Phát huy vai trò nhà văn hóa ở nông thôn

.

Những năm gần đây, cùng với việc xây dựng, kiện toàn các tiêu chí nông thôn mới (NTM), nhà văn hóa (NVH) các thôn, xã trên địa bàn huyện Hòa Vang đã phát huy tốt vai trò văn hóa cơ sở, là nơi để người dân tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cũng như hội họp, sinh hoạt chính trị trong những dịp lễ, Tết...

Các hoạt động văn hóa, chính trị đều diễn ra ở nhà văn hóa các thôn, xã thuộc địa bàn huyện Hòa Vang.					        Ảnh: HUỲNH LÊ
Các hoạt động văn hóa, chính trị đều diễn ra ở nhà văn hóa các thôn, xã thuộc địa bàn huyện Hòa Vang. Ảnh: HUỲNH LÊ

Địa chỉ sinh hoạt của người dân

NVH thôn Phước Hưng Nam, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) là một trong những NVH có trang bị máy tính truy cập internet qua hệ thống wifi, sử dụng dịch vụ công trực tuyến để rút ngắn các thủ tục hành chính. Vài năm trở lại đây, NVH thôn Phước Hưng Nam luôn là điểm đến sinh hoạt, vui chơi, giải trí của người dân.

Cuối năm 2019, NVH này được xã Hòa Nhơn chọn là điểm truyền hình trực tiếp cuộc họp HĐND xã để người dân có thể nắm bắt chủ trương, chính sách và hướng phát triển kinh tế-xã hội của xã trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát, địa phương này hiện có 14 NVH cấp thôn, trong đó 8 NVH được xây mới, 6 NVH nâng cấp, sửa chữa. Các NVH đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của người dân. Xã đã huy động nhiều nguồn lực; trong đó vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ bàn ghế, âm thanh, mạng wifi, máy tính ở 14 thôn nên cơ sở vật chất tại các NVH cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Hằng năm, UBND huyện Hòa Vang bố trí kinh phí để duy tu, sửa chữa nhỏ; nhiều thôn còn chủ động vận động người dân đóng góp kinh phí lắp điện chiếu sáng trong khuôn viên NVH, trang bị ti-vi, sân thể thao. So với năm 2010 - năm khởi đầu xây dựng NTM theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, diện mạo NVH thôn hiện khởi sắc hơn rất nhiều.

“Nhờ NVH các thôn đều có máy tính kết nối internet nên chính quyền xã đã đăng ký tài khoản xử lý văn bản điện tử cho các trưởng thôn, giúp họ dễ dàng tiếp nhận thông tin, chủ trương, chính sách cũng như cập nhật giấy mời dự họp để phổ biến cho người dân”, ông Phát cho biết.

NVH thôn Yến Nê 2, xã Hòa Tiến chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013. Đây là một trong những NVH cấp thôn đạt chuẩn ở huyện Hòa Vang, diện tích gần 300m2, bao gồm hội trường sinh hoạt, phòng đọc sách, phòng truy cập internet... với tổng kinh phí xây dựng khoảng 900 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thành, sống gần NVH Yến Nê 2 nhìn nhận, hơn 5 năm qua, NVH này thực sự trở thành nơi sinh hoạt, gặp gỡ của bà con nhân dân. Có khá nhiều hoạt động diễn ra tại đây như cầu lông, cờ tướng, nhất là các hoạt động văn nghệ, thể thao, giao lưu giữa các thôn. Dịp hè, đây là địa chỉ để thanh niên, trẻ con tụ tập, tổ chức các hoạt động vui chơi ngoài trời.

Phát huy vai trò thiết chế văn hóa cơ sở

Năm 2015, huyện Hòa Vang được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2016; qua đó hệ thống NVH thôn được đầu tư sửa chữa, xây mới. Đến nay, huyện Hòa Vang có 113 NVH thôn đạt chuẩn NTM.

Theo đánh giá của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, toàn bộ NVH này hiện được các thôn, xã sử dụng vào việc hội họp, tuyên truyền chủ trương, chính sách, là nơi sinh hoạt của hội đoàn thể, chi bộ địa phương, đồng thời là nơi sinh hoạt văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí của người dân. Hằng năm, thường có trên dưới 5 hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng diễn ra ở mỗi NVH.

Nhà văn hóa thôn Phú Hòa 1, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, chính trị của người dân địa phương. 					        Ảnh: HUỲNH LÊ
Nhà văn hóa thôn Phú Hòa 1, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, chính trị của người dân địa phương. Ảnh: HUỲNH LÊ

Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân chia sẻ, với chủ trương xã hội hóa, các NVH thôn đã tích cực khai thác phục vụ lễ, tiệc, cưới hỏi của người dân. Thực tế những năm qua, từ hoạt động xã hội hóa, nhiều thôn đã có nguồn thu để tái đầu tư mở rộng NVH.

“Nhìn chung, tuy quy mô còn nhỏ, hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng không có tính chuyên nghiệp, cũng như những hạn chế về trang thiết bị nhưng các NVH ở huyện Hòa Vang đã và đang phát huy tốt vai trò là địa chỉ sinh hoạt của người dân. Hiện nay, gần như toàn bộ các sinh hoạt chính trị, văn hóa, học tập cộng đồng ở các thôn, xã đều diễn ra tại NVH”, ông Tân cho biết.

Được biết, sau khi 100% cán bộ văn hóa thôn, xã tham gia các lớp bồi dưỡng do UBND huyện Hòa Vang tổ chức năm 2016, 11/11 Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã hoạt động bài bản và có kế hoạch dài hơi hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, ông Đỗ Thanh Tân cũng nhìn nhận, khó khăn đối với các NVH hiện nay là thiếu kinh phí để đầu tư trang thiết bị bên trong như hệ thống âm thanh, ánh sáng, khánh tiết; dụng cụ vui chơi cho trẻ em, xây dựng phòng đọc sách đáp ứng nhu cầu văn nghệ, thể thao ngày càng tăng và đa dạng của người dân.

Bên cạnh đó, theo quy định chung, NVH do Ban Chủ nhiệm phụ trách. Ban Chủ nhiệm gồm những thành viên thuộc Ban quân dân chính thôn và những người tình nguyện ở thôn, họ không được gọi là cán bộ văn hóa cơ sở và quỹ thời gian dành cho hoạt động văn hóa rất hạn chế. Những năm qua, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang thường xuyên hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, giúp các thành viên Ban Chủ nhiệm vận hành tốt NVH.

Cũng theo ông Tân, đặc thù NVH là hoạt động trong giờ nhàn rỗi, là nơi để người dân tìm đến sau giờ làm việc. Do đó, việc làm thế nào để vận hành NVH tốt nhất cả về kinh phí lẫn con người, phát huy tối đa vai trò thiết chế văn hóa cơ sở, cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, và hơn hết người dân cần xem đây là địa chỉ sinh hoạt văn hóa, giải trí, chính trị tại địa phương mình.

"Tuy quy mô còn nhỏ, hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng không có tính chuyên nghiệp, cũng như những hạn chế về trang thiết bị nhưng các nhà văn hóa thôn ở huyện Hòa Vang đã và đang phát huy tốt vai trò là địa chỉ sinh hoạt của người dân”
 
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.