Dưới cái nắng vàng như mật của tháng ba, những ruộng lúa, đồng đậu xanh mướt mắt trải dài, như cuốn hút bước chân người... Chen giữa cánh đồng ấy là tít tắp dòng kênh trong xanh, đưa từng giọt nước ngọt lành từ hồ Phú Ninh về tưới tắm cho mảnh đất một thời cằn cỗi quê tôi...
Nhớ những năm sau ngày giải phóng, đất quê tôi chỉ làm mỗi năm một vụ vì trông đợi vô giọt nước trời. Những chân ruộng sâu mới dám cấy lúa, còn bãi đất cát thì trồng đậu, mè, khoai, sắn... Nên cái đói cứ bám sâu vào đời sống của người nông dân, hằn thành vết chân chim nứt nẻ từ gót chân đến khuôn mặt dãi dầu...
Ảnh: ANH QUÂN |
Không chịu khuất phục trước thiên nhiên khắc nghiệt, trong dịp kỷ niệm 2 năm ngày giải phóng quê hương, ngày 29-3-1977, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng lúc bấy giờ quyết định khởi công công trình đại thủy nông Phú Ninh. Đại công trình này gồm công trình hồ Phú Ninh - hồ nước ngọt lớn thứ hai cả nước sau hồ Dầu Tiếng, và tuyến kênh tỏa khắp các huyện, thị, từ Núi Thành, Tam Kỳ đến Thăng Bình, Duy Xuyên…, tưới tắm cho hơn 23.000ha lúa và hoa màu Tuổi thơ tôi gắn với những tháng ngày khai sinh và hình thành nên những dòng kênh ấy.
Tuổi xấp xỉ 9-10, tôi không hiểu hết những vất vả, hy sinh mà những chàng trai, cô gái từ khắp mọi miền trong tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng lúc bấy giờ đã đổ xuống suốt dải đất nhọc nhằn của quê hương, để hình thành nên một đại công trình trải khắp gần như cả vùng đồng bằng của tỉnh... Nhưng vẫn hằn in trong ký ức tôi hình ảnh những anh chị công nhân từ các B (đại đội) Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An... đã lao động cực nhọc, vất vả, chịu thương chịu khó, đổ cả mồ hôi và máu xuống mảnh đất này. Trên những đồi đất sỏi khô cằn, hay những rộc nước sình lầy, đôi bàn tay và đôi vai chai sần của họ cong xuống để hình thành nên dòng kênh với đôi bờ vững chãi.
Quê tôi có tuyến kênh chính cấp 1 (N1) đi qua, cùng với đó là các tuyến kênh cấp 2, 3 rải xuống phía đông, ngược về hướng tây, nhưng không có phương tiện cơ giới thi công vì chủ trương lúc bấy giờ là dồn sức cho công trường hồ Phú Ninh và những vùng trọng điểm khó khăn, nên phải dùng sức người là chính. Mà thời đó, mới vừa thoát khỏi chiến tranh, bữa ăn của công nhân đâu thể đủ đầy... Lúc đó, tiêu chuẩn mỗi người chỉ lưng ba chén cơm - nói cơm cho sang chứ thực chất ghế toàn loại sắn lùn, dân quê tôi hay gọi sắn ca-nông, chặt lát dày và phơi khô. Các anh thanh niên sức dài vai rộng thì cố nhai và nuốt, còn các chị thì đổ nước canh - mà thực ra là nước muối lõng bõng vài cọng rau, rồi khuấy lên để vài hạt cơm rời ra khỏi sắn, lựa lát sắn bỏ ra riêng rồi húp chút nước muối pha cơm ấy. Những lát sắn, các chị phơi khô, để dành giã bột rồi làm bánh trôi nước ăn chống đói.
Thiếu đói triền miên, nên tối tối, trước giờ đi ngủ theo quy định, các anh chị hay vào trong xóm tôi, cùng bẻ khoai, lặt đậu... Và dĩ nhiên, dân quê tôi luôn mở lòng với những nồi khoai, đậu luộc để các anh chị dằn bụng về ngủ, sáng mai đủ sức dậy đi làm. Hay đến mùa cúng lúa mới, dân quê tôi hay mời các anh chị về nhà, cùng làm mì Quảng, nấu xôi ăn. Tôi nhớ những bàn tay thoăn thoắt xắt mì, trông rất đảm đang của các cô gái vùng lúa Điện Bàn, Duy Xuyên… Ký ức tôi vẫn đong đầy những câu chuyện, tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên của một thời tuổi trẻ các anh chị. Cùng với đó là những nỗi vất vả nhọc nhằn mà sau này lớn lên tôi mới mường tượng và thấu cảm.
Đó là những ngày tổ chức “thi công” trên công trường. Cứ mỗi khi công trình vào đợt nước rút hay gặp những tầng địa chất khó nhằn như vỉa đá ngầm, sình lầy sụt lún... là các đại đội tổ chức “thi công”... 5 giờ sáng kẻng báo thức đã vang lên; từ sớm tinh mơ, từng tiểu đội, trung đội tập kết ở công trường. Mà mỗi đơn vị phải chọn người mạnh nhất giỏi nhất để “thi công”. Khi tiếng kẻng bắt đầu vang lên là từng đôi tay hùng hục, nhanh nhẹn, khéo léo xúc từng xẻng đất sỏi, đổ lên các xe cải tiến hay những đôi quang gánh bằng thép để đắp bờ, khơi thông dòng chảy... Không khí sôi động với tiếng kẻng kêu vang, cờ và khẩu hiệu bay phần phật.
Tiếng loa vang lên báo hiệu tiến độ của từng đơn vị, chen vào đó là những bài hát, bài thơ do đội văn nghệ của từng đại đội thể hiện kiểu “cây nhà lá vườn”. Nắng xuyên trưa đổ lửa, có những anh chị gục xuống, lả đi mà tay vẫn nắm chặt càng xe, đôi quang gánh thắt bằng dây thép đè nặng ngang vai... Máu, nước mắt, tuổi thanh xuân và cả tính mạng của các anh chị ngày ấy đã đổ xuống như vậy đó, ròng rã gần 10 năm, để đến ngày 27-3-1986, đại công trình thủy nông Phú Ninh được khánh thành; để cho cả dải đất chỉ trông vào nước trời của phần lớn tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng xanh xanh đến tận bây giờ, và cho mãi mai sau...
Đi giữa tháng ba, đi giữa đồng bãi đang căng mình xanh mướt hứa hẹn mùa bội thu nhờ những dòng kênh chuyển nước về thấm vào mỗi hòn đất, nhành cây..., làm sao không nhớ một thời gian khổ, làm sao không nhớ các anh chị đã hiến tuổi thanh xuân của mình cho màu xanh quê hương.
ANH QUÂN