Người trẻ Đà Nẵng kể chuyện văn hóa

.

Hoạt động từ năm 2017, nhóm các bạn trẻ “Đà Nẵng tui” đã thực hiện thành công hai triển lãm văn hóa - nghệ thuật theo cách mới lạ, độc đáo, thu hút đông đảo công chúng tham dự. Các triển lãm đã tái hiện sinh động một Đà Nẵng đa sắc màu và làm giàu thêm tình yêu quê hương, trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống trong giới trẻ.

Tại triển lãm “Nghệ”, người xem được nghe thuyết minh về quá trình hình thành và phát triển của từng làng nghề truyền thống. 						                   Ảnh: XUÂN DŨNG
Tại triển lãm “Nghệ”, người xem được nghe thuyết minh về quá trình hình thành và phát triển của từng làng nghề truyền thống. Ảnh: XUÂN DŨNG

Triển lãm đầu tiên được thực hiện vào tháng 5-2018, có tên “Đà Nẵng tui” - giống với tên nhóm, trưng bày 35 tác phẩm với các chủ đề núi, cầu, phố, sông, biển. Những câu chuyện nhỏ, bình dị nhất của thành phố được tái hiện hết sức sinh động, mang đến cái nhìn đa chiều về Đà Nẵng. Thông qua hình thức nghệ thuật kết hợp công nghệ sáng tạo, độc đáo, các tác phẩm triển lãm thể hiện sự chuyển mình của thành phố biển trong thời hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét đẹp riêng. Trong 3 ngày tổ chức, triển lãm đã thu hút hơn 1.000 lượt người tới tham quan, nhận được nhiều ý kiến đánh giá tích cực, đây là thành quả ấn tượng của nhóm.

Đáng khen hơn, lúc ấy “Đà Nẵng tui” chỉ có 5 thành viên đều đang là sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố. Việc bỏ ra chi phí, thời gian và công sức khá lớn để thực hiện triển lãm là điều không dễ dàng. Thế nhưng, bằng niềm đam mê với nghệ thuật, đặc biệt là tình yêu quê hương đã thôi thúc, tiếp động lực cho những sinh viên ấy thực hiện dự án của mình. Thành công của triển lãm cũng giúp cái tên “Đà Nẵng tui” được nhiều người biết đến hơn. Lý giải về cái tên này, trưởng nhóm Nguyễn Ngọc Thiên Hiếu (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) cho biết, đây là một trong những cách thể hiện tự hào của người trẻ Đà Nẵng đối với quê hương mình. “Đà Nẵng tui có nhiều cảnh đẹp, nhiều điểm vui chơi, con người thân thiện và nhiều món ăn ngon...”, Thiên Hiếu chia sẻ.

Tiếp tục phát huy điểm mạnh của mình, từ nguồn tài trợ và sự phối hợp của một số đơn vị, cuối tháng 10 vừa qua, nhóm đã trở lại với triển lãm mang tên “Nghệ”, khắc họa câu chuyện lịch sử hàng trăm năm của các làng nghề truyền thống ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Trần Việt Huy (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê), thành viên của nhóm cho biết, ý tưởng về triển lãm được hình thành từ cuối năm 2019, dự kiến tổ chức vào tháng 4-2020 nhưng do Covid-19 nên tiến độ dự án gặp nhiều gián đoạn. Sau gần 1 năm thực hiện, nhóm mới có thể hoàn thành và tổ chức được.

Nội dung của triển lãm lần này là tái hiện quá trình hình thành, phát triển của 4 làng nghề truyền thống, gồm làng nước mắm Nam Ô (Đà Nẵng), làng rau Trà Quế, làng chiếu Bàn Thạch, làng gốm Thanh Hà (Quảng Nam). “Khi đã xác định được nội dung, nhóm sẽ trực tiếp về các làng nghề để tìm hiểu, nghiên cứu. Đây cũng là phần việc khó và mất thời gian nhất vì nhóm phải tìm hiểu từ đầu, trực tiếp trải nghiệm công việc của những người làm nghề trong thời gian dài để thực sự hiểu, khi đó mới có thể truyền tải đến người xem một cách chân thật, sinh động nhất”, anh Trần Việt Huy chia sẻ.

Qua triển lãm, các làng nghề trên được khắc họa bằng nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, từ tranh màu nước, mô hình thu nhỏ, nghệ thuật uốn dây đồng... cho đến ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường đem đến cho người xem những trải nghiệm thú vị, bổ ích. Mỗi làng nghề sẽ được bố trí theo từng khu riêng để người xem có thể tự do trải nghiệm. Tại mỗi khu vực, các tình nguyện viên sẽ thuyết minh về lịch sử, văn hóa của mỗi làng nghề, đồng thời, giải đáp những thắc mắc của người xem.

Theo đánh giá của nhiều người, triển lãm có tính tương tác rất cao. Người đến thưởng lãm có thể sờ tận tay công cụ như việc tự mình trải nghiệm quy trình dệt chiếu tại khu vực trưng bày của làng chiếu Bàn Thạch, hay được thấy tận mắt cách làm nghề của các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà thông qua các hiện vật thu nhỏ và trình chiếu thực tế ảo... Với mục đích truyền cảm hứng cho người trẻ, khơi dậy tinh thần, trách nhiệm gìn giữ, phát huy truyền thống làng nghề, triển lãm diễn ra từ ngày 30-10 đến 1-11 đã thu hút khoảng 1.300 người đến thưởng thức, trong đó đa số là các bạn trẻ trên địa bàn thành phố. Để truyền thông rộng rãi hơn mục đích đó, nhóm đã phối hợp với một đơn vị thực hiện quảng cáo bằng hình ảnh tại các điểm chờ xe buýt tại Đà Nẵng. Với nụ cười của 4 nhân vật, đại diện cho 4 làng nghề truyền thống kể trên, các điểm chờ xe buýt cũng đã và đang để lại ấn tượng mạnh đối với rất nhiều người.

Biến những ý tưởng nghệ thuật thành hiện thực và hoàn toàn phi lợi nhuận, Thiên Hiếu cho biết, các triển lãm từ trước đến nay nhóm thực hiện đều mở cửa tự do và không bán vé, hoàn toàn xuất phát từ tình yêu Đà Nẵng và sự đam mê với văn hóa - nghệ thuật. Trong chặng đường tiếp theo, nhóm sẽ tiếp tục kết nối tinh thần nghệ thuật của các bạn trẻ để cùng đưa ra những sản phẩm mới, mà ở đó Đà Nẵng tạo được ấn tượng mạnh hơn đối với người dân và du khách. “Đôi lúc vì quá bộn bề công việc mà chúng ta bỏ quên đến những nét đẹp xung quanh; những điều đơn giản, bình dị nhất nhưng khi nhìn lại, nó lại khiến ta rung động. Chính vì thế, nhóm luôn muốn lan tỏa nhưng câu chuyện “đẹp” về văn hóa, nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người dân địa phương”, Thiên Hiếu chia sẻ.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích