Bảo tàng Điêu khắc Chăm: Chưa bao giờ thôi hấp dẫn du khách

.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng ngày nay là công trình kiến trúc độc đáo, chứa đựng giá trị văn hóa, lịch sử, trở thành biểu tượng văn hóa đầy tự hào của người dân Đà Nẵng. Và để có thành tựu ấy là một quá trình chắt chiu của bao thế hệ qua hơn 100 năm...

Đông đảo khách tham quan đến bảo tàng, trong đó có cả học sinh, sinh viên.
Đông đảo khách tham quan đến bảo tàng, trong đó có cả học sinh, sinh viên.

Hướng đến kỷ niệm 100 năm bảo tàng mở cửa khánh thành trưng bày lần đầu tiên (1919 - 2019), Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vừa đưa vào hoạt động không gian trưng bày ảnh “100 năm xây dựng và phát triển”, với 250 ảnh tư liệu được sưu tầm từ nhiều nguồn, đưa khách tham quan ngược về quá khứ vào thời điểm người Pháp mang những hiện vật đầu tiên về công viên Tourane (Đà Nẵng) trước khi xây dựng bảo tàng vào năm 1915.

Ở đây, hình ảnh tòa nhà và phòng trưng bày bảo tàng ban đầu, nhà kho bảo quản hiện vật; các vị khách đầu tiên đến tham quan, cách thức vận chuyển và bảo quản hiện vật khi đưa hiện vật về bảo tàng gian đoạn 1916 - 1935; quá trình cải tạo, mở rộng bảo tàng qua các giai đoạn 1935-1936, 2002-2009, 2016-2017... đều được tái hiện sinh động. Phòng trưng bày còn giới thiệu các hoạt động chuyên môn tiêu biểu của bảo tàng như: sưu tầm, bảo quản, phục chế, trưng bày hiện vật; giáo dục, truyền thông, quảng bá, hợp tác quốc tế...

Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho rằng, yếu tố cần thiết đầu tiên của một bảo tàng chính là giới thiệu cho được lịch sử hình thành và phát triển để khách tham quan có thể hiểu được sự dày công của bao thế hệ; đặc biệt là công lao của người Pháp trước đó và người Việt sau này mới hình thành công trình kiến trúc đồ sộ và số lượng hiện vật phong phú, độc đáo như ngày nay.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm được người Pháp xây dựng vào năm 1915, đến năm 1919, lần đầu tiên, Bảo tàng mở cửa trưng bày với 160 cổ vật. Việc thu thập những tác phẩm điêu khắc Chăm bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XIX là công lao của những người Pháp như ông Charies Lemire, Công sứ Pháp tại Quảng Nam, ông Henri Parmentier, nhà khảo cổ học người Pháp...

Hiện, bảo tàng sở hữu hơn 2.000 hiện vật lớn nhỏ; trong đó, có 288 hiện vật đang trưng bày bên trong nhà bảo tàng, 187 hiện vật trưng bày ngoài sân vườn và hơn 1.200 hiện vật lưu giữ trong kho. Đặc biệt nơi đây hiện trưng bày, bảo quản bốn Bảo vật quốc gia, gồm: Đài thờ Trà Kiệu, Đài thờ Mỹ Sơn E1, Tượng Bồ tát Tara/Avalokiteshvara và Đài thờ Đồng Dương.

Để nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đáp ứng nhu cầu của công chúng, mới đây, Bảo tàng Điêu khắc Chăm áp dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật gồm thiết bị trình chiếu 3D Hologram. Thông qua thiết bị này, khách tham quan có thể quan sát được hiện vật dưới bất kỳ góc nhìn nào và được nghe thuyết minh cụ thể về hiện vật đó. Đến nay, bảo tàng mới áp dụng với một vài hiện vật và sử sụng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh để thuyết minh. Thời gian tới, bảo tàng sẽ tiếp tục bổ sung thêm nhiều hiện vật và ngôn ngữ, đặc biệt đưa hình ảnh tháp Chăm vào trình chiếu.

Ngoài ra, bảo tàng cũng mới đưa vào sử dụng hệ thống thiết bị audio guide (hướng dẫn bằng âm thanh). Bằng điện thoại smart phone, du khách chỉ cần truy cập vào đường dẫn của bảo tàng và thực hiện thao tác quét mã vạch có sẵn thì hình ảnh, âm thanh, video, văn bản có nội dung liên quan đến hiện vật sẽ hiện lên đầy đủ với ba ngôn ngữ Việt, Anh và Pháp. Hiện có 70 hiện vật trưng bày tại bảo tàng đã được lắp đặt mã vạch để khách du lịch có thể chủ động nghe giới thiệu bảo tàng Chăm Đà Nẵng và các hiện vật trưng bày tại đây.

“Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tiếp biến của thời gian, những giá trị về văn hóa, khảo cổ mà Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đang trưng bày, lưu giữ, chưa bao giờ thôi hấp dẫn người dân, du khách. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi bằng lòng, những năm qua, cán bộ, nhân viên Bảo tàng Điêu khắc Chăm không ngừng nỗ lực giữ gìn, phát huy giá trị để bảo tàng là điểm văn hóa đặc trưng của Đà Nẵng”, ông Hồ Tấn Tuấn chia sẻ.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.