Xem tuồng đầu năm

.

Trong hai ngày 28 và 29-1 (mồng 4 và mồng 5 tháng giêng), Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã biểu diễn miễn phí phục vụ người dân, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận công chúng yêu thích loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Một cảnh trong vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn”. Ảnh: NGỌC HÀ
Một cảnh trong vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn”. Ảnh: NGỌC HÀ

Chiều mồng 5, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn vở tuồng dân gian “Thoại Khanh - Châu Tuấn” của tác giả Tống Phước Phổ, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Cao Đình Liên phục dựng và đạo diễn.
Sự diễn xuất tài tình của các NSƯT Phan Văn Quang (vai Châu Tuấn), NSƯT Nguyễn Thị Thanh Tiền (vai Thoại Khanh), NSƯT Phạm Thị Thu Ba (mẹ Châu Tuấn), NSƯT Huỳnh Thị Minh Hải (công chúa), nghệ sĩ Nguyễn Tấn Đông (Tương Tử)... đã khơi mạch cảm xúc câu chuyện giàu tính nhân văn về tình cảm vợ chồng nhân nghĩa, son sắt, thủy chung của Thoại Khanh và Châu Tuấn.

Người xem được sống cùng những cảm xúc chân thực trên con đường tìm chồng, tìm con của hai mẹ con Thoại Khanh và Tuấn Mẫu; day dứt cùng tâm trạng hoài vọng cố hương, thân quyến của Châu Tuấn; căm phẫn trước thói dâm ô, bạc ác của những kẻ tiểu nhân học làm sang như Tương Tử và cảm mến trước hành động, nỗi xót xa của người bạn Xích Phạm...

Vở diễn được các khán giả tán thưởng bằng những thẻ thưởng (quy ra tiền) và cả tiền mặt mỗi khi tới những đoạn cao trào. Bà Phan Thị Trâm (85 tuổi, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) xúc động cho biết, đây là lần thứ 4 bà được cháu chở đến xem hát tuồng, lần nào cũng nguyên vẹn cảm xúc. “Trước đây, xem tuồng đầu năm là món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi dịp Tết, lễ hội. Đến bây giờ tôi vẫn còn mê lắm. Nghe đứa cháu về bảo nhà hát có biểu diễn tuồng dịp Tết, tôi liền rủ thêm hai người em nữa đi xem, đúng vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn” tôi thích nữa nên xúc động lắm.

Chúng tôi mong muốn nhà hát có thêm nhiều đêm diễn thế này để phục vụ bà con. Được xem tuồng trong một không gian như thế này như một đặc ân với những người ở tuổi “thất thập cổ lai hy” như tôi”, bà Trâm nói.

Trong hàng ghế khán giả xuất hiện một vài gương mặt trẻ, họ cũng ngồi xem đến khi hạ màn. Cô gái trẻ Minh Thy (trú đường Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn), là dân công nghệ thông tin nhưng lại có tình cảm đặc biệt với nghệ thuật tuồng và múa rối nước. Minh Thy tâm sự, trong thời buổi kỹ thuật số hiện nay, nhiều loại hình giải trí hiện đại lên ngôi, số đông khán giả, tập trung ở giới trẻ có xu hướng thích xem những loại hình mang tính chất giải trí thì nghệ thuật truyền thống nói chung, hát tuồng nói riêng dần không còn vị trí và mai một.

Một cảnh trong vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn”. 			            			           Ảnh: NGỌC HÀ
Một cảnh trong vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn”. Ảnh: NGỌC HÀ

Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng như thế. Ở nhà, có bà của Thy thích xem tuồng, xem cải lương nên Thy cũng nghe theo và nhận thấy nghệ thuật truyền thống khá thú vị. “Mỗi lần đi ngang nhà hát tuồng, tôi đều nhìn xem có chương trình gì. Dịp Tết có thời gian rảnh nên tôi rủ em gái cùng đi xem tuồng. Lần đầu được chứng kiến không khí tuồng của ngày xưa như thưởng thẻ, thưởng tiền..., trong tôi ngập tràn cảm xúc. Tôi nghĩ khi cảm nhận được cái hay của tuồng thì giới trẻ sẽ thích thôi”, Minh Thy bộc bạch.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết thêm, trong nhiệm vụ hằng năm, nhà hát biểu diễn 20 buổi phục vụ chính trị (biểu diễn ở địa bàn dân cư và tại nhà hát). Sau hai buổi diễn vào ngày 28 và 29-1 tại nhà hát, các nghệ sĩ, diễn viên tiếp tục biểu diễn ở các địa phương vùng ven của Đà Nẵng. “Đối tượng xem tuồng hiện nay chủ yếu là những người lớn tuổi, bà con vùng ven, đặc biệt vùng biển nên chúng tôi thường về các địa phương đó phục vụ bà con trong dịp Tết, lễ hội.

Để tạo thói quen xem tuồng tại nhà hát, chúng tôi cũng cố gắng quảng bá, tuyên truyền đến các khu dân cư, vận động người dân đến xem. Lượng người xem tại nhà hát vẫn chưa đông nhưng cũng là tín hiệu vui khi trên hàng ghế khán giả có sự hiện diện của khán giả trẻ. Tôi hy vọng từ các hoạt động giới thiệu tuồng đến trường học, tuồng xuống phố sẽ tác động dần đến thị hiếu của người dân để nghệ thuật truyền thống phát huy giá trị vốn có”, ông Trần Ngọc Tuấn chia sẻ.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.