Lịch sử và những trang văn

.

Cách đây vừa đúng 75 năm, quân và dân Đà Nẵng cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai, gần 90 năm sau trận đầu chiến đấu chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha năm 1858. Ngày 19-12-1946, sau tất cả nỗ lực đàm phán không ngăn chặn được ý đồ và bàn tay tội ác của kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới…”, “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào, chúng ta phải đứng lên!...”.

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng (giữa), thời kỳ ở chiến trường miền Nam - tác giả cuốn bút ký Mùa Đông 1946 nóng hổi khí thế của thành phố đi vào trận chiến mới.
Nhà văn Nguyễn Văn Bổng (giữa), thời kỳ ở chiến trường miền Nam - tác giả cuốn bút ký Mùa Đông 1946 nóng hổi khí thế của thành phố đi vào trận chiến mới.

Theo lời kêu gọi thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, quân và dân Thành Thái Phiên - tên gọi của Đà Nẵng lúc ấy, cũng như nhiều nơi khác, bắt đầu chặng đường máu lửa đầy gian nan thử thách và cũng đầy khí phách hào hùng. Lịch sử khắc ghi bằng những sự kiện, những con số, những mốc thời gian không thể phai mờ.

May mắn thay, trong những ngày lịch sử ấy, một số nhà văn, nhà thơ có tên tuổi cũng có mặt tại Đà Nẵng, như nhà thơ Khương Hữu Dụng, người cầm bút từ sinh thời cụ Phan Bội Châu; lớp trẻ hơn có Tế Hanh, Nguyễn Văn Bổng cùng độ tuổi 25. Họ trực tiếp chứng kiến cảnh hy sinh gan dạ của quân và dân ta và đã viết nên những dòng cảm xúc bằng tiếng nói của văn chương. Nhà thơ Tế Hanh khi ấy dạy học ở Đà Nẵng, sau đó là Ủy viên Giáo dục của chính quyền lâm thời thành phố, có lẽ là người đầu tiên ghi lại giờ phút lịch sử ấy bằng tiếng nói thi ca trong trường ca Thành Thái Phiên với những câu thơ rực lửa: “Thành Thái Phiên đắm mình trong khói lửa/ Đất anh hùng lần nữa quyết hy sinh”.

Nguyễn Văn Bổng lúc đó đang phụ trách một trường trung học của thành phố, rồi làm công tác văn hóa cứu quốc, làm công tác tuyên truyền, đã phát huy ưu thế của một cây bút vừa có những bài ký sôi nổi ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, lại tiếp tục kịp thời cho ra đời bút ký Mùa Đông 1946, nóng hổi khí thế của thành phố đi vào trận chiến mới. Hình ảnh những chiến sĩ mưu trí dùng chai cháy ném vào đốt xe tăng địch, dùng dao đánh giáp lá cà với lính lê dương...

Hình ảnh người dân các khu phố khoét nhà, đục tường làm chiến hào liên thông từ phố này đến phố khác để bộ đội và dân quân luồn lách chiến đấu; hiến dâng nhà cửa, giường tủ, bàn ghế và mọi vật dụng sẵn có để làm công sự chiến đấu hoặc vứt ra đường làm vật chướng ngại cản bước quân thù. Hình ảnh những thanh niên, học sinh không theo gia đình tản cư, mà ở lại thành phố gia nhập các đơn vị tự vệ chiến đấu, làm cứu thương, chăm sóc thương binh... đã trở thành những nhân vật sống động trong tác phẩm văn học.

Cả những hình ảnh rất cụ thể, rất chi tiết của một thành phố phòng thủ, ngăn bước tiến quân thù cũng được nhà văn quan sát và ghi lại, với những “hàng rào dây thép gai theo hình chữ V chằng chịt nối liền gốc cây dương liễu này qua thân phượng kia, loang loáng ướt và đọng ở đầu thép nhọn những giọt nước lóng lánh”.

Chúng ta biết rằng, trong những ngày đầu kháng chiến, mặc dầu sự kháng cự của nhân dân rất anh dũng, kiên cường, nhưng sự hy sinh lớn lao đó vẫn không cản được hỏa lực xâm lăng. Quân Pháp dần dần làm chủ thành phố.

Chủ trương của chúng ta lúc ấy là đưa các cơ quan dân chính ra ngoài thành phố, đưa người dân tản cư, thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, “vườn không nhà trống” chiến đấu lâu dài. Bút ký Mùa Đông 1946 dẫn dắt người đọc sống lại khung cảnh của một buổi sáng mùa đông se lạnh với cảnh tượng được đặc tả vô cùng cảm động phút nghiêm trang của những người dân Đà Nẵng chào lá quốc kỳ trước khi rời thành phố lên đường kháng chiến: “Buổi sáng mùa đông lầm rầm mưa ấy, ngày 20-12-1946, theo hồi còi vang lên trên thành phố đang ngơ ngác, đồng bào thành Đà Nẵng đứng lại kính cẩn chào cờ buổi mai một lần chót để lên đường”.

Bìa sách Từ đêm Mười Chín của nhà thơ Khương Hữu Dụng - bản anh hùng ca đầu tiên và tiêu biểu trên chiến trường Liên khu 5, từ những năm đầu toàn quốc kháng chiến. (Ảnh tư liệu)
Bìa sách Từ đêm Mười Chín của nhà thơ Khương Hữu Dụng - bản anh hùng ca đầu tiên và tiêu biểu trên chiến trường Liên khu 5, từ những năm đầu toàn quốc kháng chiến. (Ảnh tư liệu)

Vừa bước vào cuộc kháng chiến chưa lâu, quân và dân Đà Nẵng phải đương đầu với âm mưu của Pháp đánh chiếm đèo Hải Vân, vị trí quan trọng trong mạch máu giao thông chiến lược nối liền Đà Nẵng - Huế, từ đó có thể dùng cửa biển vào sân bay Đà Nẵng tỏa khắp để tiếp tế các chiến trường Trung Đông Dương. Đèo Hải Vân sau đó bị quân Pháp chiếm đóng nhưng chúng ta đã biến nơi đây thành mồ chôn quân xâm lược với những trận giao thông chiến dũng mãnh, tiêu hao nhiều sinh lực địch. Những chiến công trên đèo Hải Vân, lịch sử có thể ghi những thời điểm trận đánh là “28 tháng 2 năm 1947, Tiểu đoàn 19 phục kích đánh trận giao thông chiến đầu tiên trên đèo Hải Vân, phá hủy 8 xe quân sự, tiêu diệt 1 đại đội địch”, có thể ghi thời điểm 15 tháng 2 hay 22 tháng 5 năm 1947 khiến đại tá Pháp Roger bỏ mạng ngay tại trận…

Nhưng điều quan trọng là những chiến công vang dội ấy được ghi lại bằng văn chương với trường ca nổi tiếng Từ đêm Mười Chín của nhà thơ Khương Hữu Dụng được hoàn thành ngay trong năm 1947-1948. Những chiến công vang dội và sự hy sinh quả cảm của những người lính thực sự thôi thúc nhà thơ, dội vào tâm hồn thi ca của ông những cảm xúc mạnh mẽ, trong thời điểm mà nhiều văn nghệ sĩ lúc ấy đang trong giai đoạn “nhận đường”, đang đi tìm kiểu sáng tác, loại chủ đề, lối viết sao cho phù hợp với thời đại mới. Từ đêm Mười Chín được đánh giá là bản anh hùng ca đầu tiên và tiêu biểu chẳng những trên chiến trường Liên khu 5 mà còn là của cả nước, xuất hiện ngay từ những năm đầu toàn quốc kháng chiến. Tác phẩm được in thành sách năm 1951, nhận được giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1951-1952.

Ngày nay, mấy ai trong chúng ta có thể đi lại những vách đá, những đường mòn rậm rạp trong rừng già Hải Vân. Nhưng những câu thơ gân guốc cho chúng ta sống lại và hình dung tất cả vất vả, can trường của những chiến sĩ trong buổi đầu kháng chiến gian nan ấy. Đây cao vòi vọi dốc ông Mạnh/ Đây ầm ầm đổ thác không tên/ Có suối chân hùm vừa để dấu/ Có lùm cây vút tuyệt đường chim/...  Những cuộc hành quân xuyên ngày xuyên đêm: Giữa một đêm mưa lớn/ Tiến bước theo mưa dồn/…/Mừng sáng rúc rừng xanh/ Vòng khe quanh dốc mệt sá kể/Ven bờ vạch lá bíu cành nghiêng/ Rêu chuồi đá chởm đường chênh vênh/Người dưới ngó chừng người đi trên/ Đầu, tha hồ mưa xối/ Mình, tha hồ vắt sên!

Những câu thơ mang sức nặng nghị lực người lính “cắn răng” chịu đựng gian khổ, hơi thơ mang chút vị cổ phong mà hiện đại: Rồi dốc, rồi truông, leo rồi leo/ Rồi khe, rồi lạch, vòng cong queo/ Lên, bám vào mây, xuống, bíu gió/ Trượt chân, suối cuốn một làn rêu! Vất vả gian nan nhưng mang đầy lạc quan ngày chiến thắng... Thật bất ngờ khi gặp một câu thơ làm sáng cả không gian, sáng cả tâm hồn người đọc: Một tiếng chim kêu sáng cả rừng/ Lên đường chân lại nối theo chân/ Đêm qua đầu chụm run bên đá/ Nay lại cùng mây sưởi nắng hừng... Trong bài “Người đi dọc thế kỷ XX”, Anh Ngọc - một nhà thơ thời chống Mỹ - đã thốt lên rằng, những câu thơ này của những ngày đầu chống Pháp ở Liên khu 5 đã vượt không gian, vượt thời gian, “vượt đèo Hải Vân bay ra miền Bắc và cũng là vượt biên giới của thời gian để đến với thế hệ cầm súng chống Mỹ chúng tôi”.

Những người viết nên những dòng văn, những câu thơ về Đà Nẵng chiến đấu kiên cường trong buổi đầu chống ngoại xâm ngày ấy nay không còn nữa. Nhưng tác phẩm của họ vẫn sống mãi với thời gian, cùng với những chiến công hào hùng trong quá khứ không bao giờ quên, không bao giờ được phép quên lãng.

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.