Xây dựng nét đẹp văn hóa người Đà Nẵng

.

Trong những năm gần đây, xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh được Đà Nẵng xác định là một trong những yếu tố bảo đảm sự phát triển bền vững và thắng lợi trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển văn hóa của thành phố.

Tủ bánh mì và nước uống miễn phí cũng là hành động đẹp về sẻ chia của người dân Đà Nẵng. Ảnh: H.T
Tủ bánh mì và nước uống miễn phí cũng là hành động đẹp về sẻ chia của người dân Đà Nẵng. Ảnh: H.T

Không phải ngẫu nhiên mà danh xưng “thành phố đáng sống” được nhiều người truyền nhau khi nói về thành phố Đà Nẵng. Đó là cả một chặng đường dài phát huy, nhân rộng bản chất thân thiện, mến khách vốn có của người xứ Quảng và từng bước xây dựng lối sống văn hóa, văn minh đô thị của chính quyền và nhân dân Đà Nẵng. Không khó để nhận thấy, tại thành phố này mỗi ngày lại chuyển tải những câu chuyện đẹp về cuộc sống. Đó là hình ảnh những quầy hàng, tủ quần áo, vật dụng dành cho người nghèo xuất hiện tại nhiều nơi trên hè phố Đà Nẵng. Người ủng hộ đến tự nguyện đặt quần áo đã giặt sạch sẽ vào tủ đồ. Người đến nhận cứ thoải mái chọn lựa, đem về. Người nhận là người dân ở bất cứ ở đâu, thuộc bất cứ đối tượng nào.

Đó là hình ảnh những quán cơm 2.000 đồng, 5.000 đồng được mở ra để phục vụ cho người dân lao động nghèo; hay những bữa cơm từ thiện được mang đến cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện trong thành phố; những thùng trà đá, tủ bánh mì miễn phí trên các tuyến đường trung tâm thành phố… Đó là hình ảnh những anh tài xế, người dân trả lại của rơi cho du khách. Hay đơn giản là hình ảnh những nhiếp ảnh gia, những người làm du lịch lặng lẽ nhặt rác ở bán đảo Sơn Trà để trả lại môi trường xanh - sạch - đẹp…

Ông Nguyễn Văn C. (một người sửa giày dép ở góc đường Hùng Vương - Ngô Gia Tự) tâm sự, những suất cơm giá rẻ không chỉ góp phần giảm gánh nặng chi tiêu của những người lao động có cuộc sống còn nhiều khó khăn mà là cử chỉ đẹp, cho thấy tình người vẫn ấm áp giữa những xô bồ, những tính toán hơn thua…

Trong những lần trao đổi, ông Nguyễn Hữu C. (nguyên lãnh đạo ngành văn hóa) cũng cho rằng, đi nhiều tỉnh, thành, điều tự hào về những gì Đà Nẵng làm được đối với việc thực hiện văn hóa - văn minh đô thị là gần như xóa được quảng cáo rao vặt, phát tờ rơi trái phép.

Kết quả trên có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân thành phố. Trước hết, phải kể đến sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền Đà Nẵng. Cụ thể, Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản quan trọng làm nền tảng cho việc xây dựng con người Đà Nẵng phát triển toàn diện như: Chỉ thị số 43-CT/TU về “Năm văn hóa, văn minh đô thị”; Quyết định số 2526-QĐ/TU về thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”, Kế hoạch số 1692/KH-UBND về triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Đề án xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị trên địa bàn thành phố năm 2018, Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 5-11-2018 của UBND thành phố về việc chấn chỉnh và tăng cường hiệu lực công tác quản lý hoạt động quảng cáo rao vặt, Quyết định số 6429/QĐ-UBND ngày 29-12-2018 về hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn thành phố Đà Nẵng…

Thành phố cũng ban hành các tiêu chí, cụ thể hóa tiêu chuẩn bình bầu “Người tốt, việc tốt” trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; giao Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì biên soạn “Sổ tay văn hóa Người Đà Nẵng thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” làm cẩm nang tuyên truyền và phát hành đến từng tổ dân phố…

Đây là những văn bản, việc làm quan trọng định hướng và hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả việc xây dựng văn hóa con người Đà Nẵng phát triển toàn diện, hướng tới chân, thiện, mỹ.

“Hãy lấy những gì bạn cần và cho những gì bạn có” là thông điệp tại các quầy, tủ quần áo cũ tại Đà Nẵng. Đây là hành động đẹp về sự sẻ chia.
“Hãy lấy những gì bạn cần và cho những gì bạn có” là thông điệp tại các quầy, tủ quần áo cũ tại Đà Nẵng. Đây là hành động đẹp về sự sẻ chia.

Là đơn vị chủ lực trong xây dựng văn hóa Đà Nẵng, Sở Văn hóa - Thể thao thành phố cho biết, từ năm 2016, toàn bộ hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở các cấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được quy hoạch, các thiết chế văn hóa thể thao tại xã, phường dần hoàn thiện bảo đảm đến năm 2020, thành phố Đà Nẵng có 80% phường, xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và 20% xã, phường còn lại có thiết chế nhà văn hóa.

Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố được chú trọng, hầu hết các di tích bị xuống cấp đã được trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị. Từ năm 2014-2018, thành phố đã đầu tư 179,9 tỷ đồng cho công tác trùng tu di tích. Cùng với đó các hoạt động văn hóa lễ hội, văn hóa tâm linh được quan tâm và người dân nhiệt tình hưởng ứng. Các lễ hội đình làng, lễ hội tôn giáo được tổ chức ngày càng quy mô nhưng đi vào nền nếp, có nét mới nhưng vẫn bảo đảm nội dung ý nghĩa truyền thống, đáp ứng nguyện vọng tâm linh của người dân. Ngoài ra, ngành Văn hóa - Thể thao đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Bài chòi, Lễ hội cầu Ngư, Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng…

Đối với công tác gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao đã triển khai các hoạt động về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, theo dõi, hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai. Lồng ghép công tác gia đình với việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị thông qua đẩy mạnh hiệu quả các danh hiệu “gia đình văn hóa”, “thôn văn hóa”, “khối phố văn hóa”, “phường - xã văn hóa”, “cơ quan, đơn vị văn hóa”, “tộc họ văn hóa”...

Trên cơ sở kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, Đà Nẵng đang từng bước xây dựng và hình thành những công dân có lối sống tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; khẳng định bản sắc văn hóa của người Đà Nẵng: năng động, sáng tạo, thân thiện và có nếp sống văn minh đô thị.

HÀ THU

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.