Độc đáo Lăng Ông An Hải

.

Sau hơn 20 năm, người dân làng An Hải (nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) vỡ òa niềm vui khi Lăng Ông Tứ Chánh hàng trăm năm tuổi được xây dựng mới, khang trang; cùng với di tích Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu tạo nên quần thể văn hóa độc đáo.

Với mức đầu tư gần 3 tỷ đồng bằng ngân sách thành phố, Lăng Ông có diện mạo mới khang trang.
Với mức đầu tư gần 3 tỷ đồng bằng ngân sách thành phố, Lăng Ông có diện mạo mới khang trang.

Theo các vị cao niên trong làng, thời gian đầu, làng An Hải chưa có xã hiệu. Đến thời Gia Long thứ 12, năm 1812 mới có tên trong địa bộ với tên xã An Hải thuộc tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam; đông giáp Mỹ Khê, Phước Trường, Tân An, tây giáp sông Hàn, nam giáp Hóa Khuê, bắc giáp Cổ Mân. Từ thưở ban đầu lập ấp, làng An Hải có 6 tộc, gọi là lục tộc tiền hiền, gồm: Trần, Lê, Nguyễn, Đỗ, Ngô, Huỳnh. Về sau thêm nhiều tộc họ nữa, như Phạm, Phan, Hà, Đặng...; các tộc dần dần phát triển nhiều phái, nhánh... thành 36 chư phái tộc.

Ông Nguyễn Văn Sanh, chủ bái nhiều năm của làng cho biết, dựa vào Đầm bộ ban hành từ thời Gia Long, có thể thấy, nguyên tổ tiên chuyên sống với ngành ngư nghiệp, quanh năm bốn mùa bám biển dựa theo chân bán đảo Sơn Trà, Hòn Chảo, Chân Mây. Sống dựa vào nghề biển, dân làng đã lập Lăng Ông (còn gọi là Lăng Tứ Chánh), vạn Nam Hải vào năm 1827.  Lăng Ông trải qua 3 lần trùng tu vào năm 1947, 1970, 1993. Đến năm 1997, thực hiện chủ trương di dời để triển khai dự án đường Bạch Đằng Đông, bà con phải di dời Lăng Ông vào khoảng 5 mét, dựng tạm nhà tôn để thờ cúng. Trải qua thời gian dài, công trình xuống cấp. Đến năm 2018, UBND thành phố đã đầu tư nguồn ngân sách gần 3 tỷ đồng xây mới lăng và hình thành khu trưng bày hiện vật gốc, hiện vật phục chế về nghề cá bên trong lăng.

“Độc đáo nhất là tại Lăng Ông hiện còn giữ một bộ xương cốt Ông mà theo các nhà nghiên cứu từng đến tìm hiểu thì đây là bộ xương cốt có kích cỡ lớn nhất trong các bộ xương cốt được thờ tại các Lăng Ông trên cả nước. Chỉ một đốt xương cột sống lưng gần bằng vòng tay người ôm”, ông Đặng Văn Mầy, Ban khánh tiết Lăng Ông nói.

Tương truyền, hàng trăm năm trước, khi Ông lụy (mất) ở Hòn Chảo thì người dân trong làng phát hiện nhưng Ông có kích thước quá to, không thể đưa ông vào bờ chôn cất. Dân làng đành phải đóng những cây cọc lớn vây xung quanh để giữ lại, sau này mới mang cốt Ông về an táng tại làng. Ông Hồ Tấn Mười, Phó Trưởng phòng Sưu tầm - Trưng bày và Bảo quản (Bảo tàng Đà Nẵng), người chịu trách nhiệm xây dựng không gian trưng bày tại Lăng Ông này cho biết thêm, do cốt Ông khá đồ sộ nên chỉ trưng bày tượng trưng để người dân và du khách dễ hình dung. Ngoài những hiện vật gốc của người dân hiện lưu giữ như giỏ lưới đựng cá, đồ đan lưới, dụng cụ làm mắm..., bộ phận sưu tầm, trưng bày đã phục dựng lại một số hiện vật như tàu thuyền, dụng cụ đánh bắt qua các thời kỳ...

Ngày nay, Lăng Ông khoác lên mình bộ áo mới, khang trang ngay trên đường Trần Hưng Đạo (gần cầu Rồng), gần Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, một vị trí khá lý tưởng để giới thiệu đến người dân và du khách. Bà Võ Thị Phương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Sơn Trà cho biết, cùng với miếu bà Thân và Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, Lăng Ông An Hải góp phần tạo nên quần thể di tích - văn hóa đặc trưng. Thời gian tới, phòng Văn hóa - Thông tin quận sẽ tham mưu UBND, đề xuất thành phố định hướng phát huy quần thể di tích ven sông Hàn này để giới thiệu người dân và du khách; trong đó, chú trọng giới thiệu giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, nghề đi biển truyền thống của địa phương thông qua không gian trưng bày tại Lăng Ông; tổ chức thêm các hoạt động dân gian hấp dẫn như đan lưới, lắc thúng; đưa Lăng Ông vào địa chỉ giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên trên địa bàn quận nói riêng và toàn thành phố nói chung.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
;
.
.
.
.
.