Thầy Xuân từ ghe bầu đến mỳ Quảng

.

Nhà văn - nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân sinh năm 1921, mất ngày 4-7-2007, thọ 86 tuổi. Nhân kỷ niệm 14 năm ông ra đi, xin viết thêm đôi điều về ông như một nén hương tưởng nhớ...

Sinh thời, ông được ví như là cuốn từ điển sống, là một loại “văn bản gốc” của Quảng Nam, Đà Nẵng. Những tác phẩm đa dạng từ nghiên cứu, sử học, văn học, tiểu thuyết, truyện ngắn của ông như Phong trào Duy Tân, Khi những lưu dân trở lại, Bão Rừng, Kỳ Nữ họ Tống... và các nghiên cứu của ông về Hát Bội, Văn hóa Quảng Nam-Đà Nẵng là một gia sản đồ sộ.

Nhà văn Nguyên Ngọc từng viết về ông: “Nguyễn Văn Xuân là một nhà văn, nhà nghiên cứu hiếm có. Nghiên cứu của ông vừa độc đáo và đượm chất văn học, trong khi sáng tác của ông lại hàm chứa các sử liệu chính xác của một nhà khoa học...”. Sau khi ông qua đời ở tuổi 86, đã có hàng chục bài báo trong và ngoài nước viết về ông. Có tác giả nói sự ra đi của ông là không có gì thay thế, một khoảng trống ông để lại trong văn đàn, trong học giới ở miền Trung là quá rõ.

Trong những nghiên cứu của mình về con đường Nam tiến của dân tộc, tôi nhớ thầy Xuân từng viết về chiếc ghe bầu đối với sự phát triển của đất nước đến tận Hà Tiên. Xin được trích lại: “Cũng cần nhớ thêm là việc phát sinh ra loại ghe bầu sẽ đóng vai trò chuyên chở bậc nhất nước ta cho đến những thế kỷ sau. Chính ghe bầu đã mang nhân tài, vật lực từ miền Trung vào xây dựng miền Nam, để biến dần những người địa phương thành bạn đồng hành với dân tộc Việt cùng lo xây dựng và củng cố xứ sở này thành một vựa lúa khổng lồ của đất nước và khu vực Đông Nam Á.

Chỉ cần một thời gian không lâu, từ giữa cho đến cuối thế kỷ thứ XVII thì sự nghiệp xây dựng đã hoàn tất và đến năm 1698, chúa Nguyễn đã phái Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý và xây dựng đất Sài Gòn trở thành nơi hội tụ chính trị, kinh tế Việt Nam ở phương Nam. Có đất Đồng Nai do con cháu người miền Trung vào xây dựng, cái viễn cảnh đói kém của người miền Trung, nơi đất đai hạn hẹp, khí hậu khắc nghiệt, không còn là mối lo thường trực…”(1). Tiến sĩ sử học Li Tana khi nghiên cứu về xứ đàng Trong cũng đã có cùng ý kiến như ông Xuân khi bà viết: “Không có hai thế kỷ này của xứ đàng Trong, cuộc Nam tiến hẳn đã không thành!”.

Thế nhưng, phát hiện quan trọng của Nguyễn Văn Xuân là ở chi tiết ghe bầu, một phương tiện vận chuyển đường thủy phổ biến ở đàng Trong, cũng là kế thừa những tiến bộ hàng hải của người Chăm trước đó. Chi tiết này, nhiều nghiên cứu trước ông chưa ai đề cập hoặc nhấn mạnh, cho thấy óc suy luận mạnh mẽ và độc lập của ông. Nhà báo Hồ Trung Tú, trong bài viết tưởng niệm thầy Xuân cũng nhắc tới ý kiến khá độc đáo của ông khi nói về những đứa con lai, như một nguồn gen cải tạo thể hình, thể lực mà có lần ông đã nói...Người viết bài này cũng có một kỷ niệm riêng với ông khi ngồi nghe ông nói chuyện về mỳ Quảng.

Ông không sa đà vào miêu tả tô mỳ, cách ăn, cách nấu, nhưng lại tổng kết đó là món ăn hết sức ...“dân chủ” của người Quảng vì nó có thể chấp nhận mọi loại nhưn, từ thịt, cá, tôm, cua cho đến rắn, ếch và mở sẵn điều kiện cho khẩu vị của từng người: ai thiếu rau thì thêm rau, ai thèm béo thì bỏ thêm vài hạt đậu phộng; nếu thích tiếng động thì bẻ vài mẫu bánh tráng và cắn thêm trái ớt xanh cho thỏa thích! Nó thể hiện đầu óc biết canh tân, thích cái mới của người Quảng chứ không bảo thủ như ta vẫn thường nghĩ.

Nguyễn Văn Xuân nhìn lịch sử và sự việc không đóng khung trong những tư liệu hoặc những gì nó biểu hiện nhất thời, mà luôn đặt lịch sử, sự việc trong thế động, với những phát hiện đầy bất ngờ thú vị. Chính vì vậy, đôi khi văn ông sử dụng nhiều từ đã cũ nhưng vấn đề ông nêu lên lại luôn mới và gây sự chú ý.
Ngày nay, các nhà nghiên cứu mà ta thường đọc của họ thường ít có những tư duy độc lập như thế. Phần đông họ làm công tác biên khảo chứ chưa đạt đến cấp độ của nghiên cứu để phát hiện vấn đề mới như ông. Chính đó là một khoảng trống khi cụ Xuân ra đi vậy!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
(1)  NVX, 400 năm dinh trấn Thanh Chiêm.

;
;
.
.
.
.
.