Trong trái tim nhiều người Đà Nẵng - nhất là các thế hệ người Đà Nẵng từng học trung học ở thành phố bên sông Hàn vào hai thập niên 50, 60 và nửa đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, Nguyễn Công Trứ trước hết là một nhà thơ tài hoa.
Nguyễn Công Trứ |
Thơ Nguyễn Công Trứ hay và dễ nhớ, dễ thuộc, từ bài lục bát Vịnh cây thông mang âm hưởng ca dao: Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo/ Giữa trời vách núi cheo leo/ Ai mà chịu rét thì trèo với thông, cho đến những bài thơ hát nói dày đặc chữ Hán, chẳng hạn bài Chữ nhàn với nào là Thị tại môn tiền náo/ Nguyệt lai môn hạ nhàn, nào là Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc/ Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn, nào là Ngã kim nhật tại tọa chi địa/ Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi...
Nghe thầy giảng và đọc chú thích trong sách giáo khoa về mấy câu thơ chữ Hán ấy, dẫu chưa cảm nhận được hết ý tứ sâu xa nhưng cũng đủ để hầu hết học sinh trung học hiểu nghĩa và thuộc lòng từng chữ từng câu, nhất là với những chữ những câu thuộc dạng chiết tự để chơi chữ kiểu Thị tại môn tiền náo/ Nguyệt lai môn hạ nhàn (theo tự dạng chữ Hán thì chữ thị nằm trong chữ môn thành chữ náo, chữ nguyệt nằm trong chữ môn thành chữ nhàn)...
Nghe thầy giảng và đọc chú thích trong sách giáo khoa còn biết thêm rằng, Nguyễn Công Trứ trích dẫn hai câu Ngã kim nhật tại tọa chi địa/ Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi trong bài tựa kịch bản Tây sương ký của Vương Thực Phủ để đưa vào thơ mình, nhưng dường như chẳng mấy ai có ấn tượng gì về cái xuất xứ Trung Quốc này, chỉ biết tất cả đều đến từ hồn thơ Nguyễn Công Trứ và rất Nguyễn Công Trứ.
Trong trái tim nhiều người Đà Nẵng, Nguyễn Công Trứ còn là một ông quan hết lòng vì dân vì nước. Sống ở vùng duyên hải miền Trung, người Đà Nẵng đương nhiên rất ngưỡng mộ Nguyễn Công Trứ khi ông bộc lộ tài năng kinh bang tế thế trên cương vị một doanh điền sứ.
Có thể nói, trong đời làm quan của Nguyễn Công Trứ, đóng góp lớn nhất của ông đối với đất nước là bằng tư duy kinh tế hết sức mới mẻ so với đương thời - tư duy triều đình và nhân dân cùng làm - đã tổ chức khai hoang thành công vùng duyên hải miền Bắc thuộc các tỉnh Thái Bình và Ninh Bình, lập nên hai huyện Tiền Hải/Biển Tiền và Kim Sơn/Núi Vàng.
Đặc biệt, trong quá trình thay mặt cả nước và cùng cả nước đánh Pháp trận đầu từ tháng 9-1858, người Đà Nẵng không chỉ ngưỡng mộ tài thao lược của Nguyễn Tri Phương khi ông chỉ huy cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải, mà còn ngưỡng mộ tài thao lược của Nguyễn Công Trứ khi ông vào Đà Nẵng trước đó nhiều năm để kiểm tra thực địa và đề xuất với triều đình hàng loạt giải pháp khả thi nhằm tăng cường năng lực phòng thủ quân sự ở khu vực cửa Hàn.
Càng ngưỡng mộ hơn khi biết rằng, ngay từ những ngày đầu tháng 9-1858 lịch sử ấy, lúc Nguyễn Công Trứ đã bước sang tuổi 80, ông còn hăng hái xin vua Tự Đức được vào mặt trận Đà Nẵng mà ông rất thông hiểu địa hình qua chuyến công cán năm xưa, để trực tiếp đương đầu với quân xâm lược phương Tây - tất nhiên nhà vua không thể nào đồng ý...
Sinh ra và lớn lên ở thành phố bên sông Hàn, người viết bài này cũng hằng ngưỡng mộ Nguyễn Công Trứ như bao đồng hương Đà Nẵng của mình. Tôi từng thuộc lòng bài thơ Vịnh cây thông của ông, cảm nhận được ở đây không hề có chuyện chối bỏ thân phận làm người mà ngược lại là bài ca nhập thế, đề cao sứ mệnh của giới trí thức sẵn sàng hy sinh vì đại cuộc, sẵn sàng “chịu rét giữa trời”...
Khi đến thăm nhà thờ ông ở làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh), tôi đứng ngẩn người trước cây thông trồng bên mộ để nghĩ về sự dấn thân suốt đời của ông-quan-thi-sĩ Nguyễn Công Trứ. Tôi cũng từng suy ngẫm về triết lý sống của người xưa nói chung, của Nguyễn Công Trứ nói riêng qua hai câu thơ chữ Hán Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc/ Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn, từ đó hiểu hai câu Thị tại môn tiền náo/ Nguyệt lai môn hạ nhàn như một cách nội tâm hóa ngoại cảnh nhằm thể hiện triết lý sống biết đủ là đủ/ biết nhàn là nhàn kia.
Chợ đông trước cửa ồn ào náo nhiệt là vậy mà bậc thức giả do nắm chắc triết lý sống biết đủ là đủ/ biết nhàn là nhàn, nên vẫn thấy như trăng đang soi trước cửa rất thanh nhàn. Nếu tách rời từng câu để hiểu theo kiểu hai với hai là bốn - hễ chợ đông trước cửa là thấy ồn ào náo nhiệt, chỉ đợi lúc trăng soi trước cửa mới thấy thanh nhàn - thì đâu thể gọi là biết nhàn là nhàn/ đợi nhàn bao giờ cho nhàn?
Ngôi trường duy nhất ở Đà Nẵng đang mang tên tác giả bài thơ Chữ nhàn là Trường THCS Nguyễn Công Trứ trên địa bàn phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ. Trước năm 1975, Đà Nẵng cũng đã có đường Nguyễn Công Trứ trên địa bàn quận Sơn Trà - nay vẫn còn, và có cả Trường Trung học bán công Nguyễn Công Trứ trên đường Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu). Sau năm 1975, Trường Trung học bán công Nguyễn Công Trứ trở thành cơ quan Ty Giáo dục Quảng Nam - Đà Nẵng - nay là Trường THPT Trần Phú. Gần 15 năm thực thi công vụ liên quan đến văn chương chữ nghĩa tại một nơi từng mang tên Nguyễn Công Trứ, tôi càng có điều kiện ngẫm nghĩ về sự mẫn cảm nghệ sĩ của tác giả bài thơ Chữ nhàn và triết lý sống tri túc tri nhàn rất Nguyễn Công Trứ của ông... |
BÙI VĂN TIẾNG