Tìm kiếm tác phẩm văn chương khắc họa chân dung người lao động 4.0

.

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn sẽ tìm ra những tác phẩm hay, phản ánh thực tiễn phong phú, nhiều màu sắc về đời sống công nhân.

Công nhân nữ hăng say lao động sản xuất. (Ảnh: Minh Nghĩa/ TTXVN)
Công nhân nữ hăng say lao động sản xuất. (Ảnh: Minh Nghĩa/ TTXVN)

Ngày 23-11, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam phát động cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn nhằm hồi sinh dòng văn học về người lao động, từng giữ vai trò chủ lưu trong văn chương Việt Nam, đồng thời phản ánh đời sống, việc làm của người công nhân trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông Nguyễn Bình Phương cho biết, cuộc thi mở rộng cho các tác giả chuyên và không chuyên, bao gồm người lao động trong và ngoài nước. Họ có thể thỏa sức sáng tạo những tác phẩm văn học phản ánh thực tiễn phong phú, nhiều màu sắc về đời sống công nhân, khích lệ lực lượng lao động này trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

“Trước đây chúng ta đã có dòng văn học viết về công nhân, với sự tham gia của hàng trăm tác giả. Đến nay, nhiều tác phẩm vẫn còn giá trị thời sự. Sau thời kỳ đổi mới, vai trò của người công nhân trở nên mờ nhạt trong văn học vì lý do nào đó. Chúng tôi cho rằng cần có kế hoạch đưa người lao động vào vị trí nổi bật trong văn học, trở thành nhân vật trung tâm của tác phẩm,” nhà văn Nguyễn Bình Phương nói.

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương phát biểu tại lễ phát động. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương phát biểu tại lễ phát động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Người lao động hiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã có nhiều thay đổi. Họ không chỉ là những người làm việc chân tay như thời kỳ trước mà có kỹ năng, tri thức, trình độ. Chúng tôi kỳ vọng cuộc thi sẽ tìm ra nhiều tác phẩm hay, mang tính thời đại,” ông Phương nói.

Đây cũng là sự kiện triển khai tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 diễn ra ngày 24-11 và chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, văn hóa là yếu tố quan trọng để xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Do đó, việc phát động cuộc thi viết vào thời điểm trước thềm hội nghị là điều rất có ý nghĩa.

“Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp diễn ra đang là sự kiện thu hút sự quan tâm, chú ý của toàn xã hội, nhất là những người làm văn hóa. Đối với tổ chức Công đoàn, chúng tôi hết sức quan tâm và kỳ vọng vào kết quả, thành công của hội nghị. Được ví như ‘Hội nghị Diên Hồng về văn hóa,’ hội nghị không chỉ là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sỹ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, dốc sức phát triển đất nước, mà còn là diễn đàn khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước,” ông Hiểu cho biết.

Ông Ngọ Duy Hiểu mong hội nghị sẽ dành thời gian thỏa đáng để bàn về xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam để người dân có nhận thức đầy đủ hơn, đúng hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa.

“Hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam được làm rõ, sâu sắc hơn tại hội nghị là tiền đề quan trọng để tổ chức Công đoàn Việt Nam triển khai, cụ thể hóa trong việc tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động thời đại mới yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại,” ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ.

Cuộc thi gồm hai hạng mục tiểu thuyết (14 giải) và truyện ngắn (15 giải). Tổng giá trị giải thưởng là 2,5 tỷ đồng. Ban tổ chức nhận tác phẩm từ nay đến 30-8-2023. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào quý 4-2023.

Bài viết gửi về Báo Lao động, 6 Phạm Văn Bạch, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Bản điện tử gửi về hộp thư thivietvecongnhan@gmail.com hoặc thivietvecongnhan@laodong.com.vn.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.