Khắc sâu đạo lý "uống nước nhớ nguồn"

.

Trong di sản văn hóa dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý của người Việt Nam. Dù làm gì, ở đâu, mỗi người con đất Việt đều hướng về cội nguồn, tổ tiên với tấm lòng thành kính, tri ân như câu ca xưa: Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba...

Tái hiện “Vua Hùng dạy dân cấy lúa”. (Ảnh Báo Phú Thọ cung cấp)
Tái hiện “Vua Hùng dạy dân cấy lúa”. (Ảnh Báo Phú Thọ cung cấp)

Theo truyền thuyết, Hùng Vương là con của cha Rồng (Lạc Long Quân) và mẹ Tiên (Âu Cơ), đã có công dựng lên nhà nước Văn Lang cổ đại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được các vương triều Lê, Tây Sơn (1788-1802), triều Nguyễn quan tâm cho ghi chép vào sử sách, cấp sắc phong và cấp đất phục vụ cho việc thờ cúng Hùng Vương. Những năm 70 của thế kỷ XX, ngành văn hóa tỉnh Phú Thọ đã tổ chức sưu tầm các truyền thuyết, thần tích về Hùng Vương. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng lần thứ nhất, tạo tiền đề cho việc đầu tư xây dựng nhiều công trình hạng mục trong khu di tích và phát triển cho đến ngày nay.

Hiện cả nước có khoảng 1.417 di tích có thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Vua Hùng, riêng tỉnh Phú Thọ có gần 330 cơ sở thờ cúng Hùng Vương. Không chỉ đồng bào trong nước mà cả kiều bào cũng hướng về quê cha, đất Tổ. Theo thông tin từ Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ, sau 5 năm triển khai, dự án “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu” đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo kiều bào nhiều nước trên thế giới như Đức, Séc, Nga, Áo, Hungary, Mỹ, Canada, Lào, Thái Lan, Nhật, Canada, Ba Lan... Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ hai, năm 2019 được tổ chức tại 5 nước gồm Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Canada và Ba Lan; giống nghi lễ tại Việt Nam, như: dâng hương hướng về đất Tổ, chương trình nghệ thuật tái hiện truyền thuyết về dòng giống con cháu Lạc Hồng... nhằm giới thiệu đến kiều bào, đặc biệt là thế hệ người Việt trẻ về cội nguồn dân tộc Việt Nam.

“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ bó hẹp ở khu vực tỉnh Phú Thọ mà còn có sức lan tỏa ở khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài. Trải qua bao biến động thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng như lớp phù sa lắng đọng và bồi tụ trong tâm thức người Việt, được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ sau, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và cả ý chí của cả dân tộc; tạo thành sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và phát triển”, ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chia sẻ.

Lễ rước kiệu về Đền Hùng. (Ảnh Báo Phú Thọ cung cấp)
Lễ rước kiệu về Đền Hùng. (Ảnh Báo Phú Thọ cung cấp)

Tại Đà Nẵng, đã thành thông lệ, hằng năm, vào ngày Quốc giỗ, hầu hết các đình làng trên địa bàn thành phố tổ chức lễ dâng hương để tưởng nhớ Vua Hùng, tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công khai hoang lập nghiệp và nhắc nhở con cháu đạo lý uống nước nhớ nguồn, như: đình làng Hải Châu (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu), đình làng Hòa An (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), đình làng Thạc Gián (phường Chính Gián, quận Thanh Khê)...

Ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, lễ hội đình làng Hải Châu năm 2019  tiếp tục duy trì nếp truyền thống vốn có, dâng hoa quả, bánh chưng, bánh tét... lên bàn thờ các vị tiền hiền, hậu hiền để tỏ lòng biết ơn. Lễ hội diễn ra trong những ngày giỗ Tổ với mong muốn con cháu tưởng nhớ đến những người có công dựng nước, tưởng nhớ đến các bậc tiền hiền tạo dựng làng ấp; giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta cho người dân, nhất là thế hệ trẻ.

Đà Nẵng hiện chưa có đền thờ Hùng Vương, nhưng vào tháng 8-2018, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Văn hóa Hùng Vương (trực thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã ra mắt Chi nhánh Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Văn hóa Hùng Vương Quảng Nam - Đà Nẵng. Sự ra đời của Trung tâm nhằm góp phần bảo tồn văn hóa-văn minh Hùng Vương, nghiên cứu và phát triển nền văn hóa truyền thống trong nền văn hóa Văn Lang của dân tộc Việt; giáo dục truyền thống, lịch sử dân tộc, cổ vũ tinh thần yêu nước của các thế hệ Việt Nam. Cũng từ đây, Ban Giám đốc chi nhánh đã hình thành ý tưởng xây dựng đền thờ Vua Hùng, tượng Vua Hùng trên mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng thông qua kêu gọi xã hội hóa, để có một nơi con cháu đến tưởng nhớ các Vua Hùng.

Lễ hội đậm nét văn hóa truyền thống

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019 được tổ chức từ ngày 1-3-10-3 âm lịch (tức từ ngày 5-4 đến ngày 14-4) với nhiều hoạt động tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và TP. Việt Trì; 3 tỉnh tham gia góp giỗ: Cần Thơ, Nghệ An, Sơn La. Phần lễ năm nay, gồm: lễ Giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày 10-3 âm lịch; lễ dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong”; lễ rước kiệu về Đền Hùng; lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương...

Nét mới của lễ hội năm nay là Ban tổ chức định hướng, khuyến khích các gia đình trong toàn tỉnh chuẩn bị “mâm cơm tri ân” đầm ấm để tưởng nhớ và tri ân công đức tổ tiên. Cùng với phần lễ, các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức trải dài từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến thành phố Việt Trì. Một số hoạt động nổi bật, gồm: hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng; hội thi bơi Chải truyền thống trên sông Lô; các hoạt động thể dục, thể thao và trò chơi dân gian truyền thống: vật dân tộc, đẩy gậy, bắn nỏ...; hát “Chầu văn”; tái hiện “Vua Hùng dạy dân cấy lúa”; lễ hội văn hóa dân gian đường phố...

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.