Chương trình nghệ thuật mới 'Hồn Việt': Nỗ lực của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh

.

Mới đây, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã có buổi báo cáo chương trình nghệ thuật truyền thống mang tên“Hồn Việt”. Sau báo cáo và tiếp thu các góp ý, chương trình nghệ thuật mới này sẽ được hoàn thiện đưa vào phục vụ du khách trong thời gian tới. Đây được coi là nỗ lực của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trong việc tăng sức hút chương trình hoạt động để sân khấu sáng đèn hằng đêm.

Vừa trở về sau Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc vào tháng 5-2019 tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh bắt tay vào tập luyện để báo cáo chương trình nghệ thuật mới mang tên “Hồn Việt”. Đây là chương trình nghệ thuật gồm các tiết mục nghệ thuật truyền thống hấp dẫn như: độc tấu đàn đá, độc tấu đàn bầu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, múa truyền thống, múa Chăm (Apsara, Bến nước tình yêu), các trích đoạn tuồng chọn lọc mẫu mực, giới thiệu nghệ thuật hóa trang trong sân khấu tuồng… Phần mở màn giới thiệu tóm tắt nội dung chương trình bằng song ngữ Anh - Việt; mỗi tiết mục của chương trình nghệ thuật sẽ có bản dịch tiếng Anh, tiếng Hàn và tiếng Trung dành cho khán giả là du khách nước ngoài thông qua tập gấp giới thiệu.

Tham gia trích đoạn tuồng “Nguyệt Cô hóa cáo” trong chương trình biểu diễn này, nghệ sĩ Thanh Tuyền chia sẻ, đây là một vở tuồng kinh điển trong nghệ thuật tuồng. Bản thân chị đã đảm nhận vai diễn Nguyệt Cô từ năm 2012. Tuy nhiên, với trích đoạn này, chị diễn tả tâm trạng giằng xé, đau đớn của Nguyệt Cô (vốn là một con cáo, hàng ngàn năm tu luyện đã trở thành người) sau khi bị mất viên ngọc quý, không còn phép thần nữa và dần dần trở lại nguyên hình loài cáo vẫn luôn đưa lại trong chị nhiều cảm xúc khó tả.

“Chỉ trong vòng 8 phút để diễn tả cho khán giả hiểu và cảm nhận được nội dung của trích đoạn là vô cùng khó. Nhưng tôi cho rằng đây là một trích đoạn hay, là sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố hát, múa, âm nhạc, diễn xuất của người nghệ sĩ, đặc biệt là vũ đạo tuồng. Nghệ thuật vốn không có biên giới, bằng sự tâm huyết, kỹ năng được rèn luyện, tôi hy vọng sẽ mang đến tiết mục mới lạ, có sức hấp dẫn với khán giả, nhất là khán giả nước ngoài”, nghệ sĩ Thanh Tuyền cho biết.

Trong khi đó, nghệ sĩ Thái Văn Nga tham gia trích đoạn “Ông già cõng vợ đi xem hội” cũng khá hào hứng bởi đây là trích đoạn từ năm 2014 đến nay được nhà hát biểu diễn phục vụ người dân và du khách tại sân khấu bờ đông cầu Sông Hàn và được đón nhận nồng nhiệt.

“Các nghệ sĩ, diễn viên nhà hát đang nỗ lực hết mình để chương trình hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Sau khi tham gia Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc, chúng tôi quay về khổ luyện, dù các vai đã diễn đi diễn lại nhiều lần nhưng vẫn phải tập trung tốt nhất”, anh Nga nói thêm.

Theo ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, từ năm 2010, nhà hát xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống “Bức tranh quê” phục vụ du khách định kỳ vào lúc 19 giờ 30 tối thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần, được du khách đánh giá khá cao về chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên, từ năm 2015, lượng khách giảm dần, năm 2017 và 2018 thì chỉ còn số khách lẻ, các công ty du lịch không còn đưa khách đến.

Nguyên nhân, theo ông Tuấn là do Đà Nẵng có nhiều dịch vụ giải trí mới ra đời (du thuyền về đêm, một số chương trình nghệ thuật của các đơn vị tư nhân ra đời), du khách có nhiều sự lựa chọn; đồng thời chính sách chiết khấu phần trăm giá vé với các đơn vị lữ hành cũng hấp dẫn hơn. Giá vé 50 nghìn đồng/người của nhà hát là quá thấp nên không thể có chính sách kinh tế tốt với các công ty du lịch. Việc phân luồng giao thông, việc cấm đậu, đỗ ô-tô cũng ảnh hưởng  đến việc đưa, đón khách đến với nhà hát…

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phục vụ du khách trong và ngoài nước. Tham khảo từ nhiều nguồn, nhà hát bắt tay xây dựng “Hồn Việt”.

“Hồn Việt” là một chương trình nghệ thuật tổng hợp đặc sắc, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, dựa trên nền tảng của nghệ thuật truyền thống Việt Nam và nòng cốt là nghệ thuật Tuồng xứ Quảng để phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, trong đó có cả khách du lịch quốc tế nhằm quảng bá nghệ thuật truyền thống của địa phương với tiêu chí truyền thông “Đã đến phải xem”. Sau buổi báo cáo, chúng tôi sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp để hoàn thiện, mang đến một chương trình biểu diễn chất lượng, đặc sắc phục vụ du khách”, ông Trần Ngọc Tuấn cho biết.

NGỌC HÀ
 

;
;
.
.
.
.
.