Các chương trình, hoạt động văn nghệ quần chúng do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Đà Nẵng thực hiện ngày càng có sự chuyển biến rõ nét về quy mô, chất lượng, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đây còn là nơi phát hiện và bồi dưỡng những tài năng nghệ thuật phục vụ các chương trình, sự kiện văn hóa, văn nghệ trên địa bàn thành phố.
Liên hoan hát dân ca và hô hát bài chòi do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Đà Nẵng tổ chức tháng 12-2020. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Đa dạng sân chơi nghệ thuật
Trước thời điểm Covid-19 bùng phát, cứ vào dịp cuối tuần, người dân trên địa bàn thành phố lại đến hai bờ sông Hàn xem các chương trình nghệ thuật miễn phí như: Âm nhạc đường phố, vũ hội đường phố, vũ điệu sông Hàn… Các chương trình nghệ thuật này được biểu diễn bởi các nghệ sĩ không chuyên, thuộc các CLB, đội nhóm văn nghệ quần chúng.
Nghệ sĩ múa Nguyễn Cường, Trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Đà Nẵng cho biết, từ năm 2016 đến nay, đơn vị được thành phố cho phép xây dựng không gian diễn xướng dân gian truyền thống và tổ chức biểu diễn nghệ thuật quần chúng tại hai bên bờ sông Hàn nhằm đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân. Hiện Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Đà Nẵng đang quản lý, duy trì 22 CLB hoạt động văn hóa - nghệ thuật bằng nhiều hình thức như mở lớp bồi dưỡng, hỗ trợ một phần kinh phí biểu diễn và tổ chức sân chơi giao lưu, gặp gỡ.
Song song đó, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Đà Nẵng tập trung đầu tư chất lượng, quy mô các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật để phát hiện, ươm mầm tài năng nghệ thuật từ quần chúng. Điển hình như: Cuộc thi tài năng nghệ thuật thành phố; Liên hoan ban nhóm nhạc, nhóm nhảy và vũ đoàn; Liên hoan hát dân ca và hô hát bài chòi… tổ chức hằng năm đều thu hút hàng trăm thí sinh tham gia. Đặc biệt, nhiều tài năng được phát hiện và kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ trên con đường phát triển sự nghiệp.
Trưởng thành từ Cuộc thi tài năng nghệ thuật thành phố năm 2013, ca sĩ Tuấn Phương (Công ty Đào tạo và Biểu diễn nghệ thuật Nhật Huy) chia sẻ, khi tham gia dự thi, anh đang là sinh viên năm nhất Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng. Đoạt Huy chương Vàng ở thể loại đơn ca giúp anh thêm tự tin và động lực theo đuổi lĩnh vực âm nhạc. Sau cuộc thi, Tuấn Phương tiếp tục cộng tác, biểu diễn cho Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh và được nhiều đơn vị biết đến. Hiện anh đang trực tiếp đào tạo và giới thiệu các bạn trẻ có đam mê âm nhạc tham gia vào những cuộc thi, liên hoan văn nghệ của thành phố.
“Với tôi, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Đà Nẵng có ý nghĩa rất đặc biệt. Đây vừa là nơi giao lưu, tích lũy kinh nghiệm, vừa là bệ phóng giúp tôi phát triển sự nghiệp. Hy vọng rằng, thời gian đến sẽ có thêm nhiều tài năng đi lên từ hoạt động văn nghệ quần chúng, đóng góp vào phong trào nghệ thuật của thành phố”, ca sĩ Tuấn Phương bộc bạch.
Nâng cao hiệu quả, chất lượng
Nhiều năm làm giám khảo cho các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật quần chúng của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Đà Nẵng tổ chức, nhạc sĩ Xuân Minh (Hội Âm nhạc thành phố) đánh giá, có thể nói các thí sinh bây giờ tiến bộ hơn thời trước rất nhiều. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố, quan trọng hơn chính là được cọ xát thường xuyên trong các hoạt động văn hóa - văn nghệ ở địa phương. Đối với các phần thi âm nhạc, phần lớn thí sinh biết làm chủ sân khấu, lựa chọn bản phối nhạc hợp lý và thể hiện ca khúc ăn khớp, hài hòa với phần đệm. Đây là sự tiến bộ lớn, cho thấy phong trào ca hát của thành phố đang có chiều hướng phát triển tốt, không hề kém cạnh các địa phương trong khu vực.
“Tôi ngạc nhiên bởi giọng hát của các em bây giờ chững chạc, độ nhạy trong xử lý ca khúc cao, phát âm nhả chữ chuẩn. Mặt khác, các yếu tố về sân khấu, âm thanh, ánh sáng cũng được Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh đầu tư nên chất lượng chương trình ngày càng tăng, thu hút đông đảo thí sinh tham gia. Trong đó, xuất hiện nhiều gương mặt mới triển vọng, tài năng, có khả năng hoạt động nghệ thuật và đóng góp tích cực cho phong trào văn nghệ thành phố”, nhạc sĩ Xuân Minh nhận xét.
Ông Cao Tấn Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Đà Nẵng cho biết, những năm trước, đa số chương trình nghệ thuật quần chúng được tổ chức theo dạng diễn viên, nghệ sĩ không chuyên biểu diễn cho công chúng. Còn hiện nay, đơn vị đang chuyển hướng theo hình thức tổ chức chương trình cho quần chúng có cơ hội trực tiếp tham gia sáng tạo, thể hiện tài năng. Theo đánh giá, các chương trình, hoạt động theo định hướng trên mang lại hiệu quả cao, thu hút được đông đảo công chúng. Đặc biệt, các chương trình văn nghệ quần chúng hiện nay đều được tổ chức bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh đóng vai trò kết nối, tổ chức sân chơi và hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí. Điều này vừa góp phần tiết kiệm ngân sách, vừa nâng cao giá trị văn hóa quần chúng.
“Phát huy thành công của các cuộc thi, chương trình nghệ thuật quần chúng, thời gian đến, chúng tôi tiếp tục duy trì, tổ chức nhiều hoạt động khác nhằm tạo sân chơi dành cho mọi lứa tuổi tham gia, thưởng thức. Qua đó, góp phần phát triển phong trào văn nghệ quần chúng của địa phương và làm phong phú thêm sản phẩm văn hóa phục vụ du khách”, ông Ngọc nói.
XUÂN DŨNG