Văn hóa - Giải trí

Nỗ lực bảo tồn văn hóa biển

14:53, 08/05/2021 (GMT+7)

Trước tác động mạnh mẽ của đô thị hóa và sự thay đổi cơ cấu ngành nghề, các làng ven biển thành phố thưa dần người gắn bó với biển. Song để giá trị văn hóa biển vẫn là mạch nguồn trong dòng chảy văn hóa Đà Nẵng, một số ngư dân cất công tìm hiểu, lưu giữ, phục dựng, kể cả xây dựng vở dân ca kịch về biển... Chính họ đã góp phần tạo nên “hồn biển” trong bức tranh văn hóa thành phố.

Người dân Mân Thái, quận Sơn Trà tái hiện hình ảnh trét thúng quen thuộc của ngư dân. (Ảnh chụp tháng 4-2021)					         		          Ảnh: HÀ THU
Người dân Mân Thái, quận Sơn Trà tái hiện hình ảnh trét thúng quen thuộc của ngư dân. (Ảnh chụp tháng 4-2021). Ảnh: HÀ THU

Phục dựng nghề của cha ông

78 tuổi, đôi bàn tay gân guốc, chai sạm nhưng bà Trần Thị Nương (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) vẫn thoăn thoắt vá những mảng lưới lớn tại buổi ghi hình phục dựng nghề biển của người dân làng Mân Thái. Chuyện chẳng có gì bất ngờ bởi từ thời con gái, bà Nương đã quá quen thuộc với những công việc của nghề biển: vá lưới, trét ghe, gánh cá... Năm 18 tuổi, lấy chồng cùng làng - cũng là ngư dân “thứ thiệt”, cuộc đời bà tiếp tục gắn với biển cả và những chuyến ra khơi.

“Ở làng tôi, phụ nữ ngày ấy đi biển cũng không lấy gì làm lạ. Tôi đi biển cùng chồng miết đến khi hai vợ chồng lớn tuổi mới thôi. Với chúng tôi, biển thấm vào từng làn da, thớ thịt. Được trở lại những công việc một thời để ghi lại hình ảnh cho thế hệ mai sau nhớ về cái nghề của làng, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ”, bà Nương nói.

Không như bà Nương, ông Nguyễn Ngọc Thành (66 tuổi, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) đến năm 27 tuổi mới theo nghề biển, nhưng ông đã “lận lưng” nhiều vốn liếng về cái nghề này. Theo hồi tưởng của ông Thành, vào mùa trăng ít cá là dịp để người dân ở nhà sửa soạn lại ghe, thuyền, ngư cụ, thường là vá lưới, nhuộm lưới. Ngày đó, để nhuộm lưới, người dân đi lấy vỏ cây dương liễu hoặc lên núi Sơn Trà tìm vỏ cây cườm thị về giã ra rồi ngâm nước, lấy nước đó mà nhuộm lưới.

Trong đợt phục dựng lần này, một số công việc liên quan nghề đi biển của dân làng ngày trước như: lễ cúng tạ hồi, gọt phao gỗ, trét dầu rái đôi bầu, dùng dây tơ hồng chà phân bò vào thúng, giã vỏ thông, vá trủ... được tái hiện sinh động. Điều đáng nói, nguồn kinh phí để phục dựng do chính người dân Mân Thái hiện còn sinh sống tại làng hoặc đã chuyển đi định cư nơi khác đóng góp.

Ông Phạm Văn Liễn (80 tuổi, vị cao niên làng Mân Thái) chia sẻ: “Bà con trong làng đồng lòng, cùng chung tay, góp sức ghi lại tư liệu vừa chính xác vừa sinh động về nghề đi biển của cha ông. Một mai thế hệ lớn tuổi không còn nữa thì những lớp kế cận nhìn vào đó mà nhớ, mà thương cái nghề của cha ông; hơn cả là giữ gìn bản sắc văn hóa biển của vùng đất bãi ngang này”.

Sáng tác, dàn dựng dân ca kịch về biển

Mới đây, vở kịch dân ca, bài chòi “Hồn biển” được diễn với sự có mặt của lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và lập tức gây chú ý bởi kịch bản do ngư dân Cao Văn Minh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) viết. Vở kịch dân ca, bài chòi này kéo dài hơn 2 giờ với sự tham gia của gần 40 diễn viên, nghệ sĩ chuyên và không chuyên.

Nội dung xoay quanh nghề biển với những khó khăn, vất vả nơi muôn trùng sóng gió; trong đó có những người thiết tha yêu biển, cũng có những người vì lợi ích riêng mà phá hoại môi trường biển...; hình ảnh Thần Nam Hải (cá Ông) - vị thần được ngư dân tôn kính, cứu ngư dân lúc hoạn nạn và cả những cảnh báo về ứng xử với biển...

Kịch bản được ông Minh viết một mạch trong vòng 10 ngày. Còn ý tưởng thì như ông nói: “Nó thấm dần từ năm này qua năm nọ”. Trong “Hồn biển”, tác giả sử dụng những làn điệu quen thuộc của dân ca xứ Quảng như: hò khoan, hò quảng, hò giật chèo, hò chèo thuyền, các hình thức nói lối, xuân nữ, vọng kim loan... Ông Minh cho biết, những làn điệu này gắn bó và quá đỗi quen thuộc với người dân xứ biển, họ có thể hát trong lao động hay những buổi chiều bên hiên nhà khi nhàn hạ.

Theo đạo diễn Nguyễn Minh Bá, từng công tác tại Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam, khi nhận làm đạo diễn cho vở “Hồn biển”, ông cũng khá vất vả trong khâu chỉ đạo diễn xuất nhưng chính nhiệt huyết của lão ngư Cao Văn Minh đã thuyết phục ông cùng hợp tác để cho ra đời vở dân ca kịch mang nhiều ý nghĩa.

“Tôi chưa từng gặp một lão ngư nào mà “máu” về dân ca Khu 5 như thế, tôi cũng lần đầu gặp một người không qua trường lớp nào lại viết hẳn một kịch bản về nghề nghiệp của chính mình. Phải chăng những năm tháng lăn lội với biển cả, mọi thứ đã thấm nhuần trong lão ngư này nên câu chữ cứ thế tuôn ra như một lời tâm sự, như một mong mỏi về cái nghề của cha ông? Tôi tự hỏi như thế và cố gắng hỗ trợ dù gặp nhiều khó khăn do chính người viết kịch bản, dàn diễn viên đều không chuyên”, đạo diễn Nguyễn Minh Bá nói.

Tương tự, nghệ sĩ Huyền Tân, đảm nhận vai nữ chính trong vở dân ca kịch cũng vì quý tấm lòng của ngư dân Cao Văn Minh. “Vở diễn dân ca dài 2 tiếng đồng hồ, lần đầu tiên trong một lễ hội cầu ngư của thành phố có một vở dân ca kịch bài bản như vậy, mà biên kịch là một ngư dân. Với tôi, vai Vân trong vở khá nội tâm, vì thế làm sao để lột tả hết nhân vật không hề dễ. Nhưng bản thân cố gắng vì tôi khá tâm đắc với nhân vật cũng như nỗ lực của tất cả mọi người”, Huyền Tân chia sẻ.

Khép lại câu chuyện, ông Minh bày tỏ: “Nhiều người hỏi điều gì đã thôi thúc một lão ngư như tôi đi viết kịch bản “Hồn biển” rồi đi vận động kinh phí để dàn dựng, biểu diễn cho bà con xem? Với tôi, đơn giản chỉ là đau đáu một niềm yêu biển và tự hào về biển. Tôi và những người cùng thế hệ trăn trở về việc ngày càng nhiều người không mặn mà với nghề biển. Kịch bản “Hồn biển” như một thông điệp gửi gắm đến người dân tình yêu với biển, kêu gọi người dân quay về với biển. Dù khó khăn vất vả nhưng biển cả từ xưa nay không bạc đãi con người”.

Đó cũng là tâm sự của những người như bà Nương, ông Thành, ông Liễn hay bất kỳ ngư dân ở các làng ven biển Đà Nẵng. Họ chính là nhân chứng sống, góp phần không nhỏ vào bảo tồn văn hóa biển và lễ hội cầu ngư - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận theo Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL ngày 10-3-2016.

HÀ THU

.