Văn hóa - Giải trí

Thầm lặng bảo tồn di tích

13:52, 24/07/2021 (GMT+7)

Ngành văn hóa đang nỗ lực nghiên cứu, đánh giá, xây dựng hồ sơ xếp hạng… để có biện pháp bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trước áp lực của quá trình đô thị hóa và thời gian.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vừa được xếp hạng di tích cấp thành phố trong năm 2021. Ảnh: XUÂN SƠN
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vừa được xếp hạng di tích cấp thành phố trong năm 2021. Ảnh: XUÂN SƠN

Theo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, trong giai đoạn 2016-2020, Đà Nẵng tiến hành trùng tu, bảo tồn 39 di tích lịch sử, văn hóa với kinh phí gần 255 tỷ đồng. Đây đều là những di tích được xếp hạng ở các cấp, có ý nghĩa quan trọng đối với nhân dân và bản sắc văn hóa Đà Nẵng. Để một di tích được xếp hạng, ngoài các yếu tố như giá trị lịch sử, kiến trúc… còn cần rất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, đánh giá giá trị, xây dựng hồ sơ và giải quyết các vấn đề liên quan. Công việc này hiện do phòng Quản lý di sản văn hóa (thuộc Bảo tàng Đà Nẵng) phụ trách chính.

Anh Lê Văn Phúc, chuyên viên phòng Quản lý di sản văn hóa cho biết, mỗi di tích có đặc điểm, hiện trạng cũng như cách tiếp cận khác nhau nhưng cơ bản, việc xếp hạng di tích các cấp cần phải thực hiện theo quy trình 3 bước, gồm: đánh giá giá trị, xây dựng hồ sơ và trình hồ sơ. Trong đó, bước xây dựng hồ sơ là công đoạn khó khăn, tốn nhiều thời gian nhất vì cần rất nhiều tư liệu, chứng tích, thủ tục để bảo đảm cơ sở xếp hạng theo quy định.

Đơn cử, khi xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng mộ Đô thống chế Chưởng phủ sự Lê Văn Hoan là di tích cấp thành phố, cán bộ, nhân viên của phòng tiến hành khảo sát di tích, thu thập tư liệu và khai thác thông tin từ người dân, chính quyền địa phương xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) để đánh giá, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, đây là ngôi mộ có niên đại gần 200 năm, bị hư hại nặng nên việc xác định giá trị gặp nhiều khó khăn. Sau khi nắm thông tin đây là mộ của thống chế thời Tây Sơn triều Nguyễn, phòng Quản lý di sản văn hóa tiếp tục tìm tất cả tư liệu, sử sách về triều đại trên trong các bộ sách như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện… để xác minh, đối chiếu và tổng hợp thông tin.

Ngoài ra, còn phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành đo đạc, đánh giá hiện trạng đất đai, thực hiện hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích. “Với những di tích xuống cấp trầm trọng như mộ Đô thống chế Chưởng phủ sự Lê Văn Hoan, việc xây dựng hồ sơ xếp hạng phải thực hiện rất khẩn trương để di tích được bảo vệ kịp thời, tránh bị xâm hại. Mặc dù có những đặc thù, khó khăn riêng nhưng xác định rõ nhiệm vụ của mình, chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành công việc nhanh, tốt nhất nhằm góp phần làm phong phú thêm hệ thống di sản của thành phố”, anh Phúc chia sẻ.

Trong các công đoạn xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử, bước khó khăn nhất là giải quyết các thủ tục, vướng mắc về đất đai. Anh Phan Thanh Phương, kỹ thuật viên phòng Quản lý di sản văn hóa cho biết, hồ sơ khoa học di tích bao gồm nhiều mục, thành phần. Trong đó, buộc phải có bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích được lập dựa trên hiện trạng sử dụng đất do Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đo đạc và xác nhận của chủ sở hữu, được thẩm định bởi Chi cục Quản lý đất đai thành phố. Công việc này phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp của UBND các phường, xã trong quá trình xác định và giao mốc sơ bộ ngoài thực địa.

Mặt khác, trong quá trình thực hiện, đa số di tích đều bị mất sổ đỏ hoặc vướng quy hoạch của thành phố nên tốn nhiều thời gian để kiến nghị, lấy ý kiến các ban, ngành giải quyết, điều chỉnh. “Thông thường, việc lập hồ sơ lý lịch, vẽ kỹ thuật hiện trạng di tích chỉ mất khoảng một tháng, nhưng giải quyết thủ tục đất đai tốn nhiều thời gian, công sức hơn. Thậm chí, có những di tích phải tốn 1-2 năm giải quyết, đi lại nhiều lần. Do vậy, anh em phòng luôn động viên nhau cố gắng, kiên trì vượt qua khó khăn”, anh Phương nói.

Tính đến nay, Đà Nẵng có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia, 61 di tích cấp thành phố. Ngoài ra, Đà Nẵng còn 39 di tích nằm trong danh mục kiểm kê, sẽ tiếp tục được xếp hạng trong thời gian tiếp theo. Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa Phan Thị Xuân Mai cho biết, ngoài những công việc thường xuyên như nghiên cứu, đánh giá, lập hồ sơ xếp hạng di sản vật thể, phòng còn tích cực thực hiện các công việc liên quan đến di sản phi vật thể như: lập hồ sơ, số hóa tư liệu về văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố để phục vụ công tác nghiên cứu, học tập và giới thiệu với công chúng về các loại hình di sản văn hóa của Đà Nẵng.

Hiện cán bộ, nhân viên của phòng đang thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn quận Sơn Trà. Đồng thời, phối hợp tổ chức sự kiện “Ngày hội di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2021”, dự kiến diễn ra vào tháng 11-2021. “Những năm qua, thành phố thường xuyên quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong đó, nổi bật là ban hành quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về quản lý, bảo vệ và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến di tích văn hóa. Thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy vai trò, hoàn thành tốt nhiệm vụ để góp phần bảo tồn, phát huy hiệu quả các di sản đặc trưng của thành phố”, chị Phan Thị Xuân Mai khẳng định.

XUÂN DŨNG

.