truyền thống.

Ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, các lễ hội truyền thống cố gắng lồng ghép thêm những nét đặc trưng của địa phương như: nghề bánh tráng truyền thống, ẩm thực mì Quảng, hát hò khoan, bài chòi…; từ đó, tạo nên sức hấp dẫn của lễ hội, quảng bá đến người dân và du khách. “Bên cạnh việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, huyện Hòa Vang chú trọng đầu tư phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống nhằm hướng tới mục tiêu phục vụ du lịch. Cách tốt nhất phát huy giá trị di sản trước hết là bảo tồn, gìn giữ nhưng phải để di sản ấy “sống” được và làm nền tảng cho phát triển du lịch bền vững”, ông Dũng nói.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, lễ hội cầu ngư nên tiếp tục được đầu tư tổ chức chu đáo hơn và phát huy hiệu quả xã hội trong đời sống đương đại; cụ thể, quảng bá lễ hội và các giá trị của lễ hội trên các phương tiện truyền thông; tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò chủ thể văn hóa của cộng đồng trong việc thực hành, duy trì và trao truyền lễ hội…

Tại lễ hội đình làng Túy Loan, nghi thức rước sắc khá độc đáo. Đoàn rước sắc đi từ nhà thờ tộc, diễu hành quanh làng và đưa sắc phong về đình làng làm lễ.
Tại lễ hội đình làng Túy Loan, nghi thức rước sắc khá độc đáo. Đoàn rước sắc đi từ nhà thờ tộc, diễu hành quanh làng và đưa sắc phong về đình làng làm lễ.

Về điều này, ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quận là tập trung phát triển du lịch biển trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành. Vì thế, khai thác du lịch dựa trên giá trị văn hóa truyền thống cũng được tính toán đến; trong đó, lễ hội cầu ngư được các phường ven biển luân phiên tổ chức là điểm nhấn văn hóa đặc trưng. Nhiều năm qua, phần lễ được ngư dân tại địa phương đảm nhận, phần hội do quận bỏ kinh phí đầu tư nên khá chu đáo.

Lễ hội từng bước được nâng tầm, tạo sức hút đối với người dân và du khách. “Lễ hội cầu ngư được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016. Điều này đã khẳng định giá trị của lễ hội này. Chúng tôi sẽ nỗ lực khai thác lễ hội cầu ngư thành sản phẩm du lịch của địa phương; tuy nhiên, cũng kỳ vọng sự vào cuộc mạnh mẽ, sự thay đổi nhận thức của các cấp, ngành, địa phương để lễ hội thật sự bảo tồn và phát triển xứng tầm”, ông Nguyễn Thanh Xuân nói.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ
 

;
;
.
.
.
.
.