Xây dựng văn hóa Đà Nẵng phong phú, giàu bản sắc

.

Thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) sẽ từng bước triển khai các chủ trương, chính sách để xây dựng văn hóa Đà Nẵng phong phú, giàu bản sắc, có hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế-xã hội.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một trong những công trình văn hóa trọng điểm, được thành phố đầu tư trong những năm qua, thu hút đông đảo khách tham quan. (Ảnh do Bảo tàng Điêu khắc Chăm cung cấp)
Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một trong những công trình văn hóa trọng điểm, được thành phố đầu tư trong những năm qua, thu hút đông đảo khách tham quan. (Ảnh do Bảo tàng Điêu khắc Chăm cung cấp)

Đời sống văn hóa, tinh thần khởi sắc

Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa được thành phố quan tâm và thực hiện hiệu quả; mang lại sự hưởng thụ tinh thần cho người dân. Để tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa, thành phố đã đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ từ thành phố đến quận, huyện và phường, xã.

Hiện tại, ở cấp thành phố, Đà Nẵng có các công trình văn hóa trọng điểm như Cung Thiếu nhi, Thư viện Khoa học tổng hợp, hệ thống các bảo tàng: Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được đầu tư khang trang.

Tại các quận, huyện, hầu hết Trung tâm VH-TT đã cơ bản hoàn thành xong phần quy hoạch và bố trí đất để xây dựng công trình và đang được tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất. Trong đó, một số nhà văn hóa thuộc Trung tâm VH-TT như Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà được đầu tư quy mô, có sân khấu hàng trăm chỗ ngồi, thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại… sẽ là nơi tổ chức sự kiện nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thành phố cũng nâng cao chất lượng hoạt động của hai đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp gồm Nhà hát Trưng Vương và Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Với nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh phối hợp với các Hội trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật thành phố tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền lưu động, triển lãm ảnh, các hội thi…

Đặc biệt, các hoạt động văn hóa, giải trí hai bên bờ sông Hàn được tổ chức khá đều vào những ngày cuối tuần, dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của thành phố đã tạo nên không khí tươi vui, phấn khởi cho nhân dân và du khách.

Trong năm 2018, Đà Nẵng là nơi được chọn tổ chức nhiều sự văn hóa, thể thao mang tầm quốc gia và khu vực, như: Giải đua thuyền Đông Nam Á, cuộc thi sáng tác múa hài Việt Nam lần thứ 1 - năm 2018, Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc, Lễ hội pháo hoa quốc tế, cuộc thi IRONMAN 70.3 Việt Nam và IRONKID Việt Nam, cuộc thi Dù lượn Đà Nẵng mở rộng, cuộc thi Marathon Quốc tế Đà Nẵng.

Chính quyền thành phố cũng nỗ lực thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản trên địa bàn thành phố, trong đó triển khai Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích (giai đoạn 1), ký kết với tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan; danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt; tiến hành trùng tu tôn tạo 9 di tích…

Tiếp tục đầu tư cho văn hóa

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT cho biết, trên nền tảng đã đạt được, năm 2019, Sở VH-TT thành phố đề xuất, tham mưu lãnh đạo thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư cho văn hóa, đặc biệt chú trọng triển khai Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng văn hóa Đà Nẵng phong phú, bản sắc, có hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế-xã hội.

Đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thành phố đã đồng ý chủ trương xây dựng Nhà hát lớn và Trung tâm Văn hóa thành phố với diện tích hơn 12ha. Đối với hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, Sở VH-TT đang hoàn thiện báo cáo đánh giá và kế hoạch đầu tư theo quy hoạch của thành phố.

Theo lộ trình đến năm 2022, cấp thôn sẽ có 100% nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn của Bộ VH-TT&DL; cấp phường/xã có 80% thiết chế Trung tâm VH-TT, 20% có nhà văn hóa; cấp quận, huyện có 100% trung tâm VH-TT được đầu tư theo chuẩn của Bộ VH-TT&DL, 30% quận, huyện có nhà thiếu nhi; 10% có nhà văn hóa lao động.

Thành phố cũng đã tiến hành thi tuyển phương án thiết kế Bảo tàng Đà Nẵng để chọn phương án tốt nhất, xây dựng bảo tàng tại vị trí mới vào năm 2020 để trả lại không gian cho thành Điện Hải, tiến hành triển khai dự án trùng tu, tôn tạo thành Điện Hải giai đoạn 2. Đồng thời, dự án trùng tu Hải Vân Quan cũng sẽ triển khai trong năm 2019 và hoàn thành vào năm 2020. Những thiết chế quan trọng này sẽ tạo thành điểm nhấn cho văn hóa thành phố và đáp ứng định hướng phát triển du lịch dựa trên nền tảng giá trị di sản.

Bên cạnh hoàn thiện thiết chế văn hóa, xây dựng văn hóa Đà Nẵng giàu bản sắc và xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện cũng được chú trọng. Trong đó, đáng chú ý, thành phố sẽ đầu tư hàng tỷ đồng mở lớp bồi dưỡng nghệ thuật hô hát bài chòi, tổ chức liên hoan các câu lạc bộ bài chòi, đưa bài chòi vào trường học.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và đề án Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng, bám sát thực tế, tuyên dương những điển hình để cái đẹp lan tỏa trong cuộc sống. Ngoài ra, đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình năm 2018 được đẩy mạnh nhằm xây dựng con người Đà Nẵng phát triển toàn diện.

“Trong nhiều năm qua, thành phố tập trung đầu tư mạnh cho văn hóa, từ con người, kinh phí, thiết chế; tạo nên một diện mạo mới cho văn hóa Đà Nẵng. Tuy nhiên, để văn hóa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố thì cần nhiều việc phải làm. Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2019, hoàn thành một số công trình văn hóa trọng điểm để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân”, ông Huỳnh Văn Hùng nói.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.