Giải mã 'bí ẩn' ở Ngũ Hành Sơn

Bài 1: Những phát hiện mới

.

Ngũ Hành Sơn không chỉ nổi tiếng bởi sơn thủy hữu tình mà từ xa xưa, vùng linh địa này đã sớm định hình là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của cả nước. Hiện, số lượng lớn các văn bản ma nhai (văn tự khắc lên vách núi đá) trong các hang động ở Ngũ Hành Sơn vừa được các nhà nghiên cứu xuất lộ, giải mã gần đây càng khẳng định thêm giá trị văn hóa, lịch sử, văn học, nghệ thuật của Ngũ Hành Sơn. Đây là cơ sở để thành phố Đà Nẵng lập hồ sơ đề xuất Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thế giới trong thời gian tới.

Sau 6 tháng miệt mài, nhóm nghiên cứu đã xuất lộ hệ thống 90 bản ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Sau 6 tháng miệt mài, nhóm nghiên cứu đã xuất lộ hệ thống 90 bản ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (Huế) về các bia ma nhai (văn tự khắc lên vách núi đá) và thư tịch cổ còn lưu lại trên các vách núi trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn góp thêm nhiều bằng chứng khẳng định Ngũ Hành Sơn là trung tâm Phật giáo lớn của Đàng Trong với những cổ tự hình thành trên bước đường Nam tiến của di dân Đại Việt.

Đi tìm lời giải

Năm 2017, để thực hiện chuyên đề “Di sản Phật giáo Ngũ Hành Sơn”, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (Huế ) nhiều lần điền dã tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, tiến hành nghiên cứu các bảo vật còn lại, như: bia ký, di sản Chăm-pa, chuông, tượng, pháp khí, hoành phi - đối liễn, các danh tăng xuất thân tại Ngũ Hành Sơn.

Cùng thời gian này, một tư liệu quý về Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn được công bố là bản sách Hán Nôm chép tay trên giấy dó có tên “Ngũ Hành Sơn Lục” gồm 46 tờ, do Tú tài Hồ Thăng Doanh (người làng Hóa Khuê, Ngũ Hành Sơn) biên soạn vào đầu triều Khải Định - 1916.

Trong bản sách này, có nhiều trang sao lục thơ văn đề vịnh trên Ngũ Hành Sơn; phản ánh tình hình phát triển Phật giáo ở Quảng Nam lúc bấy giờ thông qua các vị tăng cang, trụ trì, tăng chúng, thủ lễ, đệ tử…; ghi chép thể thức thờ Phật và một số bài thơ khác đặt ở cuối quyển.

Việc xuất hiện của “Ngũ Hành Sơn Lục” cũng được xem là “cơ duyên”. Bởi lẽ, vào khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước, Hòa thượng Thích Trí Giác - trụ trì chùa Tam Thai (Ngũ Hành Sơn) và chùa Phước Lâm (Hội An) đã tặng bản chép tay này cho Thượng tọa Thích Quảng Hạnh - trụ trì chùa Đức Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Năm 2010, nhân lễ tưởng niệm 30 năm ngày viên tịch của cố Hòa thượng Thích Như Vạn - trụ trì Tổ đình Phước Lâm, Thượng tọa Thích Quảng Hạnh đã mang bản Ngũ Hành Sơn Lục này giao lại cho đệ tử của cố Hòa thượng Thích Như Vạn và hiện nay bản này đang được lưu giữ tại chùa Viên Giác (Hội An).

Từ những nghiên cứu và tư liệu mới này cùng với nhiều ý kiến tại tọa đàm khoa học chủ đề “Di sản Phật giáo Ngũ Hành Sơn” vào năm 2017, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (Huế ) tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng về hệ thống ma nhai Ngũ Hành Sơn.

Năm 2018, sau 6 tháng tháng miệt mài, nhóm nghiên cứu đã xuất lộ hệ thống 90 bản ma nhai, trong đó có 60 bản đã được phục hồi nguyên văn, phiên dịch và làm rõ giá trị của cả nội dung lẫn hình thức. “Một kho tư liệu quá hay và quý giá bị chìm khuất đã được làm sáng tỏ, giải mã được nhiều nghi vấn lâu nay trong nghiên cứu” - Đại đức Thích Không Nhiên, trưởng nhóm nghiên cứu nói.

Nhiều hé lộ về các cổ tự

Theo hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt của danh thắng Ngũ Hành Sơn, quần thể danh thắng này có 14 ngôi chùa lớn, nhỏ tồn tại. Núi Thủy Sơn có 5 chùa, tháp: Chùa Tam Thai, Chùa Linh Ứng, Chùa Tam Tôn, Chùa Từ Tâm, Tịnh thất Hồng Tháp. Núi Kim Sơn có 2 chùa: Chùa Quan Âm, Chùa Thái Sơn. Núi Hỏa Sơn có 3 chùa: Chùa Linh Sơn, Chùa Phổ Đà Sơn, Chùa Ứng Nhiên Phật Tông Tự. Núi Thổ Sơn có 4 chùa: Chùa Long Hoa, Chùa Huệ Quang, Chùa Hương Sơn, Chùa Giác Hoàng Viên. Trong đó có chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng đã được vua Minh Mạng sắc phong Quốc tự vào năm 1825.

Tuy nhiên, dựa trên các tư liệu và nội dung trên các ma nhai, nhóm nghiên cứu đã hé lộ ngôi chùa cổ nhất ở Ngũ Hành Sơn là chùa Thái Bình, nằm ở gò cát dưới chân núi Thủy Sơn, lập từ thời Hồng Đức. Theo Đại đức Thích Không Nhiên, nhóm nghiên cứu căn cứ trên 3 nguồn tư liệu xưa nhất, gồm: ghi chép của Hòa thượng Thạch Liêm Đại Sán trong Hải Ngoại Kỷ Sự, viết năm 1695; nội dung thác bản văn bia chùa Thái Bình (Thái Bình tự thạch bi) - bản dập do Trường Viễn Đông Bác Cổ sao dập, hiện lưu tại Viên Nghiên cứu Hán Nôm - Hà Nội, soạn lập năm 1721; tư liệu chữ Hán Ngũ Hành Sơn Lục biên soạn vào đầu triều Khải Định - 1916.

Cả 3 nguồn tư liệu trên đều cho biết, chùa Thái Bình có từ rất sớm, có thể sớm nhất trong các chùa thuộc vùng Ngũ Hành Sơn, lập từ vua Lê Thánh Tông, do các đoàn di dân Đại Việt từ phía Bắc vào phụng lập. Dưới thời các chúa Nguyễn, chùa được các đời chúa Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Chu cung tiến tiền của, miễn thuế ruộng đất. Tuy nhiên, chùa bị tàn phá dưới thời Tây Sơn.

Ngoài ra, khi nghiên cứu về bia ma nhai Nam Bảo Đài hinh bi ở động Tàng Chơn, nhóm cũng đã phát hiện nhiều điều khá lý thú. Lâu nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Bảo Đài chính là Thiền sư Bảo Đài - vị tổ khai sơn chùa Linh Ứng mà bảo tháp hiện táng bên hông chùa.

Dù tấm bia đã bị đục hết nội dung nhưng rất may, ngay phía dưới mi trán bia vẫn còn lưu lại 5 chữ tiêu đề: Nam Bảo Đài hinh bi. Dựa vào Ngũ Hành Sơn Lục và Đại Nam thực lục thì Bảo Đài là tên gọi một ngôi cổ tự nằm trên ngọn Thủy Sơn, nay chính là chùa Linh Ứng và người sáng lập chùa Bảo Đài chính là thiên sư Pháp Tràng Quang Chánh - một vị sư thuộc chùa Thái Bình.

“Nam Bảo Đài hinh bi” (giữa) và các ma nhai khắc niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) – thời các chúa Nguyễn trên vách động Tàng Chơn, hiện đã bị đục bỏ toàn bộ nội dung. Theo các nhà nghiên cứu, đây là ma nhai tinh xảo và đặc sắc nhất so với tất cả ma nhai đã tìm thấy tại Bắc bộ và Bắc Trung bộ.
“Nam Bảo Đài hinh bi” (giữa) và các ma nhai khắc niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) – thời các chúa Nguyễn trên vách động Tàng Chơn, hiện đã bị đục bỏ toàn bộ nội dung. Theo các nhà nghiên cứu, đây là ma nhai tinh xảo và đặc sắc nhất so với tất cả ma nhai đã tìm thấy tại Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Đồng thời, căn cứ nội dung 2 văn bia do thiền sư Huệ Đạo Minh soạn là Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc (viết năm 1631, hiện nằm trong động Vân Thông) và Phổ Đà Sơn linh trung Phật (viết năm 1640, hiện nằm trong động Huyền Không) thì từ nửa đầu thế kỷ XVII, thiền sư Huệ Đạo Minh đã dựng trên ngọn Thủy Sơn 2 cảnh chùa, đó là chùa Phổ Đà (nằm trong động Huyền Không) và chùa Bình An ở phía dưới.

Rất có thể chùa Bình An này chính là ngôi chùa mà thiền sư Hưng Liên Quả Hoằng đã ở và tu tập và có thể nó cũng chính là tiền thân của chùa Tam Thai được vua Minh Mạng cho trùng tu và chính thức sắc ban tên hiệu “Tam Thai Tự” vào năm 1825 trong lần ngự giá đầu tiên. Sau chuyến đi này, vua Minh Mạng đã lệnh cho tôn tạo Ngũ Hành Sơn, trong đó chủ yếu là xây dựng và sửa sang các chùa chiền, tô tượng, đúc chuông, ban cấp kinh sách...

Ngày nay, chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng vẫn còn lưu giữ một số hiện vật được tạo tác trong thời gian này là hai tấm biển gỗ do vua sắc ban ghi tên chùa. Chùa Tam Thai còn có một tấm biển bằng đồng hình quả tim có tia lửa vòng quanh, mặt trước có những dòng chữ được in rập từ chính ngự bút của vua Minh Mạng. Như vậy, những phát hiện mới này cho thấy từng có sự hiện diện của một số cổ tự, trong đó cổ tự Thái Bình hình thành từ rất lâu đời.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ
 

 

;
;
.
.
.
.
.