Thương hiệu 'Liên hoan phim Việt Nam' còn yếu

.

Các chuyên gia trong ngành điện ảnh chung nhận định thương hiệu "Liên hoan phim Việt Nam" còn yếu do gặp nhiều rào cản.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Điện ảnh - chủ trì hội thảo. Ảnh: Thanh Thanh.
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Điện ảnh - chủ trì hội thảo. Ảnh: Thanh Thanh.

Tại hội thảo bàn câu chuyện quảng bá thương hiệu Liên hoan phim Việt Nam hôm 29-7 ở Hà Nội, Cục trưởng Điện ảnh Vi Kiến Thành nói: "Khâu quảng bá gặp nhiều cản trở liên quan đến thủ tục hành chính, văn bản pháp lý, nên thời gian truyền thông cho sự kiện ngắn. Chẳng hạn, Cục Điện ảnh chắc chắn sẽ làm Liên hoan phim Việt Nam ở Huế vào năm sau nhưng chưa được truyền thông sự kiện vì các giấy tờ liên quan đến khâu tổ chức chưa hoàn thiện".

Ông lý giải một trong những nguyên nhân khiến sự kiện chưa thu hút các nhà làm phim trẻ: "Ban tổ chức dường như vẫn coi sự kiện giống như một ngày kỷ niệm truyền thống của ngành điện ảnh, vì thế mời nhiều người lớn tuổi, không còn hoạt động trong nghề tham gia. Trong khi, chúng ta nên hướng đến các nhà sản xuất trẻ - lực lượng nòng cốt của làng phim hiện đại".

Cục trưởng nói sẽ tính toán phương án như giao cho các công ty chuyên nghiệp tổ chức sự kiện từ đầu đến cuối, để liên hoan hấp dẫn, bớt đơn điệu. Ngoài ra, Cục xem xét mở rộng thành phần ban giám khảo, cơ cấu thêm nhiều giải, đặc biệt là hệ thống giải cho nhà làm phim, nghệ sĩ trẻ nhằm tăng sức hút của liên hoan.

Địa điểm không cố định cũng là một trong những nguyên nhân khiến sự kiện khó định hình thương hiệu. NSND Như Quỳnh nói Liên hoan phim nên tổ chức ở một thành phố, giống các kinh đô điện ảnh nổi tiếng ở nước ngoài, thường gắn với một lễ trao giải nổi tiếng, như Venice (Italy), Cannes (Pháp). Điều này cũng tạo điều kiện cho ban tổ chức dễ dàng điều hành công việc từ năm này qua năm khác.

"Ngoài ra, các nhà làm phim nên tích cực quảng bá từ khi bấm máy. Khi tôi đóng Mùa hè chiều thẳng đứng của đạo diễn Trần Anh Hùng, đúng lúc Hà Nội mưa lụt, họ vội quay cảnh lụt lội để quảng bá phim, khiến khán giả nước ngoài tò mò. Ngoài ra, nghệ sĩ chúng tôi cũng mong được đồng hành quảng bá phim ở nhiều tỉnh thành, như các êkíp nước ngoài thường làm khi phim ra mắt", nghệ sĩ Như Quỳnh nói.

Chị Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa tổ chức UNESCO ở Việt Nam - đưa ra một số ví dụ về cách quảng bá phim ở các thành phố điện ảnh lớn. Ở Busan, Hàn Quốc, khách du lịch được cung cấp lịch trình các sự kiện của liên hoan phim trong từng tháng. Họ có văn phòng thúc đẩy quảng bá phim, nhiều chương trình phổ cập kiến thức điện ảnh cho người dân. Nhiều sự kiện trong liên hoan phim phát vé miễn phí cho sinh viên, mời các ngôi sao hàng đầu Hàn Quốc đến giao lưu để hút khách. Trong khi đó, Liên hoan phim Bắc Kinh (Trung Quốc) chú trọng các giải thưởng khuyến khích nhà làm phim trẻ.

Ông Nguyễn Minh Trí - người thiết kế logo Liên hoan phim Việt Nam - góp ý ban tổ chức cần chú ý đến bộ nhận diện thương hiệu của sự kiện. "Cúp phải đẹp, nghệ sĩ mới cảm thấy được trân trọng. Tôi để ý thấy một số cúp bạc xỉn màu sau vài năm, như vậy là không được. Mẫu mã cúp năm này qua năm khác phải đồng nhất, đúng kích cỡ, quy chuẩn trọng lượng. Ngoài ra, ban tổ chức nên chú ý việc lưu trữ các tài liệu liên quan như hình ảnh, thông tin giải thưởng, video... để tiến tới việc thành lập bảo tàng điện ảnh", ông Nguyễn Minh Trí nói.

Theo VnExpress

;
;
.
.
.
.
.