Bảo tồn văn hóa dân gian vùng biển

.

Với mong muốn lưu giữ nét văn hóa đặc trưng địa phương, chính quyền và nhân dân phường Mân Thái (quận Sơn Trà) nỗ lực bảo tồn, phục dựng đời sống, tín ngưỡng của làng chài truyền thống. Qua đó, góp phần giữ gìn bản sắc, không gian sinh hoạt văn hóa, kết hợp giáo dục truyền thống làng nghề cho thế hệ trẻ và phục vụ phát triển du lịch.

Ban nghi lễ và người dân phường Mân Thái (quận Sơn Trà) đưa cốt cá Ông về lăng mới được đầu tư, xây dựng. Ảnh: XUÂN DŨNG
Ban nghi lễ và người dân phường Mân Thái (quận Sơn Trà) đưa cốt cá Ông về lăng mới được đầu tư, xây dựng. Ảnh: XUÂN DŨNG

Giữ gìn giá trị văn hóa biển

Ngày 23-12-2021, dân làng Mân Thái tổ chức lễ an vị và thỉnh cốt cá Ông (cá voi) về lăng. Theo người dân địa phương, bộ cốt này của xác cá Ông cuối cùng được ngư dân biển Sơn Trà vớt vào cách đây khoảng 35 năm. Dân làng Mân Thái tổ chức an táng và thờ cúng tại lăng Ông cho đến ngày nay. Qua thời gian, lăng Ông bị hư hỏng nặng nề, thành phố đầu tư xây dựng lại lăng với kinh phí gần 4 tỷ đồng, khởi công vào đầu năm 2021.

Được đầu tư xây dựng lại lăng rộng rãi, kiên cố, người dân Mân Thái đều vui mừng, phấn khởi bởi cốt cá Ông mang ý nghĩa lớn đối với ngư dân và làng chài. Theo ông Phạm Văn Liễn (80 tuổi, cao niên làng Mân Thái), cá Ông như một vị thần của biển, thường xuyên cứu nạn, giúp đỡ người dân trong lúc ra khơi.

Bên cạnh đó, cá Ông còn mang ý nghĩa đem đến điều tốt đẹp, may mắn, bội thu cho ngư dân. Trước lễ Cầu ngư, ngư dân đánh bắt tương đối khó khăn, nhưng sau khi cúng lễ xong ra khơi được mùa. Chính vì vậy, tín ngưỡng tôn thờ cá Ông thấm sâu vào người dân chài, lễ Cầu ngư được duy trì hằng trăm năm nay.

“Cốt ngư Ông của làng được an vị nơi khang trang, người dân chúng tôi rất yên tâm, phấn khởi. Chúng tôi sẽ cố gắng giữ gìn, bảo vệ lăng cũng như duy trì, thực hiện tốt các lễ cúng ngư Ông trong năm. Đồng thời, phát huy di tích thành nơi giáo dục cội nguồn, làng nghề truyền thống cho thế hệ trẻ”, ông Liễn chia sẻ.

Tái hiện ký ức làng chài

Cũng trong năm 2021, nhiều người dân phường Mân Thái chung tay, đóng góp công sức, tiền của để sưu tầm, phục dựng nhiều hoạt động đời sống của làng chài, với mong muốn lưu truyền cho thế hệ trẻ. Việc làm này xuất phát từ sự phát triển nhanh chóng của đô thị, các làng nghề và người gắn bó với biển thưa dần. Các hoạt động của dân làng chài ngày trước như: cột dây kình, gọt phao gỗ, giã vỏ thông… dần bị mai một nên phần đông thế hệ trẻ không hiểu về nghề truyền thống của cha ông. Được sự cho phép của chính quyền địa phương, từ tháng 3-2021 đến nay, người dân Mân Thái tổ chức phục dựng thành công 7 hoạt động liên quan nghề đi biển.

Tham gia phục dựng các hoạt động này, bà Phạm Thị Sáu (70 tuổi, phường Mân Thái) chia sẻ: “Được trở lại những công việc một thời để ghi lại hình ảnh cho thế hệ mai sau nhớ về cái nghề của làng, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ. Những hoạt động này không chỉ giúp chúng tôi sống lại ký ức thời trẻ mà còn giúp lưu lại để nhắc nhở con cháu không được quên nghề biển đã nuôi sống bao thế hệ dân làng, nhất là đừng bao giờ lãng quên cội nguồn”.

Là người khởi xướng ý tưởng phục dựng các hoạt động này, ông Huỳnh Văn Mười (54 tuổi, phường Mân Thái) cho biết, những hình ảnh gian lao, khổ cực của người dân làng chài ngày trước luôn đau đáu trong ông. Ký ức về những ngày sống chung với biển luôn thôi thúc ông Mười phải làm gì đó để giữ lại bản sắc đặc trưng của quê hương làng chài. Vì vậy, ông tới gặp những cao niên trong làng, tìm bạn bè gần xa nói về ý tưởng phục dựng lại đời sống, lao động, sinh hoạt của bà con làng chài. May mắn, ý tưởng này được người dân ủng hộ, đặc biệt là sẵn sàng đóng góp công sức, tiền bạc để thực hiện. Tham gia vào quá trình phục dựng đều là các lão làng người Mân Thái, có kinh nghiệm và kinh qua nghề biển. Do đó, những công việc này được các cụ ông, cụ bà tái hiện nhuần nhuyễn, chính xác và sinh động.

“Tất cả những hoạt động của cha ông, người dân sẽ cố dựng lại, ghi hình làm thành một bộ phim để giới thiệu văn hóa làng chài, giáo dục thế hệ trẻ và tư liệu phục vụ du lịch. Chúng tôi hy vọng thành phố tạo điều kiện đưa nét đẹp, sự độc đáo của văn hóa biển lan tỏa đến bạn bè, du khách quốc tế qua những hoạt động trưng bày sau này”, ông Mười bày tỏ.

Bí thư Đảng ủy phường Mân Thái Đặng Đình Hưởng cho biết, Đảng ủy, UBND phường luôn dành sự quan tâm rất lớn cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương. Đơn cử gần đây, phường đề xuất thành phố đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử trên địa bàn như: đình Cổ Mân, lăng Ông. Đặc biệt, chính quyền địa phương luôn khuyến khích, tạo điều kiện cũng như hỗ trợ các hoạt động của bà con liên quan đến phục dựng, bảo tồn văn hóa làng biển. Trong đó, phường làm việc với Hội Âm nhạc thành phố để sáng tác 13 ca khúc, bài dân ca về Mân Thái. Các bài hát này cũng phục vụ cho cuốn phim tư liệu mà bà con phục dựng, ghi hình thời gian qua. Hiện các ca khúc đã hoàn thành nhưng do dịch bệnh phức tạp, địa phương chưa tổ chức đêm nhạc công bố.

“Thời gian tới, trong điều kiện cho phép, phường tổ chức công diễn những ca khúc này. Song song đó, phường tiếp tục lập hồ sơ đề nghị thành phố công nhận đình Tân Thái là di tích lịch sử. Qua đó, góp phần làm nên diện mạo văn hóa của địa phương và phục vụ phát triển kinh tế du lịch”, ông Hưởng thông tin.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.