Bản anh hùng ca của tượng đài tưởng niệm người lính Xô Viết tại Rzhev

.

Ở ngoại ô thành phố Rzhev, thuộc tỉnh Tver, mới đây Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus, Aleksander Lukashenko, đã khai trương đài tưởng niệm quy mô lớn đầu tiên vinh danh người lính Liên Xô được xây dựng ở nước Nga đương đại.

Tên tuổi của hàng nghìn chiến sĩ Hồng quân Liên Xô hy sinh trong các trận đánh ở Rzhev được khắc trên các bức điêu khắc bao quanh lối vào Tượng đài. Ảnh: Duy Trinh - Pv TTXVN tại LB Nga
Tên tuổi của hàng nghìn chiến sĩ Hồng quân Liên Xô hy sinh trong các trận đánh ở Rzhev được khắc trên các bức điêu khắc bao quanh lối vào Tượng đài. Ảnh: Duy Trinh - Pv TTXVN tại LB Nga

Đó là tác phẩm một người lính Liên Xô bằng đồng cao 25​​m và nặng 80 tấn, tay phải cầm khẩu tiểu liên Shpagin trông như bay lên từ mặt đất. Tượng đài hùng vĩ này nằm trên một gò đất lớn cao 10m. Nó là hiện thân cho một tập thể, vì bức tượng người lính được tạo ra từ ảnh những người lính đã chiến đấu và hy sinh ở ngoại ô Rzhev lấy từ kho lưu trữ của Bộ Quốc phòng LB Nga.

Theo một nhà phê bình Nga, bức tượng người lính không nhìn vào những vị khách đến thăm đài tưởng niệm - những người mà vì cuộc sống của họ anh đã hy sinh - mà như thể nhìn vào chính bản thân mình trong giây phút giữa cái sống và cái chết. Do đó, các tác giả đã tạo hình khuôn mặt một người lính bình lặng, ưu tư và thậm chí là hững hờ.

Tượng đài được xây dựng nhằm tôn vinh những người lính Xô viết hy sinh trong các trận đánh ở Tver. Ảnh: Trần Hiếu - Pv TTXVN tại LB Nga
Tượng đài được xây dựng nhằm tôn vinh những người lính Xô viết hy sinh trong các trận đánh ở Tver. Ảnh: Trần Hiếu - Pv TTXVN tại LB Nga

Tháng 5-2018 cuộc thi quốc tế chọn mẫu thiết tượng đài Rzhev đã xướng danh các nhà chiến thắng là kiến trúc sư Konstantin Fomin và nhà điêu khắc Andrey Korobtsov. Theo các tác giả trẻ này, bài thơ nổi tiếng "Tôi bị giết ở ngoại ô Rzhev” của Alexander Tvardovsky là nguồn cảm hứng cho họ. Ý tưởng của họ là mô tả tinh thần một người lính ngã xuống trên chiến trường, nhìn con cháu mình từ cõi vĩnh hằng, còn những con sếu bay lên bầu trời là biểu tượng cho sự đóng góp vô giá của người lính. Đàn sếu 35 con cũng tạo ra ảo ảnh như đang nâng bức tượng người lính Xô viết bay lên.

Dưới chân tượng đài, nơi đặt hoa, trên phiến đá cẩm thạch có gắn dòng chữ mạ vàng được trích trong bài thơ “Tôi bị giết ở ngoại ô Rzhev”, đoạn “Chúng tôi đã hy sinh vì tổ quốc. Song tổ quốc đã được giải cứu”.

Dòng chữ:
Dòng chữ: "Chúng tôi ngã xuống vì Tổ quốc, nhưng Tổ quốc đã được cứu" nói lên nỗi niềm mong mỏi được toại nguyện của hàng triệu người lính Hồng quân đã hy sinh trong những năm chiến đấu ác liệt với quân thù để giải phóng mảnh đất quê hương. Ảnh: Trần Hiếu - Phóng viên TTXVN tại LB Nga

Trên khu đất phía trước bức tượng người lính Xô viết là con đường dích dắc dài 55m. Hai bên đường là các bức tường đá granite cao 6m, gắn các tấm kim loại phủ ngoài giống màu gỉ sắt và tạc tên của hơn 17.000 chiến sĩ đã ngã xuống ở vòng cung Rzhev-Vyazma.

Trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, trận chiến ở vòng cung Rzhev-Vyazma được xem như một
Trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, trận chiến ở vòng cung Rzhev-Vyazma được xem như một "cối xay thịt", nơi đây có những địa điểm Hồng quân Liên Xô và Phát xít Đức giành giật nhau, chiếm đi chiếm lại tới 6 lần. Ảnh: Duy Trinh - Pv TTXVN tại LB Nga

Khuôn viên rộng 4ha của tượng đài còn gồm các gian bảo tàng và triển lãm. Bảo tàng được trang bị các thiết bị đa phương tiện để du khách có thể xem các bức ảnh, thư từ, câu chuyện và hồi ký của những người tham gia trận chiến Rzhev. Điểm đặc biệt của bảo tàng là sàn làm bằng kính để có thể nhìn thấy vũ khí, mũ bảo hiểm, đạn, đạn pháo, lựu đạn và các vật dụng khác khai quật xung quanh khu vực đài tưởng niệm. Được biết tượng đài này được xây dựng mà không sử dụng ngân sách liên bang, với 2-3 là tiền quyên góp từ người dân và các tổ chức.

Bức tượng người lính Hồng quân với khuôn mặt trầm buồn nhìn xuống như muốn hỏi người đương thời: Mảnh đất quê hương Rzhev đã được giải phóng hay chưa? Ảnh: Trần Hiếu - Pv TTXVN tại LB Nga
Bức tượng người lính Hồng quân với khuôn mặt trầm buồn nhìn xuống như muốn hỏi người đương thời: Mảnh đất quê hương Rzhev đã được giải phóng hay chưa? Ảnh: Trần Hiếu - Pv TTXVN tại LB Nga

Trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, trận chiến ở vòng cung Rzhev-Vyazma được xem như một “cối xay thịt”, nơi đây có những địa điểm Hồng quân Liên Xô và Phát xít Đức giành giật nhau, chiếm đi chiếm lại tới 6 lần. Một số nhà sử học Nga cho rằng trận chiến ở Rzhev cần được đặt ngang hàng với trận Stalingrad và trận đấu tăng ở vòng cung Kursk vì nó cũng tạo ra bước ngoặt trong chiến tranh.

Trận chiến Rzhev không nhằm giành giật thành phố này, nhiệm vụ chính của nó là tiêu diệt lực lượng chủ lực của Tập đoàn quân trung tâm Đức tại bàn đạp Rzhev-Vyazma cách Moskva 150 km. Các sự kiện diễn ra không chỉ ở Rzhev, mà còn diễn ra ở ngoại ô Moskva, tỉnh Tula, Kalinin, tỉnh Smolensk.

Ngày 5-1-1942, Tổng Tư lệnh Iosif Stalin đã ra lệnh trong vòng 1 tuần phải lấy lại Rzhev. Tuy nhiên trên thực tế cuộc chiến đã kéo dài 14 tháng, từ ngày 8-1-1942 đến ngày 31-3-1943. Hồng quân Liên Xô tiến hành tổng cộng 4 đợt tấn công mới lấy lại được Rzhev.

Đàn sếu bay tượng trưng cho linh hồn những người lính hy sinh ngoài mặt trận. Ảnh: Trần Hiếu - Phóng viên TTXVN tại LB Nga
Đàn sếu bay tượng trưng cho linh hồn những người lính hy sinh ngoài mặt trận. Ảnh: Trần Hiếu - Phóng viên TTXVN tại LB Nga

Các số liệu về tổng số thiệt hại của Hồng quân trong trận chiến Rzhev cho đến nay vẫn chưa được xác định, tuy nhiên theo các đánh giá tương đối, phía Hồng quân có 400.000  người chết và mất tích, và khoảng 700.000 người bị thương trên chiến trường.

Những người lính Xô viết khi ngã xuống ở ngoại ô Rzhev đều không mảy may đắn đo, không mảy may tính toán. Và nhờ sự hy sinh cao cả của họ, đã ngăn chặn được kẻ thù, tạo ra bước ngoặt cơ bản trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Theo TTXVN 

 

;
;
.
.
.
.
.