Phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng

.

Những năm qua, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn quận Thanh Khê phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Một tiết mục biểu diễn tại đêm chung kết hội thi Giọng hát hay quận Thanh Khê mở rộng lần thứ nhất.
Một tiết mục biểu diễn tại đêm chung kết hội thi Giọng hát hay quận Thanh Khê mở rộng lần thứ nhất.

Nhân các ngày lễ lớn hằng năm, 10 phường trên địa bàn quận Thanh Khê tổ chức và tham gia  các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; các hội diễn văn nghệ hay liên hoan, hội thi... Hạt nhân phong trào thường đến từ các hội, đoàn thể như Hội LHPN, Đoàn Thanh niên... Thông qua hoạt động nghệ thuật quần chúng, một số nhân tố được phát hiện và đóng góp vào lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cho thành phố. Đơn cử như trường hợp nghệ sĩ Huyền Tân. Trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng của phường Xuân Hà, Huyền Tân được NSƯT Đỗ Linh phát hiện, đào tạo và đến nay trở thành nghệ sĩ hoạt động sôi nổi trong phong trào nghệ thuật của thành phố.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào nghệ thuật quần chúng, năm 2019, Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Thanh Khê tổ chức hội thi Giọng hát hay quận Thanh Khê mở rộng lần thứ nhất. Đây là cuộc thi mà đối tượng dự thi không gói gọn ở địa phương mà mở rộng cho công dân thành phố Đà Nẵng hoặc đang học và làm việc tại các trường, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có độ tuổi từ 16 đến 32. Cuộc thi được tổ chức khá bài bản, các thí sinh được tuyển chọn qua 3 vòng: sơ loại, chung khảo, chung kết xếp hạng ở hai dòng nhạc thính phòng và nhạc nhẹ. Nhạc sĩ Trương Duy Huyến, Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố, thành viên ban giám khảo cho biết, đây là lần đầu tiên ông làm giám khảo hội thi giọng hát hay cấp quận nhưng tổ chức rất quy mô, chu đáo và bài bản. Lượng thí sinh tham gia đông đảo với gần 100 người không chỉ ở Đà Nẵng mà đến từ các tỉnh, thành như Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Nhiều giọng ca triển vọng, chất lượng.

Tham gia cuộc thi, thí sinh Đỗ Thị Phương Thanh (sinh năm 1991, hiện sinh sống tại quận Cẩm Lệ) cho hay, chị cũng thường tham gia phong trào văn nghệ ở cơ sở; tuy nhiên các cuộc thi lớn nên chị khá e dè. Một hôm, tình cờ đọc được thông tin hội thi Giọng hát hay quận Thanh Khê, không giới hạn đối tượng dự thi, nghĩ là hội thi cấp quận vừa sức của mình nên chị đã tham gia. “Dù là cuộc thi cấp quận nhưng tôi thấy các thí sinh chuẩn bị, đầu tư tiết mục khá kỹ. Đó là áp lực nhưng cũng là động cơ để tôi quyết tâm hơn với phần thi của mình. Kết quả tôi được giải nhì. Cuộc thi thật sự đã tạo sân chơi cho những người yêu thích ca hát, khích lệ tinh thần để đóng góp nhiều hơn phong trào văn nghệ quần chúng”, Phương Thanh chia sẻ.

Ông Hồ Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Thanh Khê cho biết, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng góp phần rất lớn vào việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Trong bối cảnh phương tiện truyền thông đa dạng, các chương trình ca nhạc được tổ chức thường xuyên hơn thì để thu hút người dân đến các buổi biểu diễn nghệ thuật quần chúng cần phải đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng nghệ thuật. Do đó, hội thi Giọng hát hay quận Thanh Khê mở rộng lần thứ nhất ngoài mục đích phát hiện những giọng ca tiềm năng và tạo sân chơi cho những giọng ca trẻ có cơ hội thể hiện tài năng ca hát, còn là dịp thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng phát triển, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
;
.
.
.
.
.