Ngang qua miền sáng tối

.

1. Hôm nay đã là ngày thứ 3 chúng tôi bị kẹt lại ở bản biên giới Xa Ri. Trời mưa nhiều ngày liên tiếp, con đường trở ra thị trấn bị lấp kín bùn đất khiến nơi này trở thành ốc đảo. Leo lên một con dốc cao, tôi và người bạn đồng nghiệp cùng phóng mắt ra khoảng đồi bát ngát, mùi sình lầy ngai ngái đâu đó bất giác xộc lên, chúng tôi lặng người đi, nhưng tất nhiên, không phải vì thứ mùi nghèo khó và mang tính chia cắt đó, mà trước mắt, trời bắt đầu vén lên một khung cảnh đẹp đến nao lòng.

Xa Ri chỉ có hơn 50 hộ dân, những nóc nhà được bố trí khá đều nhau. Chúng xếp rải rác theo con đường đất quanh co, bao quanh phần đất bằng phẳng được chia nhỏ thành những ô ruộng mướt xanh ngay chính giữa, xen lẫn là những khe suối nước trong veo, thỉnh thoảng cuộn lên một làn hơi mát dịu.

Tôi nhìn thấy mây, nghe thấy gió. Mây theo gió, gió thổi mây sà xuống la đà ven chân núi ẩm sương. Thế rồi, từ đỉnh xa, mặt trời đột ngột hiện ra đỏ hồng như một quả lựu khổng lồ, lửng lơ nhưng càng lúc càng sáng rõ.

2. Tuần trước, chúng tôi theo chân đoàn làm phim tài liệu của Đài Trung ương vào Xa Ri để gặp Ăm Moan, người già làng cao tuổi nhất thôn, ông là pho sử sống về đời sống văn hóa và tâm linh của một tộc người thiểu số trên dãy Trường Sơn. Nhà ông là bảo tàng thu nhỏ với giàn chiêng, khèn bè, các nhạc cụ dân tộc khác và danh sách dài các loại nông cụ, vật dụng sinh hoạt của đồng bào.
Khi những thước phim cuối cùng được quay xong, anh đạo diễn lệnh cho đoàn đóng máy, tổ chức một buổi liên hoan hoành tráng để cảm ơn bà con dân bản, tặng cho Ăm Moan một món quà rồi rời đi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lẽ ra, tôi và Thiên đã không bị mắc kẹt lại đây, lẽ ra chúng tôi đã trở về thành phố suôn sẻ. Nhưng chính cái cách đối đãi, tiếp nhận lạ lùng thứ tặng vật mà đoàn làm phim để lại của Ăm Moan khiến tôi suy tư, muốn được chờ đợi, yên lặng và quan sát thêm. Trực giác mách bảo tôi vẫn còn điều gì đó. Những ngày qua, chúng tôi chỉ kịp ghi chép theo tin bài đặt hàng. Liệu đâu, đằng sau ánh nhìn xa xăm và làn khói trắng mà cụ già làng đang phà vào hoàng hôn mờ xám kia còn ẩn chứa rất nhiều câu chuyện khác... Mà tôi, ngoài những thông tin - tôi luôn khát khao được đưa hơi thở cuộc sống, đưa những điều khiến trái tim ai đó có thể bất giác rung lên - vào những tác phẩm báo chí của mình.

3. Ngắm mặt trời mọc chán chê, tôi và Thiên đi sâu vào thung lũng tìm Ăm Moan. Đang là mùa hạ, thung sâu bung những cơn gió nhẹ lay động những khóm ngô. Những nhành hoa ngô màu tím sữa rung ring rung rinh, thỉnh thoảng tôi còn nghe tiếng rè rè của vài chú bọ cánh cứng bay vút qua trên đầu.
Nhà của Ăm Moan nằm trên một khu đất riêng biệt được bao bọc bằng những cây cọc nhỏ xếp song song với nhau. Tranh thủ trời nắng, lão phơi lên đó vài tấm vải thổ cẩm, thấp thoáng lập lòe.

Từ hôm được tặng đến nay, Ăm Moan vẫn không đụng vào chiếc máy hát ấy, già kể con gái già cũng vì một vật dụng tương tự biết phát ra tiếng nhạc tân thời mà đã bỏ bản tìm phố. Vợ lão vì thương con mà ngã bệnh rồi nhanh chóng qua đời. Già lại vì nhớ người mà chiều nào cũng ra sân ngồi ngóng núi. Già chẳng còn sức để đánh chiêng nhảy lên điệu múa nhớ thương những kẻ vắng mặt. Tất cả đều dồn đọng trong lòng.

4. Bản Xa Ri nhìn xa như một quả đồi hình bát úp. Nhưng khi đến gần mới biết những ngôi nhà không hề trơ trọi, chỉ đơn độc dựa lưng vào núi. Ở nơi đó, những ngôi nhà được bao quanh bởi những lạch suối nhỏ, mặt hướng ra những mảnh ruộng tuy hẹp nhưng thanh bình. Ở đó, còn có những vườn cây lốm đốm sắc màu, bộn quả và thơm lừng, hút chim về lúc hè sang. Nếu phong trào bỏ phố lên rừng đang hot thì quả thực đây là chốn tiên cảnh, vậy mà, vẫn có những người phụ nữ trẻ bỏ chồng bỏ con để đi theo những anh thợ điện, chú thợ xây. Những Pỉ Thiết, Pỉ Lài, Pỉ Ngần bây giờ đều muốn mặc váy body, đi xe máy, dùng điện thoại thông minh, đều không còn tha thiết với ống nước tre bên suối, với tiếng chày giã gạo đêm trăng.

Ăm Moan kể, theo truyền miệng, ngày xưa tổ tiên khai sinh ra bản Xa Ri có bùa yêu. Bùa có thể khiến khách đường xa vì thương vì mến mà neo lại, lấy đất bản cắm dùi, nhưng họ đã quên chế tạo một loại bùa khác, loại bùa nhằm ngăn những người trong bản rời đi. Ăm Moan buồn buồn, ngâm lên một đoạn đồng dao:

“Những người kia, họ dù có đi xa bao nhiêu cũng làm
sao biết được mọi thứ?
Thời gian khiến hoa tàn nhưng cũng khiến cây mọc.
Núi và sông ở cạnh, nhưng không là tất cả...
Núi để dựa vào, sông mang nước đến. Nhưng núi và
sông không thể níu giữ, bao quanh.
Với lòng người, dù trao hết đi, cũng chẳng bao giờ là đủ”.

5. Hôm nay có lẽ là ngày cuối tôi và Thiên ở lại bản. Sau nhiều ngày mưa, mặt trời cuối cùng cũng đã ló dạng, đường vì thế sẽ lưu thông. Chúng tôi sẽ trở về đồng bằng, để lại sau lưng những bếp lửa luôn âm ỉ cháy, những dải khói sẽ bay lên hòa quyện vào mây trời…

Tôi sẽ kể cho anh đạo diễn đài Trung ương về bài đồng dao mà Ăm Moan đã hát, về những mảnh ruộng và bụi phấn của hoa ngô lấp lánh như ánh lân tinh trong ánh nắng mặt trời. Anh sẽ biết cách để thêm thắt vào phim những khung hình giàu sức gợi. Còn tôi, tôi đã có từ ngữ làm vũ khí, có những điều sáng tối và ngân rung làm chất liệu. Tôi có những chuyện đời, để làm đẹp làm sâu thêm chuyện nghề.

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.