Tôn vinh những nghệ sĩ cống hiến cho nghệ thuật

.

Mới đây, Đà Nẵng có 4 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) và Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT). Đó là NSND Huỳnh Văn Hùng (Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng) và 3 NSƯT Nguyễn Thị Thanh Tiền, Tô Văn Kỳ, Hồ Đức Dũng đang công tác tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Đây là sự tôn vinh kịp thời cho những cống hiến của các nghệ sĩ đối với sự phát triển văn hóa, nghệ thuật của thành phố.

NSND Huỳnh Văn Hùng (bìa phải) cùng các cộng sự trong các chuyến đi thực tế làm phim.
NSND Huỳnh Văn Hùng (bìa phải) cùng các cộng sự trong các chuyến đi thực tế làm phim.

1. Trong lĩnh vực phim tài liệu, cái tên Huỳnh Hùng (bút danh của NSND Huỳnh Văn Hùng) đã trở nên quá quen thuộc, khi ông là tác giả và đồng tác giả của nhiều bộ phim tài liệu xuất sắc được trình chiếu trên sóng truyền hình quốc gia như:

Người giữ thành Hà Nội, Con mắt còn có đuôi, Sông núi khắc tên, Trang đời huyền thoại, Nhớ đảo, Một tấm gương - Một tấm lòng, Người cháu gái cụ Phan... Huỳnh Hùng từng đoạt trên 20 giải thưởng ở Trung ương, trong đó có 5 Huy chương Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc, 2 giải Nhất Báo chí quốc gia, 3 giải B Báo chí quốc gia, 4 giải Cánh Diều của Hội Điện ảnh
Việt Nam...

Chia sẻ về các tác phẩm của mình, NSND Huỳnh Văn Hùng cho biết, hầu hết các tác phẩm ra đời khi ông đang công tác tại Đài Truyền hình Đà Nẵng, nay là VTV8 và Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng. Dù ở cương vị quản lý nhưng với niềm đam mê về phim tài liệu, nhất là phim về danh nhân đất Quảng, nên hễ có thời gian rảnh là ông lại đọc tài liệu, viết kịch bản và xắn tay cùng cộng sự vác máy quay lên đường. Phim tài liệu có sức hút mạnh mẽ đối với Huỳnh Hùng bởi theo ông đây là thể loại phản ánh người thực, việc thực, không tô vẽ, không hư cấu.

Theo NSND Huỳnh Hùng, cuộc sống  đa dạng là chất liệu vô tận để làm phim. Tuy nhiên, để làm được một bộ phim tài liệu có sức lay động lòng người, trước hết người làm phim phải có vốn sống phong phú, nền tảng văn hóa cơ bản và điều quan trọng là phải có chính kiến, bản lĩnh, đôi khi là cả sự dấn thân và lòng dũng cảm. Dũng cảm nhìn thẳng vào vấn đề, dũng cảm nói lên sự thật.

“Chẳng hạn, trong phim “Nhớ đảo”, chúng tôi mạnh dạn ca ngợi một số người lính chiến đấu dũng cảm bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, trong phim “Con mắt còn có đuôi”, chúng tôi ca ngợi nhà văn, nhà báo Phan Khôi đã có công lao khai sinh phong trào thơ mới, có đóng góp xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc mặc dù ông từng bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn Việt Nam...”, NSND Huỳnh Văn Hùng chia sẻ.

Có thể nói, cùng với các đạo diễn như Đoàn Huy Giao, Hồ Trung Tú, Trí Trung..., đạo diễn Huỳnh Văn Hùng đã góp phần tạo vị thế cho phim tài liệu Đà Nẵng so với cả nước; đặc biệt, những bộ phim về những anh hùng xả thân bảo vệ Tổ quốc, những danh nhân có công mở cõi, dựng nước, khai dân trí... dưới góc nhìn khá mới mẻ, độc đáo.

2. Trong đợt phong tặng lần này, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh có 3 nghệ sĩ được phong tặng NSƯT là Nguyễn Thị Thanh Tiền, Tô Văn Kỳ, Hồ Đức Dũng. Cả 3 nghệ sĩ đều là diễn viên của nhà hát, có nhiều đóng góp cho nghệ thuật tuồng (trong đó, nghệ sĩ Hồ Đức Dũng vừa mới nghỉ hưu theo chế độ).

Đón nhận thông tin này, NSƯT Tô Văn Kỳ không giấu được sự xúc động. Sinh ra trong gia đình có truyền thống về nghệ thuật tuồng, vốn là con của NSƯT Tô Văn Hội, năm 20 tuổi, Tô Văn Kỳ đầu quân về Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, vừa làm vừa học nghề của các bậc cha chú, tham gia các lớp học do thầy Hoàng Châu Ký giảng dạy. Cứ thế 35 năm qua, nghệ sĩ Tô Văn Kỳ miệt mài cống hiến cho nghệ thuật tuồng với các vai kép trắng, kép đỏ.

Nghệ sĩ Tô Văn Kỳ đoạt nhiều giải thưởng trong các hội thi, hội diễn nghệ thuật truyền thống như: Huy chương Bạc do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tặng tại Hội thi tiếng hát hay sân khấu truyền thống toàn quốc năm 1992; Huy chương Bạc  do Bộ Văn hóa - Thông tin tặng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995 cho vai diễn Trần Liễu trong vở “Lịch sử hãy phán xét”; Huy chương Bạc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng tại cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca Kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010 cho vai diễn Lê Hoài Vương trong vở “Dời đô”; Giải Bạc do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tặng tại “Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ” năm 2015 cho vai diễn Xích Phạm trong vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn”; Huy chương Vàng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng tại cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca Kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016 cho vai diễn Thoại Ngọc Hầu trong vở “Phúc thần Thoại Ngọc Hầu”...

“Trải qua hàng trăm vai diễn trong cuộc đời, nhưng vai diễn tôi ấn tượng nhất là vai Lục Vân Tiên, bởi đây chính là vai do trực tiếp ba tôi chỉ dạy. Với tôi, nghệ thuật tuồng đã thấm vào máu. Được phong tặng NSƯT, tôi vô cùng cảm kích vì nỗ lực đã được ghi nhận”, nghệ sĩ Tô Văn Kỳ nói.

Nguyệt cô hóa cáo là trích đoạn tuồng đặc sắc do nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn; trong đó, nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Tiền (ngồi) trong vai Nguyệt cô hóa cáo.
Nguyệt cô hóa cáo là trích đoạn tuồng đặc sắc do nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn; trong đó, nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Tiền (ngồi) trong vai Nguyệt cô hóa cáo.

Trong khi đó, danh hiệu NSƯT là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp cho nữ diễn viên tuồng Nguyễn Thị Thanh Tiền; đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, chị gặt hái thành công, nhận được nhiều giải thưởng cao trong các vai diễn. Cụ thể, Thanh Tiền được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng giải Nhì tại cuộc thi “Tài năng trẻ sân khấu Tuồng, Chèo toàn quốc 2007” cho vai diễn Đắc Kỷ trong vở “Trầm hương các”; Huy chương Bạc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng tại Liên hoan nghệ thuật Tuồng truyền thống  toàn quốc năm 2011 cho vai diễn Vương Hoài Nữ trong vở “Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu”; Huy chương Bạc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng tại cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca Kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 cho vai diễn Hoàng tiểu thư trong vở “Hoàng Diệu”; Giải Vàng do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tặng tại “Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ” năm 2015 cho vai diễn Thoại Khanh trong vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn”; Huy chương Vàng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng tại cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca Kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016 cho vai diễn Thúy Thanh trong vở “Phúc thần Thoại Ngọc Hầu”...

Mới đây nhất, Thanh Tiền vào vai Nguyệt Cô trong trích đoạn tuồng “Nguyệt Cô hóa cáo” được giới chuyên môn đánh giá cao về vũ đạo cũng như khả năng diễn xuất. Hiện nay, Thanh Tiền được xem là một trong những diễn viên giỏi nghề, lấp khoảng trống do thế hệ trước để lại.

Là thế hệ diễn viên lâu năm của nhà hát, gắn bó với nghệ thuật tuồng nhiều năm, nghệ sĩ Hồ Đức Dũng (1956) chứng kiến nhiều thăng trầm của nghệ thuật tuồng. Nhưng với anh, được đứng trên sân khấu, thể hiện niềm đam mê đã là niềm hạnh phúc.

Trong sự nghiệp của mình, Hồ Đức Dũng đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý như: Huy chương Bạc do Bộ Văn hóa tặng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp năm 1985 cho vai diễn Nguyễn Thân trong vở Tuồng “Nguyễn Duy Hiệu”; Huy chương Vàng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp năm 1990 cho vai diễn Triệu Đà trong vở tuồng “Mỵ Châu - Trọng Thủy”; Huy chương Vàng do Cục Nghệ thuật biểu diễn tặng tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995 cho vai diễn Quan thị vệ trong vở  Tuồng “Lịch sử hãy phán xét”...

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.