Gợi mở tình yêu sách cho con trẻ

.

Xuất phát từ trăn trở làm sao “dụ dỗ” con mình ham đọc sách trong thời đại điện thoại thông minh, máy tính bảng tràn lan, một đôi vợ chồng “công nghệ cao” đến từ Công ty TNHH Công nghệ VOOC (quận Hải Châu) đã xây dựng dự án Umbalena - ứng dụng di động đọc sách dành riêng cho trẻ em Việt Nam.

Đội ngũ xây dựng ứng dụng di động Umbalena. Ảnh: KHANG NINH
Đội ngũ xây dựng ứng dụng di động Umbalena. Ảnh: KHANG NINH

Trong những ngày nghỉ học vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), cô bé Nguyễn Thị Thảo Tiên (SN 2016, trú quận Cẩm Lệ) bỗng có thêm một “người bạn” mới tên là Umbalena. Đây là một ứng dụng được bố em cài trên máy tính bảng, truy cập vào đó, Minh Như có thể đọc từ mẩu chuyện này sang bài thơ khác.

Anh Nguyễn Thế Hùng, bố của cô bé chia sẻ: “Bé thích đọc những bài thơ như “Khi nào cần rửa tay”, “Đi vệ sinh cần nhớ”... Đọc xong, bé biết cách rửa tay bằng xà phòng rồi lau khô và còn yêu cầu bố mẹ phải làm y như vậy nữa”.

Được thành lập từ giữa năm 2019, Umbalena là một kho sách trực tuyến khổng lồ được đầu tư xây dựng bài bản, hướng đến người dùng là trẻ em Việt Nam từ 2 đến 6 tuổi và các bậc cha mẹ. Hiện kho sách này có khoảng 1.000 quyển, chia làm 9 cấp độ đọc với các chủ đề, ngữ pháp, cấu trúc riêng biệt phù hợp với từng nhóm tuổi.

Chị Lê Thị Cẩm Trinh, đồng sáng lập dự án cho biết, ở các cấp độ nhỏ, ứng dụng sẽ giúp bé học từ vựng theo chủ đề, tập cách biểu đạt câu trọn vẹn. Ở cấp độ trung bình, bé bắt đầu làm quen với các câu văn miêu tả, biểu cảm; tìm hiểu về kỹ năng sống, thiên nhiên, lễ hội... thông qua những mẩu chuyện, bài thơ ngắn, dí dỏm và dễ thuộc. Ở cấp độ cao hơn, các bé sẽ tiếp cận các kiến thức chuyên sâu hơn, học cách chắt lọc ngôn từ khi diễn đạt....

Anh Nguyễn Việt Thắng, đồng sáng lập dự án cho hay, ý tưởng về Umbalena xuất phát từ lúc vợ chồng anh để ý cô con gái nhỏ của mình rất mê đọc sách tiếng Anh trên các ứng dụng di động dành cho trẻ em của nước ngoài.

Anh bảo: “Con mình mới 5 tuổi, ban đầu cháu chỉ nói được vài từ tiếng Anh cơ bản. Sau một thời gian đọc sách trên các ứng dụng này, con nghe, hiểu và nói tiếng Anh tốt hơn hẳn. Nhờ đọc sách, con học dần từ những thành phần ngôn ngữ nhỏ nhất như chữ cái lên đến từ, câu đơn, câu ghép”.

Vốn có nền tảng công nghệ thông tin, lại đam mê ngành giáo dục, anh Thắng quyết định tìm thêm đồng sự để xây dựng ứng dụng tương tự như vậy cho trẻ em Việt Nam học tiếng Việt. “Các đồng sự của mình cũng đều có con ở độ tuổi mẫu giáo. Bởi vậy, nhóm lại càng có thêm động lực, tâm huyết để làm ra sản phẩm, trước hết là đáp ứng nhu cầu của chính con mình”, anh Thắng chia sẻ.

Umbalena ra đời với sứ mệnh khơi dậy sự tò mò đối với sách cho trẻ, từ đó giúp trẻ xây dựng tình yêu với sách. Bên cạnh đội ngũ chính phụ trách công nghệ, kỹ thuật và nội dung, dự án còn xây dựng mạng lưới cộng tác viên trên khắp cả nước, trong đó có cả những em bé 6-7 tuổi.

Mỗi bài thơ, câu chuyện đều được đầu tư chỉn chu về nội dung, hình vẽ, giọng đọc và các câu hỏi cuối bài. Các cấp độ có những tiêu chuẩn định lượng (số chữ, số câu, số trang) và định tính (chủ đề, cấu trúc ngữ pháp...) riêng.

Theo đó, yếu tố mà Umbalena dồn nhiều tâm huyết nhất chính là làm thế nào để trẻ phát triển tư duy tổng hợp thay vì thu nhận kiến thức theo kiểu rời rạc, phân mảnh. Để làm được điều đó, hệ thống kiến thức mà ứng dụng cung cấp được triển khai theo dạng “xoắn ốc”, trẻ ở các độ tuổi khác nhau cùng học về một chủ đề giống nhau (ví dụ: con gà), nhưng trẻ 2-3 tuổi sẽ chỉ học những điều đơn giản (như gà có 2 chân, gà đẻ trứng), đến 5-6 tuổi sẽ học những điều phức tạp hơn, kiến thức ngày một mở rộng hơn như các vòng xoắn ốc (như các giống gà, đặc tính sinh học của gà).

 Anh Thắng chia sẻ: “Khi lên kế hoạch xây dựng Umbalena, mình mới hiểu rằng việc cung cấp kiến thức cho trẻ không đơn thuần là về ngôn ngữ, thông tin, mà còn là về khả năng tư duy, cảm xúc...”.

Umbalena chọn hình thức sách tĩnh thay vì video như nhiều kênh thiếu nhi khác trên Youtube, Facebook… là để kích thích khả năng tưởng tượng, sáng tạo và tập trung của các em nhỏ. Hơn nữa, nếu đã quen với việc đọc sách tĩnh thì đến khi lớn lên, không sử dụng ứng dụng nữa, các em vẫn không bỡ ngỡ khi cầm quyển sách giấy bình thường.

“Cũng có một số bậc phụ huynh e ngại rằng Umbalena là một ứng dụng di động, nếu để con dùng nhiều thì vẫn không tốt cho mắt. Trên thực tế, ứng dụng này chắc chắn không thể thay thế hoàn toàn sách giấy, nhưng nó là một lựa chọn để các bậc cha mẹ xem xét cho con sử dụng thay vì chơi điện tử, xem video với nội dung không chọn lọc. Chúng tôi hướng đến tầm nhìn tạo ra một thế hệ trẻ Việt Nam ham đọc sách và công nghệ là cách tốt nhất để tạo ra một công cụ giúp trẻ kiến thức theo hệ thống, giá rẻ và có thể lan tỏa rộng rãi”, anh Thắng giải thích: Hiện Umbalena cũng được một số bậc phụ huynh người Việt ở nước ngoài yêu thích.

Chị Lê Cẩm Linh (sống tại Cộng hòa Nam Phi) cho hay, con của chị năm nay lên 3. Do sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nên bé quen nói tiếng Anh. Nhờ ứng dụng này, bé dần có hứng thú với tiếng Việt, lại hiểu thêm nhiều điều về văn hóa cội nguồn.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.