Ra đời từ năm 2014, sân khấu Cầu Vồng đã từng bước đi vào lòng công chúng, đặc biệt là thiếu nhi Đà Nẵng với các vở diễn “Những đứa con của rồng”, “Thánh Gióng”, “Giải cứu mặt trăng”, “Siêu anh hùng đại chiến ma vương”... Tuy nhiên, hoạt động của sân khấu khá chật vật khi không có địa điểm tổ chức biểu diễn.
Bên cạnh những vở diễn dài, Sân khấu Cầu Vồng phối hợp Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố xây dựng những tiểu phẩm ngắn với mục đích tuyên truyền. |
Trong buổi trò chuyện mới đây, nghệ sĩ Trần Quang Kỳ, Chủ nhiệm sân khấu Cầu Vồng hồ hởi “khoe” rằng các nghệ sĩ, diễn viên sân khấu Cầu Vồng đang chuẩn bị kế hoạch tập luyện vở kịch lịch sử “Trần Quốc Toản ra quân” và vở kịch mang tính xã hội “Tình cha”. Trong đó, “Trần Quốc Toản ra quân” kỳ vọng là vở diễn phục vụ cho thiếu nhi dịp hè này.
Đây là vở khá thành công nhiều năm qua của sân khấu kịch IDECAF (TP. Hồ Chí Minh), kể về nhân vật anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản trong lịch sử nhà Trần chống quân Nguyên - Mông xâm lược. Dù câu chuyện không mới nhưng cách làm mới đầy tình tiết hài hước, sinh động, vui tươi, hứa hẹn sẽ mang đến cho các em những giờ phút học lịch sử thật bổ ích và vui nhộn.
Dàn diễn viên quen thuộc gồm Huyền Tân, Quốc An, Xuân Phú, Ngọc Linh, Phạm Thảo, Minh Thư, Hoàng Hải... Đây cũng là lứa diễn viên tham gia từ những ngày đầu sân khấu Cầu Vồng bắt tay vào thực hiện những vở kịch cho thiếu nhi dưới sự phối hợp, hỗ trợ của IDECAF TP. Hồ Chí Minh như: “Những đứa con của rồng”, “Thánh Gióng” hay các vở tự viết kịch bản “Giải cứu mặt trăng”, “Siêu anh hùng đại chiến ma vương”.
Trải qua 5 năm, từ việc học hỏi những diễn viên chuyên nghiệp của IDECAF, nhiều diễn viên trẻ của sân khấu Cầu Vồng đã tự rèn luyện cho mình bản lĩnh sân khấu, nét duyên diễn xuất và đặc biệt là giữ đam mê với loại hình nghệ thuật này. Quốc An (1993, quê Tây Nguyên, thành viên sân khấu Cầu Vồng) chia sẻ, từ những ngày còn là học sinh, An đã mê sân khấu nhưng gia đình không muốn con cái đi theo con đường nghệ thuật. Tuy nhiên, An lén ba mẹ học diễn xuất và thi đậu vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh. Cuối cùng, vì nhiều lý do, An đành chọn học Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng). Tại đây, An biết đến sân khấu Cầu Vồng và tìm đến tham gia và gắn bó cho đến bây giờ.
“Tôi nhớ lần đầu tiên diễn vở “Những đứa con của rồng”, tôi vào vai Ghẹ “lác” - đây là vai diễn mà nghệ sĩ Bạch Long đã thể hiện rất thành công, nên có chút lo lắng. Nhưng không ngờ khi lên sân khấu, nhân vật của tôi được các bạn nhỏ vô cùng thích thú. Đến nay, dù diễn kịch không phải là nghề chính, hoạt động của sân khấu Cầu Vồng cũng không thường xuyên nhưng đây là nơi để tôi có thể cháy hết mình với những người có cùng đam mê”, Quốc An nói.
Với Huyền Tân, sân khấu Cầu Vồng chính là nơi giúp cô trưởng thành trong diễn xuất. Hồi đó, khi IDECAF mang dàn diễn viên ra Đà Nẵng chạy vở “Những đứa con của rồng”, cô và các bạn chỉ được tham gia vai quần chúng, quan sát, học hỏi là chính. Sau đó, “Những đứa con của rồng” hoàn toàn do nghệ sĩ, diễn viên Đà Nẵng đảm nhận. Huyền Tân cho biết: “Lúc xem vở diễn thì vai diễn của Lê Khánh là tôi thích nhất. Nhưng để diễn đạt thì cực kỳ khó, bắt chước một phần nhưng cũng một phần sáng tạo cá nhân. Áp lực đó cũng là động lực để tôi không ngừng luyện tập, nhờ đó đảm nhận nhiều vai diễn sau này”.
Sân khấu Cầu Vồng - từ sân chơi dành cho các bạn trẻ đam mê sân khấu kịch gồm các diễn viên không chuyên, sinh viên, cựu sinh viên của các trường chuyên ngành sân khấu hoặc những em có năng khiếu kịch đến từ các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn thành phố, đến nay, thu hút các nghệ sĩ, diễn viên trưởng thành từ các đoàn dân ca và kịch nói Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây như: Trọng Tĩnh, Nguyễn Phàn, Phạm Đức...
Theo nghệ sĩ Trần Quang Kỳ, tập hợp những nghệ sĩ, diễn viên là điều không dễ nhưng họ đã làm được. Đáng tiếc là không có một địa điểm cố định để biểu diễn phục vụ người dân và thiếu nhi Đà Nẵng - vốn đang rất “khát” loại hình này.
“Giá vé chúng tôi dự kiến chỉ vài chục ngàn đồng, vừa phải với túi tiền của người dân Đà Nẵng nên rất khó để vào diễn ở Nhà hát Trưng Vương hay các địa điểm khác. Nay sân khấu Cầu Vồng trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố nên chúng tôi cũng đề xuất sử dụng hội trường của Trung tâm để làm sân khấu nhỏ, phục vụ người dân, đặc biệt là thiếu nhi. Mong muốn làm điều gì đó để không phải đợi đến hè, đến Ngày Quốc tế Thiếu nhi, đến Trung thu, trẻ em Đà Nẵng mới có dịp thưởng thức các chương trình “Ngày xửa, ngày xưa”, mà là dịp cuối tuần, cuối tháng, có thể đến xem”, ông Kỳ trải lòng.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ