Tết của người làm nghệ thuật

.

ĐNO - Để có những chương trình nghệ thuật phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán, các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ đã chuẩn bị từ nhiều tháng qua. Vất vả nhưng được diễn, được đến gần công chúng, ai ai cũng phấn khởi.

Các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tập luyện tại khu nhà làm việc của đoàn. Ảnh: NGỌC HÀ.

Các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tập luyện tại khu nhà làm việc của đoàn. Ảnh: NGỌC HÀ

Niềm vui với nghề

Sau khi gặt hái thành công tại Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc vào cuối năm 2020 (đoạt 1 giải B cho giàn nhạc với tác phẩm Vượt sóng và 2 giải C ở hạng mục độc tấu), các nhạc công của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh bắt tay vào tập luyện chương trình nghệ thuật phục vụ Tết Nguyên đán. Anh Tô Văn Thái, Tổ trưởng Tổ Nhạc nhà hát cho biết: Dàn nhạc hiện có 11 nhạc công. Bên cạnh tham gia các vở tuồng, trích đoạn tuồng, các nhạc công tập luyện khá nhiều cho tiết mục "Trống hội".

Đây là tiết mục biểu diễn trống khá quy mô với 20 trống, trong đó có 9 trống lớn; tiết tấu, âm điệu sôi động, rộn ràng phù hợp cho các sự kiện lễ hội. “Tiết mục "Trống hội" đã được chúng tôi trình diễn báo cáo trước Hội đồng nghệ thuật nhà hát. Tiết mục trống này sẽ được kết hợp với một số tiết mục đặc sắc khác để biểu diễn trong chương trình Tết Tân Sửu 2021. Thời gian tập luyện liên tục nhưng chúng tôi rất phấn khởi khi được biểu diễn, trước mắt là Tết, sau là mùa lễ hội xuyên suốt tháng Giêng”, anh Thái cho biết.

Những ngày này, tại khu nhà làm việc của đoàn biểu diễn Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (tuyến đường Tô Hiến Thành, quận Sơn Trà), các nghệ sĩ, diễn viên miệt mài tập luyện. Tiếng nhạc, tiếng hát hòa quyện với nhau. NSƯT Nguyễn Thị Thanh Tiền chia sẻ, chị và các diễn viên nhà hát đang tập vở tuồng dân gian “Lâm Trọng Hoàng” (hay còn gọi tên khác là Mái tóc người vợ hiền) - một vở tuồng được công chúng đặc biệt yêu thích. Trong vai người vợ, NSƯT Thanh Tiền lột tả hết sự chịu thương, chịu khó, đức hy sinh của người vợ hiền.

Bên cạnh vai người vợ vở “Lâm Trọng Hoàng”, NSƯT Thanh Tiền còn tham gia nhiều vai khác. Ấn tượng nhất là vai Tấm trong vở “Nàng Tấm” do nhà hát dàn dựng trong năm 2020, dựa trên câu chuyện cổ tích Tấm Cám đã đi vào tuổi thơ của bao thế hệ. Điểm mới của vở diễn là trên cốt truyện có sẵn, các nghệ sĩ nhà hát đã viết và diễn lại bằng kịch bản tuồng sáng tạo, mang tính đặc trưng riêng của nghệ thuật tuồng, đậm tính nhân văn, không có chuyện trả thù cay nghiệt của Tấm đối với Cám.

NSƯT Thanh Tiền tâm sự: “Tết cổ truyền là dịp người dân tìm đến nhiều loại hình giải trí. Đối với nghệ sĩ, diễn viên nhà hát, mong muốn được diễn trước công chúng yêu nghệ thuật truyền thống là niềm hạnh phúc. Chúng tôi tập luyện mỗi ngày, tập nhiều vở, nhiều trích đoạn để có thể đáp ứng được mọi yêu cầu của người xem”.

Gần 40 năm gắn với dân ca, bài chòi nhưng mỗi dịp Tết đến, xuân về, Nghệ nhân Ưu tú Đỗ Hữu Quế, CLB Bài chòi Sông Yên (huyện Hòa Vang) lại phấn khởi khi mang những làn điệu đặc trưng của xứ Quảng đến với bà con. “Nói đến Tết là phải nói đến bài chòi. Người dân vui một chớ nghệ nhân vui mười. Mấy mươi năm trong nghề, điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là vẫn còn người yêu bài chòi và chúng tôi được chào đón nồng nhiệt khi đi diễn. Năm nay tình hình khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng mang bài chòi đến với người dân”, Nghệ nhân ưu tú Đỗ Hữu Quế chia sẻ.

Sẵn sàng phục vụ Tết

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Trần Ngọc Tuấn cho biết, để phục vụ chu đáo người dân cho Tết Nguyên đán, đặc biệt chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhà hát chuẩn bị 6 vở diễn, gồm các vở tuồng lịch sử ca ngợi tinh thần yêu nước như: vở Trần Bình Trọng, vở Hoàng Diệu, vở Thoại Ngọc Hầu…, hay các vở tuồng dân gian đặc sắc như vở Thọai Khanh - Châu Tuấn, Nàng Tấm, Mái tóc người vợ hiền.

Ngoài ra, để phục vụ du khách, nhà hát hoàn chỉnh một số chương trình nghệ thuật truyền thống: Hồn Việt, Trầm tích sông Hàn, tổ hợp 3 chương trình Cội nguồn (tập trung các trích đoạn tuồng và hòa tấu nhạc kết hợp sân khấu hóa)…

Trích đoạn
Trích đoạn "Đào Tam Xuân đè cờ" trong chương trình Cội nguồn của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ảnh: NGỌC HÀ

“Nhà hát đã có lịch diễn cụ thể tại lễ hội đình làng Túy Loan, một số điểm ở quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà… Đến nay, các nghệ sĩ, diễn viên nhà hát vẫn luyện tập mỗi ngày, nâng cao chất lượng từng vai diễn, từng chương trình để mang đến những đêm diễn đặc sắc phục vụ người dân và du khách”, ông Tuấn cho biết.

Trong khi đó, dịp Tết Nguyên đán này, Nhà hát Trưng Vương tập trung thực hiện chương trình nghệ thuật Đêm giao thừa (quay tại nhà hát và phát trên DaNangTV tối 30 và mồng 1 Tết. Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương cho biết: Các nghệ sĩ, ca sĩ nhà hát tập luyện với cường độ cao nhằm mang đến chương trình nghệ thuật chất lượng, đặc sắc.

Vẫn những bài hát quen thuộc về Đảng, mùa xuân, tình yêu nhưng được hòa âm, phối khí, dàn dựng kỹ lưỡng, hứa hẹn mang đến giây phút thăng hoa cùng âm nhạc. Tất cả sẽ tạo nên cảm xúc đặc biệt trong khoảnh khắc chào đón năm mới.

NSƯT Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Đà Nẵng cho rằng, thành phố có các loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc trưng của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng như dân ca, bài chòi, tuồng khá hay và độc đáo. Đồng thời, có đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên đông đảo, tài năng.

Riêng hội nghệ sĩ sân khấu thành phố đã có hơn 50 hội viên. Đây chính là vốn quý góp phần làm giàu cho bản sắc văn hóa Đà Nẵng. “Theo tôi được biết, bên cạnh các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thì nhiều nghệ sĩ thuộc các CLB dân ca, bài chòi cũng đã chuẩn bị chương trình phục vụ người dân tại các địa phương”, NSƯT Nguyễn Thanh Tùng nói.

NGỌC HÀ

 

;
;
.
.
.
.
.