Người con gái Cơ tu vì lợi ích cộng đồng

.

Chị Trần Thị Một, người con gái Cơ tu ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) được người dân trong thôn quý mến bởi sự nhiệt tình, năng nổ, dám nghĩ, dám làm. Chị Một hiện đảm nhận nhiều chức vụ trong thôn như: Chi hội trưởng Phụ nữ, Phó Bí thư Chi đoàn thôn, Tổ trưởng tổ dệt thổ cẩm Cơ tu và Đội trưởng Đội múa khu vực Tà Lang - Giàn Bí. Cô gái 28 tuổi này là một trong 6 tấm gương điển hình tiên tiến làm theo Bác trên địa bàn Đà Nẵng sẽ tham dự hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến toàn quốc sắp tới.

Chị Trần Thị Một (giữa) hướng dẫn các thao tác dệt thổ cẩm cho phụ nữ lớn tuổi và các em nhỏ trong thôn.
Chị Trần Thị Một (giữa) hướng dẫn các thao tác dệt thổ cẩm cho phụ nữ lớn tuổi và các em nhỏ trong thôn.

Ở thôn Giàn Bí, thanh niên Cơ tu lớn lên đi làm thuê, rồi lấy vợ, lấy chồng lúc còn rất trẻ, ít ai mặn mà với sinh hoạt Đoàn. Bởi vậy, để xây dựng được một chi đoàn cơ sở với hơn 20 đoàn viên tích cực tham gia các hoạt động Đoàn như hiện nay là biết bao công sức của Một.

Để đến Tà Lang, Giàn Bí phải vượt qua quãng đường nhựa gồ ghề với nhiều ổ voi, ổ gà, đến thanh niên đi còn thấy nản. Nhưng đó là quãng đường quen thuộc hằng ngày Một đi đến tận nhà mỗi thanh niên trong thôn để thuyết phục, vận động tham gia sinh hoạt Đoàn.

Anh Trần Văn Vương (ở thôn Giàn Bí) bày tỏ: “Vì cuộc sống mưu sinh nên tôi không có thời gian tham gia các hoạt động Đoàn. Tuy nhiên, cảm phục sự nhiệt tình của Một khi một mình lặn lội đến tận nhà thanh niên, học sinh vận động, thuyết phục nên tôi tham gia và cùng Một vận động các bạn trẻ khác đến với tổ chức Đoàn”.

Tập hợp được thanh niên nhưng lại vướng vấn đề Đoàn phí. Hầu hết các bạn trẻ ở Giàn Bí có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khoản Đoàn phí dù rất nhỏ nhưng cũng là vấn đề lớn. Từ đó, Một nảy ra ý tưởng gom ve chai ở các quán tạp hóa, xin ở nhà dân để bán lấy tiền đóng Đoàn phí cũng như duy trì sinh hoạt. Từ đầu năm 2020 đến nay, đoàn viên thôn Giàn Bí đã tổ chức 2 lần thu gom chai, lọ, gây quỹ 800.000 đồng.

Chi đoàn trích ra đóng Đoàn phí cho những đoàn viên khó khăn, một ít dùng để mua nước uống trong lúc sinh hoạt Đoàn. Cứ thế, đều đặn mỗi tháng 2 lần, Chi đoàn Giàn Bí họp ở nhà Gươl của thôn, tổ chức các trò chơi, giao lưu văn nghệ; tuyên truyền về phòng tránh tai nạn đuối nước, cách sơ cấp cứu khi gặp người đuối nước; vận động thanh niên không kết hôn sớm, không lựa chọn giới tính con cái khi sinh; chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm làm kinh tế giỏi; đồng thời, kết hợp dọn vệ sinh khu dân cư và các điểm du lịch.

“Từ các hoạt động hữu ích, đoàn viên nhận thấy được quyền lợi cũng như trách nhiệm, vai trò của mình đối với cộng đồng nên tích cực, sẵn sàng tham gia các phong trào ở địa phương mỗi khi Chi đoàn phát động”, Phó Bí thư Chi đoàn Giàn Bí Trần Thị Một chia sẻ.

Anh Nguyễn Đăng Học, Bí thư Đoàn xã Hòa Bắc cho biết, ngoài việc phục dựng văn hóa, Một còn tiên phong phát triển hai hình thức du lịch trải nghiệm, đó là tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm và trình diễn điệu múa truyền thống Cơ tu để phục vụ du khách trong và ngoài nước đến với Tà Lang - Giàn Bí. Một tự đi học lại nghề dệt thổ cẩm và điệu múa tung tung zá zá truyền thống từ người Cơ tu ở Tây Giang, Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) rồi mang về dạy cho các bạn trẻ trong thôn.

Năm 2018, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Cơ tu ra đời, Một được bầu làm tổ trưởng. Tổ dệt không chỉ thu hút nữ thanh niên mà các chị, các mẹ trong thôn cũng hăng hái tham gia. Sản phẩm của tổ dệt còn được bày bán phục vụ khách du lịch.

Mỗi khi du khách ghé thăm Tà Lang - Giàn Bí đều được thưởng thức các loại nhạc cụ truyền thống, các điệu múa tung tung da dá do đội múa khu vực Tà Lang - Giàn Bí thể hiện. Những ngày đầu mới thành lập, đội múa chỉ có chừng 10 người, nhưng hiện thu hút hơn 40 thành viên tham gia biểu diễn phục vụ du khách và các chương trình xúc tiến du lịch trên địa bàn Đà Nẵng.

Hỏi về sự đổi thay của Giàn Bí, trong đó có một phần công sức của Một, cô gái này chỉ nói rằng: “Tôi chưa làm được gì nhiều cho bà con. Nhìn những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn yêu thích nghề dệt thổ cẩm và điệu múa truyền thống Cơ tu, tôi thấy thật vui và muốn góp sức xây dựng quê hương”.

PHƯƠNG TẤN

;
;
.
.
.
.
.