LẤY VĂN HÓA LÀM NỀN TẢNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Bài 2: Xây dựng bảo tàng thành điểm đến hấp dẫn

.

Bên cạnh nâng cấp, đầu tư các bảo tàng hiện có (Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật…), thành phố tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống bảo tàng để tạo nên điểm nhấn văn hóa đặc sắc và điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến Đà Nẵng.

Thành phố dành vị trí đắc địa là tòa nhà 42 Bạch Đằng - vốn là Tòa đốc lý do người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ XIX và nguồn vốn ngân sách hơn 500 tỷ đồng cho dự án Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN SƠN
Thành phố dành vị trí đắc địa là tòa nhà 42 Bạch Đằng - vốn là Tòa đốc lý do người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ XIX và nguồn vốn ngân sách hơn 500 tỷ đồng cho dự án Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN SƠN

Đột phá trong đầu tư bảo tàng

Ngày 11-5-2020, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1667/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng. Đây là bước đột phá trong đầu tư bảo tàng, bởi thành phố dành vị trí đắc địa (vốn là Tòa đốc lý do người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ XIX) và nguồn ngân sách hơn 500 tỷ đồng cho dự án này.

Theo quy hoạch, tòa nhà lịch sử hiện tại với tổng diện tích hơn 3.500m2 được cải tạo thành bảo tàng. Trong đó, khối nhà lịch sử 3 tầng tại 42 Bạch Đằng chuyển đổi thành không gian trưng bày và các không gian công cộng; cải tạo khối nhà hội trường thành phòng họp, hội thảo theo hướng giữ cơ bản kiến trúc hiện tại; đồng thời, xây dựng tòa nhà mới với quy mô 3 tầng nhưng bảo đảm hài hòa với kiến trúc tòa nhà 42 Bạch Đằng.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, bảo tàng tại vị trí mới sẽ kết nối với quảng trường chung quanh thành Điện Hải, Thư viện Khoa học tổng hợp và cảnh quan bờ tây sông Hàn tạo thành quần thể kiến trúc văn hóa độc đáo. Khi dời về số 42 Bạch Đằng, Bảo tàng Đà Nẵng cũng mở rộng quy mô trưng bày, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất là nơi sưu tầm, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của thành phố và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Từ đó, góp phần giáo dục và phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham quan, tìm hiểu, hưởng thụ văn hóa của đông đảo người dân cũng như du khách.

Cũng trong năm 2020, thành phố có chủ trương đầu tư Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 ở Phong Lệ (quận Cẩm Lệ) bằng ngân sách với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng. Dự án đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thời gian đầu tư và hoàn thành từ năm 2021-2023. Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 được đánh giá có vị trí thuận lợi, nối thẳng tuyến du lịch đường sông lên khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Vì vậy, có đủ tiềm năng để trở thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn.

Thành phố tiếp tục có chủ trương nghiên cứu thực hiện đầu tư Bảo tàng Văn hóa biển với mức đầu tư 500 tỷ đồng (giai đoạn 2025-2030). Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vị trí bảo tàng này ở ven biển quận Sơn Trà hoặc chọn khu vực cuối tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc giáp tuyến đường Nguyễn Tất Thành.

Ngoài ra, dự kiến đầu tư bảo tàng/nhà trưng bày các tác phẩm, hiện vật do tổ chức, cá nhân hiến tặng (trưng bày, triển lãm chuyên đề) có tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng. Dự án này có chủ trương của UBND thành phố vào tháng 9-2019, triển khai giai đoạn 2022-2025; sử dụng quỹ đất bị thanh kiểm tra để thực hiện.

Đáng chú ý, thành phố tạo điểm nhấn đô thị thông qua hình thành “bảo tàng sống”. Quy hoạch “bảo tàng sống” được lựa chọn nằm trong khu vực đô thị rộng 11ha ở quận Hải Châu, lấy di tích quốc gia Đình làng Hải Châu làm trung tâm. Đây là khu vực trung tâm được khai phá lâu đời, vẫn còn bảo lưu được những kiến trúc cũ và dấu ấn lịch sử, văn hóa; có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh và hồn sắc cho đô thị thành phố Đà Nẵng.

Làm sao để hấp dẫn du khách?

Theo chủ trương của thành phố, hệ thống bảo tàng được quy hoạch với định hướng phát triển các bảo tàng trở thành địa điểm đặc trưng, thu hút người dân và du khách. Ông Diệp Dân Hùng, Trưởng phòng Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng UBND thành phố chia sẻ, đó cũng là cách làm ở nhiều quốc gia. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, họ luôn chú trọng phát triển công nghiệp du lịch kết hợp văn hóa, thông qua việc hình thành những điểm tham quan độc đáo và hấp dẫn, trong đó có bảo tàng. Chẳng hạn như ở đảo Jeju (Hàn Quốc) với diện tích hơn 1.800km2, dân số cũng chỉ hơn 600.000 người nhưng ở đây có đến 65 bảo tàng, từ bảo tàng nghệ thuật đến bảo tàng chuyên ngành - những nơi mà khách du lịch ít khi bỏ qua.

Nhìn nhận về thị hiếu của du khách, ông Trần Lực, Phó giám đốc Công ty Lữ hành Saigontourist - chi nhánh tại Đà Nẵng, một trong những đơn vị hàng đầu về khai thác thị trường khách du lịch bằng đường biển ở Đà Nẵng cho rằng, khách quốc tế rất quan tâm tìm hiểu, khám phá các bảo tàng, trong khi đó khách nội địa thì ít có nhu cầu.

“Tuy nhiên, nếu Đà Nẵng đầu tư các công trình bảo tàng quy mô, đặc sắc thì sẽ tạo ấn tượng với du khách trong bối cảnh chúng ta thiếu các sản phẩm du lịch như hiện nay”, ông Lực nói.

Để hấp dẫn du khách, theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours), các bảo tàng cần đầu tư công nghệ số như: hệ thống thuyết minh đa ngữ qua thiết bị di động (dùng điện thoại quét mã QR Code được gắn trên hiện vật), trải nghiệm bằng công nghệ thế giới ảo 3D Scanning…; giúp cho du khách có thể tự tìm hiểu về nội dung trưng bày của bảo tàng. Đồng thời, bảo tàng phải không ngừng làm mới mình.

Ông Tùng dẫn chứng, người Nhật làm bảo tàng rất hay, cũng bảo tàng đó mà mỗi lần du khách quay lại là cảm nhận được điều mới mẻ, giá trị khác nhau thông qua cách trưng bày, qua câu chuyện dẫn dắt…

Theo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, kiến trúc và quy hoạch đô thị hiện nay ưu tiên sự thích ứng hài hòa với môi trường tự nhiên và bản sắc văn hóa địa phương. Quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng định hướng các địa điểm văn hóa và lịch sử hiện tại được bảo tồn và tích hợp phát triển đô thị vào không gian công cộng mới.

Do đó, để phát huy tối đa hiệu quả của các bảo tàng như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật, “bảo tàng sống”, các ngành chức năng xác định chúng vừa là những mảnh ghép riêng lẻ có chất lượng, vừa khớp nối hài hòa về mặt kiến trúc, tiện ích với không gian văn hóa khác như Quảng trường trung tâm (với thành Điện Hải là lõi), không gian văn hóa hai bờ sông Hàn, Công viên APEC… tạo thành bức tranh tổng thể kiến trúc đô thị của thành phố Đà Nẵng.

Đồng thời, việc đầu tư các công trình văn hóa này xác định phải đáp ứng 3 yếu tố, gồm: mang tầm vóc bản sắc của thành phố và trung tâm văn hóa khu vực miền Trung và Tây Nguyên; các hạng mục đầu tư phải xuất phát và nhu cầu của người dân thành phố; trở thành sản phẩm khai thác phục vụ khách du lịch.

Thúc đẩy hình thành hệ thống bảo tàng ngoài công lập

Theo Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) thành phố, trên địa bàn thành phố hiện có 2 bảo tàng ngoài công lập. Đó là Bảo tàng Đồng Đình và Bảo tàng Văn hóa Phật giáo. Bảo tàng Đồng Đình được thành lập tại Quyết định số 287/QĐ-UBND ngày 10-1-2011 của UBND thành phố Đà Nẵng. Đây là công trình văn hóa hoạt động theo phương thức xã hội hóa, phi lợi nhuận nhằm tạo thêm một điểm đến văn hóa cho Đà Nẵng.

Bảo tàng Văn hóa Phật giáo được thành lập tại Quyết định số 9189/QĐ-UBND tháng 12-2014 của UBND thành phố, là Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam. Ngày 24-12-2015, bảo tàng chính thức đi vào hoạt động, phục vụ khách tham quan. Bảo tàng trưng bày 200 hiện vật được sưu tầm, bổ sung liên tục qua 3 đời trụ trì, trong đó có nhiều bộ sưu tập phản ánh nghệ thuật Phật giáo Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực châu Á.

Hiện Sở VH&TT đang tham mưu xây dựng chính sách xã hội hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, khuyến khích xây dựng bảo tàng tư nhân, đẩy mạnh công tác xã hội hóa và đa dạng các mặt hoạt động trên lĩnh vực bảo tàng, di sản.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích