Bảo tồn nghệ thuật điêu khắc Cơ tu

.

Người Cơ tu có một loại hình nghệ thuật đặc sắc thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của đồng bào về vũ trụ, vạn vật cũng như khát vọng lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của dân tộc mình. Đó là nghệ thuật điêu khắc gỗ. Để bảo tồn loại hình nghệ thuật này, thời gian qua, bên cạnh công tác sưu tầm của Bảo tàng Đà Nẵng, UBND huyện Hòa Vang đã tổ chức trại điêu khắc, lớp khôi phục nghề điêu khắc...

Tác phẩm “Thổi tù và” của nghệ nhân Cơ-lâu Vê (xã Lăng, huyện Tây Giang) tại trại sáng tác điêu khắc tượng gỗ người Cơtu năm 2019.  					              Ảnh: NGỌC HÀ
Tác phẩm “Thổi tù và” của nghệ nhân Cơ-lâu Vê (xã Lăng, huyện Tây Giang) tại trại sáng tác điêu khắc tượng gỗ người Cơtu năm 2019. Ảnh: NGỌC HÀ

Năm 2019, UBND huyện Hòa Vang phối hợp với Khu du lịch sinh thái Suối Hoa (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) lần đầu tiên tổ chức trại sáng tác điêu khắc tượng gỗ người Cơ tu, thu hút nhiều nghệ nhân là đồng bào Cơ tu từ các huyện Tây giang, Đông Giang và Nam Giang - những nơi còn lưu giữ gần như nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống và một số nghệ nhân tiêu biểu ở huyện Hòa Vang.

Tại trại điêu khắc, các nghệ nhân trình diễn kỹ thuật chọn cây, phác thảo và chế tác để cho ra 45 tác phẩm điêu khắc gồm các thể loại: huyền thoại, truyền thuyết, tín ngưỡng, chân dung, đời sống văn nghệ, lao động sản xuất và muông thú... Theo đánh giá của ban tổ chức, các tác phẩm tạo nên những sắc thái và dấu ấn riêng, những yếu tố bất ngờ nhưng mộc mạc, chân chất, tạo được sự đồng cảm và chia sẻ giữa nghệ nhân với công chúng. Tiêu biểu như tác phẩm “Mẹ rừng” của nghệ nhân Bhriu Pố (Tây Giang) với sự sâu thẳm về triết lý sống, triết lý ứng xử với tự nhiên; tác phẩm Jơrâm (Con chó) - nói về thủy tổ của người Cơ tu... Nhiều tác phẩm tuy không phản ánh tư duy triết lý nhưng vui nhộn và giàu tính thẩm mỹ như tác phẩm “Chim bồ cành”, “Đôi bạn tắc kè hoa và vượn cáo” của nghệ nhân Klâu Nhím (Đông Giang), tác phẩm “Hổ săn mang”, “Gấu khát mật” của Ating Nay (Đông Giang); tác phẩm “Đấu tỏn” của nghệ nhân Alăng Blêu (Đông Giang); tác phẩm “Thổi khèn” của Jơrâm Thếp (Tây Giang)...

Nói về nghệ thuật điêu khắc gỗ của đồng bào Cơ tu, nghệ nhân Klâu Nhím (65 tuổi, đến từ huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ, nghệ thuật điêu khắc của người Cơ tu có từ lâu đời, người Cơ tu điêu khắc gỗ để trang trí trong các Gươl làng (nhà cộng đồng), trong từng mái nhà của các gia đình hoặc nhà mồ. Với những dụng cụ đơn sơ như rựa, rìu, đục..., các nghệ nhân người Cơ tu đã khéo léo đục đẽo nên những bức tranh gỗ, những bức tượng đầy màu sắc và cực kỳ sinh động, thể hiện nội dung về con người, loài vật, lao động, sản xuất, những sinh hoạt cộng đồng, lễ hội...

Chia sẻ thêm về công tác bảo tồn điêu khắc gỗ đồng bào Cơ tu, ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, cộng đồng người Cơ tu ở Hòa Vang hiện nay có khoảng 1.200 người, sống ở 3 thôn: Tà Lang, Giàn Bí của xã Hòa Bắc và thôn Phú Túc của xã Hòa Phú. Trong quá trình sinh sống, đồng bào Cơ tu đã không ngừng sáng tạo, bảo tồn và phát triển những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc trong đời sống sinh hoạt của dân tộc mình.

Tuy nhiên, do tốc độ phát triển kinh tế nhanh, sự chuyển đổi cơ cấu lao động, ngành nghề, cộng với sự phát triển của truyền thông đại chúng khiến quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa diễn ra mạnh mẽ, trên diện rộng đã tạo ra những đứt gãy và biến đổi sâu sắc về diện mạo, bản sắc của cộng đồng người Cơ tu. Bên cạnh đó, sự phát triển không đồng đều về quy mô dân số, điều kiện sống và không gian cư trú... đã trở thành rào cản, gây khó khăn cho việc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào. Có thể nói, di sản văn hóa người Cơ tu ở Hòa Vang hiện nay đang đứng trước thách thức do sự phát triển kinh tế - xã hội đem lại, đặt ra yêu cầu đối với chính quyền huyện Hòa Vang trong việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Vì vậy, trong suốt 16 năm qua, UBND huyện Hòa Vang đã không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng đời sống văn hóa, dựng lại các nhà Gươl, tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao và hỗ trợ phục dựng lễ hội truyền thống, mở ra sân chơi giao lưu, trình diễn và thực hành văn hóa... “Trại sáng tác nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ người Cơ tu năm 2019 là một trong những hoạt động mới trong chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của người Cơ tu. Hoạt động làm sống lại loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của người Cơ tu; qua đây, huyện Hòa Vang mong muốn hình thành trên địa bàn huyện khu công viên vườn tượng, góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá một loại hình nghệ thuật, một nét đẹp trong đời sống văn hóa người Cơ tu”, ông Đỗ Thanh Tân chia sẻ.

Cũng theo ông Đỗ Thanh Tân, cuối năm 2019 và trong năm 2020, UBND huyện Hòa Vang triển khai “Chương trình quà tặng của Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho đồng bào dân tộc Cơ tu”. Đó là khóa học về đào tạo, truyền nghề điêu khắc gỗ truyền thống của người Cơ tu với kinh phí khoảng 200 triệu đồng. Đây cũng được coi là một trong những giải pháp bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Từ khoảng thập niên 80 đến nay, Bảo tàng Đà Nẵng đã tiến hành sưu tầm các hiện vật điêu khắc gỗ của người Cơ tu. Hiện Bảo tàng đang trưng bày 14 nhóm hiện vật được sưu tầm tại các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) như nhà Gươl, mặt nạ, nhà mồ, tượng nhà mồ... Theo bà Trương Thế Liên, Phó Trưởng phòng Sưu tầm Trưng bày và Bảo quản, Bảo tàng Đà Nẵng, nét độc đáo của các hiện vật này là do chính tay người Cơ tu tạo nên, phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan của đồng bào về vũ trụ, trời đất, vạn vật cũng như tập quán, sinh hoạt, lao động, sản xuất; là khát vọng sống đã được họ lưu giữ tạo nên những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.