Đình làng tại thành phố Đà Nẵng không hoành tráng về quy mô, phong phú về họa tiết trang trí. Song, xét tổng thể, kiểu thức trang trí trên đình làng Đà Nẵng mang dấu ấn đặc trưng của cư dân địa phương, chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử linh thiêng và nghệ thuật độc đáo.
Các cột, kèo tại đình làng Hải Châu thường trơn nhẵn hoặc ít chi tiết chạm khắc. |
Đậm nét bản sắc văn hóa làng Việt
Theo phòng Quản lý di sản văn hóa (thuộc Bảo tàng Đà Nẵng), các đình làng tại thành phố hiện nay được hình thành từ cuối thế kỷ XVIII và có sự chuyển biến trong kỹ thuật xây dựng, kiến trúc, trang trí. Trong đó, đặc điểm về nghệ thuật trang trí là một trong những dấu hiệu nổi bật, thể hiện đặc trưng của đình làng của thành phố. Đến nay, thành phố có 5 đình làng xếp hạng di tích cấp quốc gia, gồm: đình Nại Nam, đình Đồ Bản, đình Túy Loan, đình Hải Châu, đình Thạc Gián và 40 đình là di tích cấp thành phố.
Khác với đình làng Bắc bộ, đình làng Đà Nẵng gần như vắng bóng các mảng chạm khắc trên gỗ với các đề tài tả cảnh sinh hoạt, các trò chơi dân gian hay các tuồng tích cổ. Nghệ thuật trang trí tại các đình làng của thành phố chủ yếu sử dụng họa tiết với các chủ đề phổ biến như: tứ quý, tứ linh, bát quả, bát bửu..., được nề vôi, vữa, khảm sành, sứ, xà cừ... Cách làm này giúp bảo đảm độ bền và phù hợp với thời tiết lắm nắng, nhiều mưa, tương đối khắc nghiệt của khu vực miền Trung.
Đặc biệt, hình thức khảm xà cừ thể hiện đặc tính và nét văn hóa biển rõ rệt của Đà Nẵng. Trong đó, nổi bật là hình ảnh các linh vật, được thể hiện qua các kiểu thức trang trí tứ linh (long, lân, quy, phụng) và bát vật (cá chép, hổ, hạc, dơi...).
Trong các đình làng tại thành phố, linh vật là chủ đề trang trí xuất hiện tương đối nhiều, biểu trưng cho sức mạnh, niềm tin tâm linh của người dân. Tuy nhiên, một số đình vẫn có kiểu thức trang trí thể hiện nét đặc sắc riêng biệt, không trộn lẫn với các đình làng khác. Đơn cử, tại đình Bồ Bản (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), ngoài đầu rồng thường thấy, các thanh trính, kèo còn được trang trí thêm tứ thời, tứ quý, cầm kỳ thi tửu... mềm mại và tinh xảo.
Ông Tán Kim, Trưởng ban Quản lý đình Bồ Bản cho biết, đình có tất cả 36 cây cột làm bằng gỗ lim, gỗ mít, được chạm khắc công phu và đặt trên kệ đá chạm hình trái bí. Trên nóc mái đình đắp hình “lưỡng long triều nguyệt”. Phần giữa của mái trước tạo thêm đường gờ cao, gắn hình “lưỡng phụng tranh ngọc” và kim quy cá gáy. Hai đầu bít đốc trang trí hình dơi, mai điểu, tùng lộc. Ngoài sân có một bức bình phong lớn, mặt trong trang trí hình rùa, mặt trước là hình long mã. Tất cả đều được tạo dáng qua kỹ thuật nề và ghép sành, sứ với kỹ thuật tinh xảo.
“Trải qua biến thiên lịch sử, nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng kiến trúc, nghệ thuật trang trí của đình Bồ Bản vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu. Đối với người dân nơi đây, đình Bồ Bản không chỉ là biểu tượng văn hóa và nghệ thuật dân tộc, mà còn là nơi ghi dấu ấn vẻ vang của cha ông trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm”, ông Kim nhấn mạnh.
Trên mái đình làng Hải Châu đắp hình viên châu độc đáo, khác biệt với nhiều đình làng khác tại Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Gần gũi với đời sống nhân dân
Khác với những đình làng còn lại tại thành phố, đình làng Hải Châu có kiểu thức, nghệ thuật trang trí không mang nặng yếu tố tâm linh mà hướng tới những nét gần gũi với cộng đồng dân cư. Ông Nguyễn Duy Minh, cán bộ văn hóa phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) cho biết, họa tiết xuất hiện nhiều nhất ở đình làng Hải Châu là mặt trời (châu) và các gợn sóng (hải). Mái đình lợp ngói âm dương khắc chữ thọ, chính giữa mái gắn hình viên châu làm chủ đạo.
Ngoài ra, đình làng Hải Châu còn có những đặc điểm riêng khác như: không có bình phong trước sân; các cây cột, kèo tại đình toàn bộ làm bằng gỗ lim trơn nhẵn, không chạm khắc họa tiết; bàn hương áng bằng gỗ được chạm trổ thủ công tỉ mỉ với đầy đủ tứ linh, tứ quý và nhiều loài vật khác.
“Đình làng Hải Châu không thờ thần như những đình khác mà chỉ thờ trời, đất và con người. Kiến trúc đình mang dáng dấp hiện đại theo tiến trình phát triển của thành phố nhưng vẫn ẩn dụ nhiều yếu tố văn hóa, nghệ thuật gần gũi, gắn liền với đời sống nhân dân Đà Nẵng từ bao đời nay”, ông Minh cho hay.
Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, lịch sử, xã hội, tư duy thẩm mỹ trong kiến trúc qua từng thời kỳ có nhiều thay đổi, song nghệ thuật trang trí, kiến trúc truyền thống tại các đình làng của thành phố vẫn được gìn giữ và tiếp nối từ thế hệ cha ông đi trước. Hình tượng con vật, hoa lá cỏ cây, tứ linh, bát vật được cách điệu thành nghệ thuật trang trí tại các đình làng vừa thích hợp với bố cục của không gian kiến trúc truyền thống, có tính thẩm mỹ cao, vừa mang sự linh thiêng trong tín ngưỡng văn hóa dân gian, đậm nét bản sắc văn hóa.
Cũng theo ông Thiện, đa số các kiến trúc trang trí đình làng đều ở ngoài trời, chịu sự tác động, ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết nên nguy cơ xuống cấp tương đối cao. Do đó, công tác bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa đình làng luôn được thành phố quan tâm, chú trọng. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, ngành văn hóa Đà Nẵng đã trùng tu, tôn tạo 26 đình làng với kinh phí hơn 80 tỷ đồng.
“Trong thời gian đến, Bảo tàng Đà Nẵng với chức năng của mình sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất Sở Văn hóa và Thể thao thành phố có phương án trùng tu, bảo tồn các di tích đình làng có dấu hiệu xuống cấp. Qua đó, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung”, ông Thiện khẳng định.
XUÂN DŨNG