Quê cát - nơi có một người mẹ

.

Ai cũng có một nơi để quay về, đó là nhà, và một nơi để nhớ về, đó là quê hương. Quê cát - tập truyện ký của Hồ Duy Lệ (NXB Hội Nhà văn, 2021) - là những câu chuyện mộc mạc về quê hương, tuổi thơ và chiến tranh, được ghi lại trong những bài ký. Quê cát khắc họa rõ nét hình ảnh một người mẹ quê tần tảo với đức hy sinh và tuổi thơ của một cậu bé trên vùng cát trắng đầy khắc nghiệt...

1. Quê cát là hình ảnh người mẹ hiện lên trong nỗi nhớ thương cháy bỏng. Mẹ - cô Hai Điệp bán hàng xén ở chợ làng ngày đó, duyên phận đưa đẩy đã gặp cha, rồi về làm vợ, làm dâu, làm mẹ. Từ đó, mẹ một đời tần tảo vì chồng, con. “Thoát được gánh nặng, một bầy em với bộn bề công việc, bếp núc, lo toan thì mạ lại trĩu trên vai một cái gánh khác, không chỉ nặng nề mà đâu dễ ai cũng có thể đảm đương”. 

Quê cát ghi lại một tuổi thơ dữ dội, ác liệt nhưng cũng đầy trẻ thơ, nghịch ngợm. Dù xa quê nhưng những kỷ niệm đã ăn sâu vào ký ức tác giả - một làng quê nghèo đầy nắng gió trên trảng cát, nắng đến nỗi “đi học về trưa, mùa nắng, khi nào trên tay cũng cầm theo một nhành lá, có khi lá dương liễu, có khi lá mù u, vừa đi, vừa chạy, mệt quá thì thả nhành lá xuống đất, đứng yên trên lá, nghỉ cho khỏi nóng hai chân”. Một quê cát không kém phần thơ mộng trong con mắt trẻ thơ ngày đó, khi đường đến trường “theo bờ con suối luôn róc rách”, cũng có khi “nước chảy ồ ồ” sau một trận mưa “phải nhờ mấy bác nông dân cõng qua” vì không tài nào qua được.

Một tuổi thơ đầy đủ mẹ cha và anh em trong ngôi nhà thân yêu nhưng nỗi cơ cực luôn hiện diện trong từng bữa ăn, giấc ngủ, trong từng nếp sinh hoạt mỗi ngày. Nỗi cơ cực mà ngày đó trong chiến tranh hầu như không nhà nào tránh khỏi. Những nhà đông con lại càng cực hơn. Mùa lạnh về “chưa đứa nào có được áo ấm”. Ra đồng chăn bò, dưới đôi chân đất, trên vẫn chỉ cái áo tơi “quần đùi áo cánh phong phanh”. Đến trường vào mùa mưa, vẫn con đường in đậm dấu chân, nhưng “khi nắng lên, đi qua” thì “quay lại nhìn không nhận ra dấu chân mình”. Một hình ảnh gợi thương và đầy chất thơ của một cậu bé nông thôn Quảng Nam, sinh ra và lớn lên trên trảng cát, quanh năm chỉ có hai mùa nắng mưa khắc nghiệt.

2. Xa quê rồi, cứ mỗi lần nhắc đến mẹ “thì hình ảnh một làng cát nghèo bỗng hiện lên”. Thương đến cháy lòng khi nhớ về một thuở, mẹ một mình “chạy ngược, chạy xuôi, lo cho năm đứa con ăn học”. Năm đứa con, đứa còn bé dại, đứa tuổi ăn tuổi lớn, cứ vô tư mà “ngủ như chết” khi đêm về lòng mẹ “rưng rưng”, khi “bóng ba xa dần, khuất dần vào rừng dương”. “Băng qua đường, qua bãi cát”, ba đi kháng chiến, đặt lên vai mẹ nỗi gian truân và gánh nặng cơm áo vì đàn con. Quanh năm, dù mưa hay nắng, mẹ vẫn “đội chiếc nón lá, quảy đôi gánh đi trên cát”. Một mình mẹ với đàn con thơ, mẹ làm lụng, nuôi con, chờ chồng.

Và nhớ, một quê cát chỉ cát, và cát, bỏng rát và nóng rẫy đã đi vào bữa ăn, giấc ngủ. Cát “như triệu triệu con bọ chét tung bay khắp nơi” cũng là nỗi kinh hoàng của người dân vùng cát, khi “cát lọt vào áo, vào tóc, vào mắt, vào nước uống, vào cơm, cát nằm từng nắm trong túi áo, túi quần”. Ngày đó, trẻ con nghe đến “con ma trót trót” là kinh hoàng, những chuyện ma mị do người lớn thêu dệt từ “một cơn gió xoáy” trên cát, “loại gió cụt đầu” đùng đùng xuất hiện, lao tới mà cũng đủ “tốc mái tranh, ụi sụp nhà”.

Sao có thể quên nơi mẹ, cha đã gặp nhau! “Quê cát” đó! Mẹ với đôi quang gánh “đôi lần không quảy” mà “bưng cái rổ bên hông”, tần tảo, chịu thương. Có nỗi nhớ thương nào bằng hình ảnh mẹ liêu xiêu trên cát, quảy đôi quang gánh đi trong buổi sớm tinh sương và trong chiều muộn trở về, chắt chiu cho đàn con từng miếng ăn, giấc ngủ. Những ký ức giờ đây chỉ còn là “chỗ đậm, chỗ nhạt” nhưng vẫn nhớ, vẫn thương đến nao lòng, “đêm nằm không ngủ được”.

Còn mãi đó, ký ức đong đầy nỗi nhớ mẹ, nhớ quê. Nỗi nhớ thương bỏng rát trong giấc ngủ còn lẽo đẽo theo về...

Một tuổi thơ “buồn, vui, gian truân, ác liệt và nhớ” được ghi lại thật sống động trong tập truyện ký Quê cát của Hồ Duy Lệ, và rồi ngậm ngùi vì thời gian đã qua, “ai còn, ai mất”. Trong nỗi nhớ bị “xé nát” của ký ức tuổi thơ, hình ảnh “hai động cát không một bóng cây”, trên đó có đứa trẻ lội qua để đến trường. Thương ơi! Tuổi thơ gian khó và dữ dội. Cũng có khi đầy hồn nhiên và nghịch ngợm, “quên cả học hành” khi tìm những con bọ chét “bỏ vào trong lưng quần” cho “vừa nhột, vừa ngứa” để rồi “gãi đến trầy da” thì mới chịu. Những trò nghịch ngợm trong “buổi sớm chiều chăn bò trên trảng cát”, lỡ có bị ba mẹ la rầy thì lần sau vẫn thế, quên ngay… Tuổi thơ của những đứa trẻ trên trảng cát ngày đó có gì để chơi ngoài những trò nghịch ngợm, ngây ngô?

VŨ NGỌC GIAO

;
;
.
.
.
.
.